7 nguyên nhân gây ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa mà bạn không hay biết

Chia sẻ tin này:

Bạn đã từng bị đầy hơi, táo bón, ợ nóng hoặc bị chuột rút chưa? Và bạn có biết tại sao bạn lại bị như vậy không?

Chuyên gia dinh dưỡng Cassandra Barns đã có cuộc trò chuyện với Daily Mail Online: “Đường tiêu hóa của chúng ta không đơn thuần chỉ là một cái ống. Nó bao gồm nhiều phần riêng biệt sản xuất các loại tế bào khác nhau. Những tế bào này sẽ tạo ra các chất bao gồm các enzyme, axit và thậm chí là các kích thích tố để hướng dẫn các bộ phận khác nhau của hệ tiêu hóa làm thế nào để thực hiện tốt chức năng của chúng”.
Hệ tiêu hóa là một hệ thống phức tạp và chỉ cần một sai sót nhỏ trong cuộc sống liên quan tới thực phẩm cũng có thể gây cho đường ruột và ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn. Dưới đây là 7 nguyên nhân gây hại tới hệ tiêu hóa của bạn do một nhóm các nhà dinh dưỡng đưa ra.
1. Ăn quá nhiều

Ăn quá nhiều có thể gây những ảnh hưởng bất lợi đến hệ thống tiêu hóa. Shona Wilkinson, một chuyên gia dinh dưỡng làm việc cho web SuperfoodUK.com, giải thích: “Thường xuyên ăn quá nhiều có thể gây áp lực cho hệ thống tiêu hóa, nó có thể không sản xuất đủ axit có trong dạ dày và các enzym có trong đường tiêu hóa để đối phó kịp với khối lượng thực phẩm quá lớn.

“Hệ thống tiêu hóa sẽ hoạt động chậm lại khi bạn ăn quá nhiều và thức ăn thì không được tiêu hóa kịp thời, khi đó bạn có thể gặp phải chứng ợ nóng. Nếu có thể, bạn chỉ ăn no tới khoảng 80% và chờ đợi khoảng 20 phút rồi mới ăn tiếp”, bà Wilkinson nói.

nguyen nhan gay anh huong he thong tieu hoa

Ăn quá nhiều có thể gây những ảnh hưởng bất lợi đến hệ thống tiêu hóa. (Ảnh minh họa: Internet)

2. Không nhai đúng cách


Nghe qua có vẻ như chuyện nhai không đúng là không có gì liên quan tới hệ tiêu hóa nhưng sự thật thì nhai không đúng cách có thể là một trong những nguyên nhân chính của các triệu chứng khó chịu trong hệ tiêu hóa, đặc biệt là đầy hơi.

Nhai là một quá trình cần thiết để nghiền nhỏ thức ăn giúp giảm bớt gánh nặng cho chức năng của hệ tiêu hóa. “Nếu bạn nhai không đúng cách, bạn có thể gặp các vấn đề như trào ngược axit, đầy bụng, đầy hơi và chuột rút”, Barns cho biết. Cô khuyên bạn nên nhai mỗi miếng thức ăn ít nhất 30 lần.

3. Thiếu chất xơ

Chất xơ là một thành phần quan trọng có trong bất kỳ một chế độ ăn uống nào với lý do mà bạn chắc chắn cũng biết đến đó là nó giúp ngăn ngừa táo bón. Chất xơ hòa tan – một loại chất xơ có thể hòa tan trong nước để tạo thành một chất gel trong ruột, giúp các chất thải nhanh chóng được loại bỏ ra khỏi cơ thể.

Chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu, Tiến sĩ Marilyn Glenville cho biết: “Chất xơ cũng có thể hoạt động giống như một chất tiền sinh học, nó khuyến khích sự phát triển của các vi khuẩn thân thiện. Chất xơ hòa tan được tìm thấy nhiều trong các loại rau và trái cây, yến mạch, hạt lanh và đậu Hà Lan”.

Tuy nhiên, ăn quá nhiều chất xơ cũng có thể gây hại, đặc biệt là đối với những người bị các triệu chứng IBS (Hội chứng ruột kích thích).“ Chất xơ không hòa tan có thể được tìm thấy trong cám lúa mì, ngũ cốc, các loại hạt và quả hạch”, Wilkinson giải thích. Nếu bạn bị đầy hơi và chuột rút thì bạn nên hạn chế ăn cám lúa mì mà ăn nhiều gạo nâu, yến mạch, rau và trái cây.

nguyen nhan gay anh huong he thong tieu hoa

Ăn quá nhiều chất xơ cũng có thể gây hại, đặc biệt là đối với những người bị các triệu chứng hội chứng ruột kích thích. (Ảnh minh họa: Internet)

4. Bị stress hoặc lo lắng

Stress có thể gây ra vô số các vấn đề về sức khỏe từ đau đầu đến huyết áp cao. Nhưng lo lắng cũng có thể gây hại cho ruột và gây ra các vấn đề về tiêu hóa. “Chất dẫn truyền thần kinh – một loại hóa chất truyền tín hiệu thần kinh, chẳng hạn như serotonin sẽ hỗ trợ điều tiết và kích thích quá trình tiêu hóa”, Barns giải thích.

“Nếu chúng ta cảm thấy lo lắng, căng thẳng thì có nghĩa rằng chất dẫn truyền thần kinh trong cơ thể chúng ta đang ở mức độ thấp và nó là nguyên nhân gây ra các triệu chứng khó chịu. Đây là vấn đề xảy ra khá phổ biến nếu như chúng ta ăn trong trạng thái bị stress hoặc lo lắng. Để giảm căng thẳng, bạn cần có một khoảng thời gian để thư giãn trước khi ăn, ăn chậm và ăn xong thì không được chạy hay nhảy”.

5. Lười tập thể dục

Vận động sẽ kích thích hệ tiêu hóa và giúp thức ăn di chuyển dọc theo cơ thể, điều này sẽ giúp hệ tiêu hóa hoạt động có hiệu quả. Do đó hoạt động thể chất rất có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là với những người bị táo bón, bác sĩ Glenville lưu ý. Cô cho biết: “Tập thể dục cũng có thể giải quyết các vấn đề liên quan đến đầy hơi và các triệu chứng IBS – có lẽ chủ yếu bằng cách giảm bớt căng thẳng. Các bài tập nhẹ nhàng như yoga và Pilates có thể là những bài tập có lợi nhất”.

6. Sử dụng thuốc kháng sinh

Thuốc kháng sinh là một loại thuốc có hiệu quả cao trong việc chống lại các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây nên. Tuy nhiên, chúng cũng có thể ảnh hưởng đến một số loại vi khuẩn tốt có trong ruột, đặc biệt là khi chúng ta lạm dụng thuốc kháng sinh trong mộ thời gian dài.

Barns nói: “Số lượng các vi khuẩn có lợi cho ruột ở mức độ thấp thì điều này sẽ gây hại cho hệ tiêu hóa bao gồm sự không dung nạp lactose – một loại đường có trong sữa, mất cân bằng nồng độ axit-kiềm có trong ruột cùng với sự phát triển quá mức của vi khuẩn và nấm men có hại. Điều này có thể dẫn cơ thể bạn bị hấp thu kém các chất dinh dưỡng, bị đầy hơi, chuột rút, tiêu chảy hoặc táo bón”.

Chuyên gia dinh dưỡng, Adrienne Benjamin khuyên bạn nên bổ sung các loại vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa bằng cách bổ sung các loại thực phẩm lên men trong chế độ ăn hàng ngày của bạn như ăn sữa chua tự nhiên, súp miso, dưa cải bắp hay kim chi”.

nguyen nhan gay anh huong he thong tieu hoa

Vận động sẽ kích thích hệ tiêu hóa và giúp thức ăn di chuyển dọc theo cơ thể, điều này sẽ giúp hệ tiêu hóa hoạt động có hiệu quả. (Ảnh minh họa: Internet)

7. Viêm loét dạ dày tá tràng

Nếu bạn đang phải chịu những cơn đau quặn trong dạ dày kéo dài tới vài giờ hay sau một vài ngày hoặc vài tuần thì bạn có thể đã bị viêm loét dạ dày tá tràng. Wilkinson giải thích: “Tình trạng đau đớn này xảy ra là do cơ thể bạn bị nhiễm vi khuẩn H.pylori có trong nước hoặc thực phẩm. Đây là một loại vi khuẩn làm cho lớp bảo vệ dạ dày bị mỏng đi và bị viêm nhiễm. Điều này ảnh hưởng tới lớp niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng gây ra chứng buồn nôn, ợ nóng hoặc nôn mửa”.

Để điều trị viêm loét, bạn sẽ cần phải được điều trị bằng các loại thuốc kháng sinh và thuốc axit ức chế. “Một khi bạn đã điều trị viêm loét thì bạn nên cẩn thận với rượu, cà phê, nước cam quýt, các loại thực phẩm có nhiều gia vị và bị hun khói, vì chúng có thể gia tăng axit trong dạ dày,” Barns nói.

Các chất béo lành mạnh, ngũ cốc cũng như các loại thịt nạc có thể rất có lợi cho sức khỏe hệ tiêu hóa của bạn. “Bạn cũng có thể bổ sung các loại thuốc chức năng chứa nhiều thành phần tự nhiên kết hợp với các prebiotics, probiotics, các enzyme và các chất dinh dưỡng để hỗ trợ chữa bệnh và hỗ trợ lót niêm mạc”.

(Nguồn: Dailymail)

Nguồn afamily.vn

Chia sẻ tin này:

Có thể bạn quan tâm

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận