1.000 ngày đầu tiên ảnh hưởng tới tương lai trẻ như thế nào?
Khoảng thời gian 1.000 ngày từ thời kỳ mang thai của người phụ nữ cho tới khi đứa trẻ tròn 2 tuổi được coi là giai đoạn cửa sổ then chốt, cung cấp cơ hội duy nhất để định hình một tương lai khỏe mạnh và thành công đối với đứa trẻ.
Dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời ảnh hưởng đến tiềm năng phát triển của trẻ
Sự thiếu hụt dinh dưỡng lâu ngày trong 1.000 ngày đầu tiên cuộc đời dễ dẫn đến việc trẻ bị chậm tăng cân, kém hấp thu và cuối cùng là suy dinh dưỡng thể còi cọc hoặc là hạn chế chiều cao so với lứa tuổi. Khi cơ thể không được cung cấp đủ dưỡng chất, sức đề kháng suy giảm, đây là điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển, khiến trẻ dễ mắc bệnh, khi bị bệnh thường lâu khỏi hơn, cơ thể càng suy nhược. Cứ như thế càng làm cho tình trạng chậm tăng cân kéo dài, nặng nề và khó khắc phục hơn.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, hậu quả của suy dinh dưỡng giai đoạn này đặc biệt nghiêm trọng, thường không thể cứu vãn. Một nghiên cứu ở Guatemala trong đó người ta đo chiều cao của trẻ khi chúng 3 tuổi và đo chiều cao của chính những đứa trẻ đó khi chúng lớn lên đến 18 tuổi. Nghiên cứu này chỉ ra rằng khi 3 tuổi, những đứa trẻ được nuôi dưỡng tốt sẽ cao hơn những trẻ bị suy dinh dưỡng nặng đến 13,3cm. Điều này có nghĩa là trẻ em bị suy dinh dưỡng lúc 3 tuổi thì về sau này không thể bắt kịp chiều cao bình thường (chứng tỏ rằng suy dinh dưỡng thấp còi là không thể khắc phục sau độ tuổi đó) và trở thành người thấp còi khi trưởng thành.
Bên cạnh đó, “giai đoạn vàng” không những quan trọng trong hành trình phát triển thể chất mà còn là thời điểm khởi đầu để trẻ tiếp xúc với thế giới xung quanh, phát triển trí não. Và nếu các dưỡng chất cần thiết như kẽm, lysin, taurine… không được cung cấp đủ sẽ làm cản trở quá trình hoàn thiện của bộ não. Trẻ có thể bị lờ đờ, chậm phát triển, giao tiếp xã hội kém hơn. Trẻ sẽ không bao giờ học hỏi, thu nhận được nhiều như những gì chúng có thể nếu được nuôi dưỡng đúng cách. Theo nghiên cứu của tổ chức y tế thế giới, hàng triệu trẻ em trong khu vực có nguy cơ có cuộc sống ngắn hơn so với những đứa trẻ khác, khả năng nhận thức kém hơn và ít khả năng học tập, chỉ vì chúng không nhận được dinh dưỡng hợp lý. Sau này, khi những đứa trẻ còi cọc đó tham gia vào lực lượng lao động, sự phát triển thể chất và nhận thức hạn chế của chúng có thể làm giảm khả năng thu nhập đến 22%. Các nhà khoa học, các nhà kinh tế và các chuyên gia y tế hàng đầu đồng ý rằng việc cải thiện dinh dưỡng trong 1000 ngày quan trọng là một trong những đầu tư tốt nhất, giúp chúng ta đạt được tiến bộ lâu dài trong sức khỏe toàn cầu và phát triển.
Các biện pháp cải thiện dinh dưỡng cho trẻ:
1. Đảm bảo rằng bà mẹ và trẻ nhỏ được cung cấp đầy đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết. Theo đó, chế độ ăn phải bảo đảm đủ năng lượng và có đủ các dưỡng chất hỗ trợ tăng trưởng chiều cao là chất đạm, canxi, kẽm, sắt, iốt, vitamin nhóm B
3. Điều trị cho trẻ em suy dinh dưỡng bằng thực phẩm đặc biệt và phù hợp.
2. Khuyến khích các thực hành tốt về dinh dưỡng như nuôi con bằng sữa mẹ, thực phẩm phù hợp và lành mạnh cho trẻ sơ sinh;
4. Quan tâm tới giấc ngủ của trẻ: Giấc ngủ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển chiều cao. Theo sinh lý, hormone tăng trưởng giúp phát triển chiều cao được não bộ tiết ra mạnh và đầy đủ nhất từ 23h đêm đến 1-2h sáng với điều kiện bé đã ngủ sâu. Giấc ngủ sâu thường bắt đầu khoảng 1-2 giờ sau khi ngủ. Vì vậy trẻ con phải ngủ sớm trước 22h, trên 8 tiếng mỗi ngày. Đặc biệt trẻ sơ sinh đến dưới 3 tuổi cần ngủ dài hơn, trung bình từ 12 đến 14 tiếng mỗi ngày.
Nguồn Dân trí