Chứng nấc cụt, nấc liên tiếp (Ách nghịch ) trong đông y và điều trị
Ách nghịch là nấc liên tiếp, tiếng ngắn mà nấc luôn, cho nên gọi là ách nghịch, nguyên nhân sinh ra ách nghịch là do hàn, nhiệt, đờm, thức ăn, bệnh thương hàn, thổ tả, và sau khi bị ốm…
Chứng ách nghịch có phát ra ngẫu nhiên và phát sinh liên tục khác nhau; phát sinh ngẫu nhiên thì phần nhiều không chữa cũng khỏi, Trương Cảnh Nhạc nói: “Nấc nhẹ hoặc nấc ngẫu nhiên thì khí thuận là khỏi”. Sách “Y biển” lại nói: “Nấc không phải là bệnh thì không cần phải chữa nếu có chữa thì nên theo “Nội kinh” dùng phương pháp ngoáy vào lỗ mũi cho hắt hơi, hoặc nín hơi thở lại, hoặc làm cho kinh sđ là đều có thể khỏi ngay. Vì thế cho nên thiên này chỉ bàn về ách nghịch liên tục mà thôi. Chứng này tuy trong lâm sàng cũng có khi xuất hiện đơn độc, nhưng phần nhiều là thấy ở trong quá trình của bệnh tất khác, nếu người già, hoặc ốm lâu hư yếu mà thấy chứng này thì thường là triệu chứng vị khí đã hại, bệnh đã trở thành bệnh trầm trọng.
Mục lục bài viết
NGUYÊN NHÂN
Trương Cảnh Nhạc nói: “Lý do sinh ra chứng nấc đều vì khí nghịch lên” xét về khí sở dĩ nghịch lên thì có nhiều nguyên nhân như ăn nhiều đồ sống lạnh, đồ ăn đình trệ lại, đàm thấp ngăn trở ở trong, hoặc dạ dày hư hàn, dương khí bị lấn át, hoặc vì dương khí suy kém, can hoả, vị hỏa xông lên, đều có thể phát sinh ra bệnh nấc.
BIỆN CHỨNG
- Nấc thuộc về chứng thực
Tiếng nấc to, người khí lực mạnh phần nhiều do khí trệ hoặc đờm thấp, ngừng trệ ở trong, hoặc can hỏa vị nhiệt xông lên mà sinh ra mạch huyền hoạt. Vì đồ ăn thì đình trệ thì thấy no, ợ hăng; vì can hỏa thì miệng đắng, sườn đau, nôn chua; vì đờm thấp ngừng trệ ở trong thì ngực đầy, đờm nhiều hoặc dưới tim động, mắt hoa; vì vị nhiệt xông lên thì miệng hôi, mắt đỏ, phiền khát, muốn uống nước, tiểu tiện đỏ, đại tiện bí.
- Nấc thuộc về chứng hư
Tiếng nấc nhỏ, ngươi khí lực yếu, phần nhiều do vị hư hàn, hoặc ăn nhiều chất sống lạnh, hoặc do mệt nhọc nội thương, hoặc trong khi ốm sau khi ốm, khí trung tiêu hư yếu mà gây nên người bệnh thường hay sợ rét, tay chân không được ấm, mạch trầm, nặng thì có hiện tượng âm hư, ăn ít đại tiện sột sệt, chân tay quyết lạnh, lưỡi nhợt, rêu mỏng, mạch thường trầm tế, cũng có âm hư mà thấy hư nhiều không yên, miệng lưỡi khô ráo, mạch tế sác, chất lưỡi đỏ sẫm.
CÁCH CHỮA
Phương pháp thông thường để chữa chứng ách nghịch là điều khí hoà vị, giáng khí nghịch ngăn chặn nấc. Nấc thuộc chứng hàn thì nên dùng thuốc ôn để giáng xuống, như bài Đinh hương thị đế thang (1). Nấc thuộc về chứng nhiệt thì nên dùng thuốc cay để mở ra, thuốc đắng để giáng xuống, như bài Đan khê tả tâm thang (2). Can hỏa vượng thì gia những vị sơn chi, hoàng cầm. Nấc thuộc về chứng hư thì nên giáng nghịch hoà vị. Dùng bài Toàn phúc đại giả thạch thang (3) trong chứng hư có nhiệt thì dùng bài Gia vị quất bì trúc như thang (4). Dương hư thì nên dùng bài Lý trung thang (5) gia đinh hương, nhục quế, âm hư thì nên sinh tân, dưỡng vị dùng bài ích vị thang (6) gia các vị thạch hộc, tỳ bà diệp, thị đế, thức ăn tích trệ thì nên làm thông tiết khí ở phủ, dùng bài Địa hoàng cam thảo thang (7). Thấp đờm thì nên hóa đàm lợi thấp, dùng bài Tiểu bán hạ gia Phục linh thang (8).
TÓM TẮT
Chứng “ách nghịch” thì sách “Nội kinh” và sách “Kim quỷ yếu lước” đều gọi là “uể”, phần nhiều xuất hiện ở trong quá trình các loại bệnh tật, cũng có khi xuất hiện riêng chứng nấc, nếu thấy ở thời kỳ cuối cùng của bệnh nặng thì chứng hậu nguy.
Chữa chứng ách nghịch chủ yếu là điều khí hoà vị, giáng nghịch chỉ nấc, nhưng phải xét về hư – thực, hàn – nhiệt cùng các nhân tố phức tạp khác để tuỳ chứng mà chữa.
PHỤ PHƯƠNG
- Đinh hương thị đế thang: Đinh hương, thị đế, Nhân sâm, sinh khương.
- Đan khê tả tâm thang: Hoàng liên, bán hạ, sinh khương, cam thảo.
- Toàn phúc đại giả thạch thang: Xem số23 phụ phương mục Suyễn háo.
- Gia vị quất bì trúc nhự thang: Quất bì, trúc nhự, nhân sâm, sinh khương, trích thảo, đại táo, thị đế.
- Lý trung thang: Xem số 15 phụ phương mục Bất my.
- ích vị thang: Xem số 3 phụ phương mục Nuy chứng,
- Đại hoàng cam thảo thang: Đại hoàng, cam thảo.
- Tiểu bán hạ gia phục linh thang: Xem số 11 phụ phương mục Đàm ẩm.