Kỹ thuật tác động cột sống
1. Phương pháp Chiropractic (Mỹ)
Chiropractic là phương pháp y khoa hiện đại của Mỹ nhằm chữa các bệnh thuộc hệ vận động như đau cột sống, đau dây thần kinh, đau vai… có lịch sử phát triển đã hơn một thế kỷ qua và được công nhận là một phương pháp để chữa bệnh và đạt kết quả rất hữu hiệu. Đối với cột sống, Chiropractic dựa vào cơ chế sinh – cơ học của đĩa đệm cột sống để tiến hành nắn chỉnh cột sống bằng tay nhằm giải phóng chèn ép, và giảm đau.
– Để người bệnh nằm sấp trên ghế Hylo hoặc ghế tự tạo, phần lưng ghế có thể điều chỉnh lên xuống được, điều chỉnh cho lưng hơi cong.
– Thầy thuốc đứng ở phía đau của người bệnh, dùng bàn tay phải đặt vào chỗ lồi của xương cùng S1, S2 đẩy về phía sau. Dùng bàn tay trái đè vào cột sống thắt lưng L5 và đẩy ngược lên trên để mở rộng góc độ lớp sụn bị dập vỡ đè vào tủy sống hoặc dây thần kinh. Nếu lớp sụn đè vào giữa thì người và tay phải thẳng góc với lưng, dùng một lực thật mạnh và nhanh ấn xuống cho mặt ghế ở phần lưng sập xuống, trọng lực đẩy đẩy lớp sụn nhưng không đè vào tủy sống hoặc dây thần kinh. Người bệnh sẽ thấy bớt đau ngay. Tiến hành kỹ thuật lập lại vài lần cho trọng lực ở phần lưng ghế Hylo hoặc ghế tự tạo đẩy lớp sụn vào sâu thêm.
– Cho người bệnh ngồi dậy từ từ, đi lại vài bước nhẹ nhàng, quay lại đứng vào ghế Hylo rồi từ từ hạ ghế xuống để kéo giãn cột sống lưng bằng trọng lực tự thân khoảng 2-3 lần. Sau đó để người bệnh nằm yên và cho chạy điện xung vừa phải 25 phút.
– Cho người bệnh dậy và đeo nịt lưng ngay để giữ đốt xương không vặn vẹo gây ép lớp sụn dễ gây lồi trở lại.
2. Quy trình nắn chỉnh cột sống của Nguyễn Văn Thông (1992)
Bước 1: Làm mềm các cơ ở lưng, mông bằng các phương pháp như xoa bóp, nhiệt nóng, điện xung… thời gian khoảng 15-20 phút:
– Thủ thuật “phát”(vỗ) trên da và cơ vùng lưng cho đỏ da đều, có tác dụng làm giãn cơ và rung động cột sống để gỡ dính tại các vị trí chèn ép thần kinh.
– Thủ thuật day bóp các khối cơ cạnh sống từ vùng lành đến vùng đau, từ nông vào sâu và ngược lại. Thủ thuật có thể tiến hành trên các huyệt vùng thắt lưng (day bấm huyệt) trong 4-6 phút, có tác dụng giảm đau và làm giãn cơ.
Bước 2: Làm giải phóng đoạn cột sống bị tắc nghẽn với 4 thao tác sau:
– Bệnh nhân nằm sấp, người nắn dùng lực gốc bàn tay khoảng 20-30kg lực ấn vào giữa khoang liên mỏm gai D12-L1, đồng thời đẩy vào mỏm gai L1 trong thì bệnh nhân thở ra. Vừa ấn vừa đẩy nhịp nhàng 5-6 lần theo nhịp thở, sau đó thứ tự chuyển xuống các khoang liên mỏm gai L1-L2, L2-L3, L3-L4, L4-L5, L5-S1, thời gian 4-5 phút.
– Bệnh nhân nằm nghiêng cho chùng cơ, chân trên co, chân dưới duỗi. Người nắn dùng một tay (cánh và cẳng tay) đè lên vai bệnh nhân từ từ ép bệnh nhân xuống giường, tạo một cử động xoay cột sống, đồng thời tay kia dùng ngón cái đẩy nhẹ mỏm gai đốt sống phía trên theo cùng chiều. Sau đó để bệnh nhân nằm nghỉ 2-3 phút.
– Đổi bệnh nhân nằm nghiêng sang bên kia, tiến hành như lúc trước.
– Bệnh nhân nằm sấp, chân đau gập cẳng chân vào mông và hơi xoay trong. Thầy thuốc cố định chân bệnh nhân, dùng ngón tay cái thuận ấn sát vào cạnh mỏm gai nằm trên trục thẳng lưng.
Bước 3: Điều chỉnh đoạn cột sống trên khu vực bị tắc nghẽn.
Nguyên tắc: cho bệnh nhân chủ động dần các thao tác, mỗi ngày tăng lên một mức có sự hướng dẫn và hỗ trợ của thầy thuốc. Các thao tác:
– Nghiêng cột sống: bệnh nhân đứng 2 chân mở rộng bằng vai, tư thế mềm mại, 2 tay chống vào mông. Thầy thuốc cố định chậu hông 2 bên bằng cố định xương chậu. Sau đó bệnh nhân từ từ nghiêng từng bên, góc độ nghiêng tăng dần.
– Xoay tròn ngang cột sống: bệnh nhân vẫn ở tư thế trên, làm động tác lắc tròn mông theo 2 chiều
phải trái và trái phải. Trong khi vận động sẽ thấy khối eo lưng chuyển động nhịp nhàng như lắc vòng.
Bước 4: Làm mạnh các cơ giữ cột sống (cơ lưng to, cơ bụng) và làm chuyển động các khớp cột sống, khớp chậu hông nhằm làm rộng lỗ liên đốt và khôi phục sự cân bằng của khung chậu bằng 7 động tác sau:
– Ngồi cúi: ngồi bệt mông, 2 chân duỗi thẳng, 2 tay vươn ra trước tới ngón chân cái. Thầy thuốc vỗ, ấn vào khối cơ lưng vùng thận.
– Đứng cúi: 2 chân rộng bằng vai, gối thẳng và từ từ cúi xuống cho các ngón tay chạm đất.
– Bật cong người kiểu con tôm: bệnh nhân nằm ngửa hai tay ôm vào khoeo chân, đùi gấp vào bụng, cẳng chân gấp vào đùi rồi làm động tác bật dậy với tư thế cân đối theo trục cơ thể.
– Xoay khớp háng: bệnh nhân nằm ngửa, đùi gấp vào bụng, cằng chân gấp vào đùi, thầy thuốc xoay 2 chân bệnh nhân theo 2 chiều: phải – trái, trái – phải.
– Xoay khớp cùng chậu: làm như động tác xoay khớp háng, sau đó dùng một tay vặn hai chân, tay kia cố định ngực và vai bệnh nhân.
– Xoay vặn toàn bộ cột sống lưng: bệnh nhân nằm nghiêng, chân dưới duỗi thẳng, chân trên co nhẹ, tay để dọc thân. Thầy thuốc làm động tác bẻ gập và xoay nhẹ cột sống cho tới khi nghe tiếng kêu lắc rắc của các khớp nhỏ cột sống, sau đó chuyển sang tư thế nằm nghiêng bên đối diện tiến hành thao tác tương tự.
– Nằm thư giãn: bệnh nhân nằm ngửa thoải mái, thở sâu và chậm, nằm nghỉ 15-10 phút.
Chống chỉ định tác động cột sống:
– Các bệnh cột sống: viêm cột sống dính khớp, lao, ung thư, nhuyễn xương, loãng xương.
– Thoát vị đĩa đệm kết hợp trượt thân đốt sống hoặc gẫy cung đốt sống.
– Bệnh nhân thể tạng quá yếu hoặc tuổi quá cao.