Bác sĩ Pháp mổ liệt thần kinh cánh tay miễn phí cho trẻ em
Với sự hỗ trợ của các chuyên gia y tế Pháp, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) đã phát hiện và phẫu thuật điều trị cho hơn 100 trẻ tổn thương đám rối thần kinh cánh tay.
Sáng 24/5, Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã công bố 4 ca mổ điều trị tổn thương đám rối thần kinh cánh tay thành công cho các bệnh nhi từ 3-6 tháng tuổi.
Các ca mổ do Giáo sư Alain Gilbert, Viện Bàn tay Paris, một giáo sư đầu ngành trong phẫu thuật thần kinh cánh tay tại Pháp, chủ trì. Các ca mổ được tiến hành từ 8-17h ngày 23/5, ứng dụng phương pháp dùng keo dán thần kinh do chính Giáo sư Gilbert đem từ Pháp sang để nối, khắc phục các tổn thương nơi đám rối thần kinh của bệnh nhi. Một ngày sau phẫu thuật, sức khỏe các bệnh nhi đều tiến triển tốt.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng 1, đây là lần thứ 15 đoàn bác sĩ do Giáo sư Gilbert chủ trì đến Việt Nam và hợp tác với Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật đám rối thần kinh cánh tay.
Kỹ thuật được áp dụng từ năm 2010 với hơn 100 ca đã được thực hiện, trong đó hơn 30 ca do các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 1 tự phẫu thuật. Các bệnh nhi sẽ được vi phẫu hoặc phẫu thuật thông qua kính lúp phóng đại để nối thần kinh bằng keo dán thần kinh hoặc chỉ khâu siêu nhỏ.
Bé trai bị liệt đám rối thần kinh cánh tay do ca đẻ khó. Ảnh: Khánh Trung. |
Tuy nhiên, loại keo dán thần kinh được sử dụng lần này rất khan hiếm trên thị trường và Bệnh viện Nhi Đồng 1 vẫn gặp khó khăn trong việc nhập hàng nên chủ yếu các ca mổ được thực hiện bằng chỉ khâu. Một ca mổ sử dụng keo dán thần kinh kéo dài 1,5-3 tiếng trong khi dùng chỉ khâu thì mất đến 6-8 tiếng.
Theo các bác sĩ, liệt đám rối thần kinh cánh tay ở trẻ nhỏ mới sinh thường là hậu quả của sang chấn trong một ca sinh khó, trong đó vùng “đám rối thần kinh” ở khu vực cổ – vai bệnh nhi bị tác động dẫn đến tổn thương và từ đó làm hạn chế hoặc mất hẳn một số chức năng của cánh tay nó chi phối.
Biểu hiện rõ ràng nhất là cánh tay bị liệt không thể gập khuỷu lại được. Một số trường hợp nặng, mắt bên tay bị yếu liệt có thể nhỏ hơn mắt còn lại. Nếu không được điều trị sớm, trẻ sẽ phải mang cánh tay mất chức năng suốt đời. Khi lớn lên, bên tay này thường teo nhỏ, đôi khi có thể tự phục hồi một vài cử động hạn chế như nhúc nhích vai, bàn tay… nhưng không đủ để sinh hoạt, lao động.
Theo bác sĩ Hiếu, trước đây, bệnh lý này chỉ được điều trị bảo tồn bằng vật lý trị liệu nhưng khoảng 6 năm trở lại đây, giáo sư Gilbert đã mở ra hướng điều trị mới bằng can thiệp ngoại khoa. Chính vị bác sĩ này đã trực tiếp đến hỗ trợ Bệnh viện Nhi Đồng 1 thực hiện vi phẫu trên 100 trường hợp liệt đám rối thần kinh cánh tay ở trẻ sơ sinh từ năm 2010 đến nay, với tỷ lệ 70-80% trẻ phục hồi tốt.
Bác sĩ Đặng Khải Minh cho biết thêm, đây không phải bệnh lý bẩm sinh mà xảy ra đối với những ca sinh khó, thường gặp trong tình huống trẻ bị vướng vai hoặc bác sĩ sử dụng thủ thuật kéo hỗ trợ người mẹ lúc sinh… gây các sang chấn, khiến trẻ bị đứt đám rối thần kinh cánh tay. Quá trình đỡ nếu có những tác động không khéo sẽ khiến trẻ bị ảnh hưởng đến chức năng vận động vai, cổ, tay, nặng hơn có thể liệt một phần hay toàn bộ cánh tay.
Bác sĩ
Gilbert đã phẫu thuật nối thần kinh cánh tay miễn phí cho 100 trẻ em ở Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM). Ảnh: Khánh Trung. |
Điều quan trọng là các sản phụ cũng như bác sĩ tại các bệnh viện, các cơ sở y tế cần cẩn trọng hơn trong quá trình đỡ đẻ, tránh việc gây tổn hại cho trẻ sơ sinh. Nếu trẻ chẳng may bị sang chấn, cần theo dõi và điều trị càng sớm càng tốt. Thời điểm thích hợp nhất để phẫu thuật là từ 3-9 tháng tuổi. Sau thời gian này, việc can thiệp phẫu thuật sẽ kém hiệu quả.
Tuy nhiên, do thiếu thông tin, hoặc chủ quan đợi cho trẻ lớn hơn, cứng cáp hơn, phần lớn phụ huynh và cơ sở y tế đã không giúp trẻ tiếp cận điều trị sớm, đánh mất cơ hội hồi phục chức năng vận động cho trẻ. Trung bình mỗi tháng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận 5-6 ca tổn thương đám rối thần kinh cánh tay. Trong đó, nhiều ca đến bệnh viện quá muộn.
Mới được các bác sĩ mổ ngày 23/5, mẹ của bệnh nhi Nguyễn Minh Khải Ngọc (4 tháng tuổi, ở tỉnh Tiền Giang) cho biết, chị đã 47 tuổi nhưng do vỡ kế hoạch nên mang thai bé. Khi trở dạ sản phụ yêu cầu bác sĩ mổ nhưng bị từ chối. Trong lúc đỡ các nữ hộ sinh đã cố gắng kéo em bé ra bằng phương pháp sinh thường, nhưng do thai nặng 3,7 kg nên khi chào đời bé bị sang chấn liệt cánh tay phải. Do trẻ dưới 6 tuổi được bảo hiểm y tế chi trả mọi chi phí điều trị và sự hỗ trợ của đoàn bác sĩ người Pháp hầu hết bệnh nhi được chữa bệnh miễn phí.