Điều trị bằng ion tĩnh điện

Chia sẻ tin này:

ĐIỀU TRỊ BẰNG ION TĨNH ĐIỆN

I.ĐẠI CƯƠNG
– Bình thường trong cơ thể người có sự cân bằng ion, với tỷ lệ ion (-) và (+) xấp xỉ nhau, giữ cho hoạt động của con người luôn ở trạng thái ổn định. Quá trình lao động, làm việc trong một ngày nhất là trong điều kiện môi trường không thuận lợi, tù túng, căng thẳng thần kinh… làm tiêu hao đáng kể lượng ion âm và thay đổi cân bằng âm dương, tạo ra cảm giác mệt mỏi, giảm sức bền, giảm năng suất lao động.
– Điều trị bằng ion tĩnh điện là kỹ thuật điều trị bằng dòng âm cực dựa trên cơ sở tương tác của cực âm dòng điện một chiều có điện áp âm cỡ (-) 100 đến (-) 500 Volt ở mức cường độ dòng cỡ micro ampere tác động lên cơ thể bằng hiện tượng ion hóa các nguyên tử, phân tử trở thành các ion tích điện âm, ảnh hưởng đến quá trình điện từ của cơ thể, làm tăng cường hoạt tính tế bào và dịch thể tổ chức, kích thích điện sinh vật. Ion tĩnh điện không có tác dụng đặc hiệu đối với nguyên nhân gây bệnh.
II.CHỈ ĐỊNH
– Rối loạn chức năng: hội chứng suy nhược thần kinh, mệt mỏi, đau mình mẩy, rối loạn tiền mãn kinh…
– Điều trị một số chứng bệnh mạn tính: đau xương khớp, rối loạn thần kinh thực vật…
– Mệt mỏi sau lao động trong môi trường không thông thoáng, ô nhiễm bụi, tiếng ồn, khí hậu nóng ẩm…
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
– Người mang máy tạo nhịp tim.
– Sốt cao, u các loại.
– Người quá mẫn cảm.
– Chống chỉ định tương đối với người bệnh tâm thần, trẻ em không quản lý được.
IV.CHUẨN BỊ

  1. Người thực hiện: Bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng, hoặc kỹ thuật viên vật lý trị liệu, hoặc người được đào tạo chuyên khoa.
  2. Phương tiện: Máy điều trị ion tĩnh điện

– Kiểm tra các thông số kỹ thuật của máy.
– Chọn các thông số kỹ thuật phù hợp: chọn mức điện áp âm.
– Chọn điện cực điều trị: tấm điện cực tay/chân.
– Ghế gỗ, thảm lót chân cách điện.

  1. Người bệnh

– Giải thích cho người bệnh trước khi điều trị, đặc biệt trong những lần điều trị đầu tiên hay người bệnh là trẻ em, phụ nữ, người già…
– Người bệnh ngồi hoặc nằm, tay nắm cần ion hoặc đặt tay/chân lên tấm điện cực âm. Tư thế thoái mái. Có thể điều trị từng người hoặc nhóm 2-3 người.

  1. Hồ sơ bệnh án: Bệnh án và phiếu điều trị chuyên khoa

V.CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

  1. Kiểm tra hồ sơ
  2. Kiểm tra người bệnh
  3. Thực hiện kỹ thuật

– Bật máy và điều chỉnh mức điện áp dòng ra phù hợp: từ (-) 100 V đến (-) 500 V. Khi mới điều trị nên bắt đầu từ liều thấp (âm 100 đến 200 V), rồi tăng dần theo đáp ứng của cơ thể.
– Đặt thời gian điều trị: trung bình 20 đến 30 phút/lần. Ngày 1-2 lần. Mỗi đợt 20-30 ngày, nghỉ 2-3 tuần có thể điều trị tiếp.
– Hết thời gian điều trị máy tự động cắt dòng ra hoặc có thể chỉnh mức điện áp về “0”. Tắt máy và bảo quản theo quy định.
– Kiểm tra, dặn dò người bệnh.
VI.THEO DÕI
– Trong quá trình điều trị: theo dõi phản ứng và các diễn biến bất thường của người bệnh (choáng váng, chóng mặt, sợ hãi…). Trong khi điều trị, người bệnh có biểu hiện nhiễm điện toàn cơ thể, kiểm tra bằng cách dùng bút thử điện gí vào da chỗ nào đèn cũng sáng.
– Sau khi điều trị: hỏi cảm giác của người bệnh xem có gì bất thường không? Ghi hồ sơ bệnh án.
– Trong thời gian điều trị, người khác không đứng trên vật cách điện không được chạm vào da người bệnh vì có thể gây điện giật.
VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
Điện giật (do hở điện): Ngắt điện, xử trí theo quy định. Chú ý đảm bảo an toàn về điện (nguồn điện tiêu chuẩn, cách điện, dây tiếp đất).

Chia sẻ tin này:
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận