Chứng tý (Viêm đa khớp dạng thấp) và điều trị

Chia sẻ tin này:

“Tý” là bế lại, là có nghĩa ngăn lấp không thông. “Chứng tý” là một loại bệnh do tà ở ngoài xâm lấn vào ngăn lấp đường kinh lạc, làm cho cơ nhục khớp đau nhức sưng to, nặng nề.

“Chứng tý” trong sách “Nội kinh” bàn luận rất nhiều, căn cứ vào nguyên nhân phát bệnh và chứng trạng hiện ra, mà chia ra thành “hành tý”, “thống tý”, “trước tý”, lại còn lấy sự khác nhau về thời tiết phát bệnh, bộ vị tà khí xâm phạm vào, và chứng trạng mà chia ra các chứng “cân tý”, “cơ tý”, “mạch tý”, “bì tý”. Cách phân chia này trên thực tế vẫn thuộc trong phạm vi của ba chứng tý mà thôi, đúng như trong sách “Kim quỹ” nói: ““Nội kinh” bàn về chứng tý mà có chia ra 5 chứng tý là: Cốt tý, Cân tý, Mạch tý, Cơ tý, Bì tý. Đại khái là căn cứ vào 3 chứng tý: Phong, Hàn, Thấp, rồi theo vào thời tiết mắc bệnh, chỗ tà phạm vào đặt tên chứ không phải ngoài chứng hành tý, thông tý, trước tý, ra lại còn có những chứng cốt tý, cân tý, mạch tý, cơ tý, bì tý nữa đâu”.

Ngoài ba chứng tý nói trên, sách “Nội kinh” lại bàn về chứng “tý nhiệt”, sách nói: “Chứng “tý nhiệt” là khí dương nhiều, khí âm ít, bệnh khí mạnh hơn, dương gặp âm, cho nên thành ra chứng tý nhiệt”, về chứng tý này, đời sau gọi là chứng “nhiệt tý”, nó cùng với 3 chứng “phong tý”, “hàn tý”, “thấp tý” mà thành cương lĩnh cho bệnh “tý”.

Còn như sách “Kim quỹ yếu lược” bàn về chứng “lịch tiết phong” tức là thuộc loại “hành tý”, “thống tý”, đời sau gọi là “bạch hổ lịch tiết phong”, lại còn gọi là “thống phong”, nay cũng thảo luận luôn với 3 chứng tý.

  1. NGUYÊN NHÂN

  • Phong hàn thấp tý

Thiên Lý luận sách Tố vấn nói: “Ba khí phong, hàn, thấp cùng xâm phạm, hợp lại thành ra chứng tý”. Lại nói ăn uống, cư trú là gốc của bệnh này. Do đó có thể biết được bệnh này vì sự ăn uống no đối không điều độ, hoặc ở vào chỗ ẩm thấp, hoặc giãi dầm mưa gió làm giảm sức chống bệnh của thân thể, do đó ,tà của phong hàn thấp nhân chỗ hư yếu mà lấn vào, làm ngăn bế đường lạc mạch. Khí huyết vận hành bị trở ngại mà sinh ra chứng phong, hàn, thấp tý.

  • Chứng nhiệt tý

Nguyên nhân gây nên bệnh nhiệt tý, đại để có thể chia làm hai phương diện sau đây:

  • Nhiệt chứa ở kinh lạc, phong hàn bó ở ngoài

Sách “Kim quỹ” có nói: “Chứng nhiệt tý là bế thấp nhiệt ở trong… nguyên tạng phủ kinh lạc đã có nhiệt chứa sẵn, mà lại gặp tà khí của phong hàn thấp xâm lấn vào, nhiệt bị uất, vì hàn khí không thông được, lâu ngày hàn cũng hóa ra nhiệt, thành “nhiệt tý”. Là nói rõ chứng “nhiệt tý” là do nhiệt chứa ở trong lại cảm phải tà ở ngoài làm ngăn lấp kinh lạc mà gây nên. Bệnh này phần nhiều phát ra đột ngột, cho nên thể bệnh cấp hơn.

  • Phong hàn thấp uất lại mà hóa ra nhiệt,tà khí phong hàn thấp uất lại ở khoang da thịt kinh lạc, dần dần lâu ngày hóa thành nhiệt, thấp uất hóa hoả, phát sinh chứng “nhiệt tý”. Sách “Loại chứng nhiệt tài” nói: “Đầu tiên vị hàn thấp phong làm uất bế phần âm, lâu ngày hóa thành nhiệt mà thành đau”.

Tổng hợp các điều nói trên thì chứng “tý” phát sinh là do tà ở ngoài xâm lân vào ngăn lấp ở khoảng huyết mạch kinh lạc, dường như không thông, khí huyết vận hành bị trở ngại nhân đó mà phát sinh tê đau, lâu ngày không khỏi có thể sinh ra đờm đục ứ huyết, mà kéo dài bệnh tình của chứng này.

Chủ chứng của bệnh này là da thịt, khớp xương đau nhức, sưng to nặng nề, hoặc cục bộ bị sưng đỏ, tấy nóng, lâu ngày không khỏi, thì có thể phát sinh chân tấy, mình co quắp hoặc các khóp xương biến đổi hình dạng, còn về tình hình phát bệnh có khi phát sinh đột ngột cũng có khi phát ra dần dần, để tiện việc phân tích lâm sàng vẫn chia ra hai loại phong hàn thấp tý và nhiệt tý.

  • Phong thấp hàn tý

“Phong hàn thấp tý” là phong hàn thấp cùng xâm lấn vào mà thành, mà cảm phải ba loại tà khí đó, có nặng, nhẹ khác nhau, vì thế chứng này lại có thể làm ba loại cũng như sách “Nội kinh” nói “thống tý”, thấp tà thắng thì thành “trước tý”. Nay đem các chứng chủ yếu của ba chứng đó bàn dưới đây:

  • Chứng “hành tý”

Chủ chứng là chân tay thân mình đau nhức, đau không nhất định chỗ nào, hoặc đau chạy khắp khớp xương, cũng có khi có hiện tượng nóng rét, rêu lưỡi mỏng và nhớt, mạch phù.

  • Chứng “thống tý”

Chủ chứng là khớp xương đau nhức, được nóng thì đỡ, gặp lạnh thì đau nhói, màu da chỗ đau không đỏ, sờ vào không nóng, rêu lưỡi trắng, mạch huyền khẩn.

  • Chứng “trước tý”

Chủ chứng là da thịt tê dại không biết gì, chân tay thân mình nặng nề, sưng đau, đau cố định một chỗ, không di dịch, lâu ngày thì các khớp xương biến đổi hình dạng hoặc da thịt gầy mòn, mạch phù hoãn.

  • Chứng “nhiệt tý”

Phần nhiều thấy khớp xương sưng đỏ nóng đau, gặp được lạnh thì đỡ đau, mình nóng hơi sợ gió, rêu lưỡi vàng, mạch hoạt sác, nặng thì nóng dữ, miệng khát, phiền buồn không yên, khớp xương sưng đỏ, tấy nóng, không thể sờ vào được, rêu lưỡi vàng ráp, chất đỏ sẫm, mạch huyền đại mà sác. Nếu chỉ thấy 2 chân sưng đau, đi tiểu nóng đỏ, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch nhu sác thì là thấp nhiệt dồn xuống mạch lạc.

Khi chứng “tý” mới phát, chính khí chưa suy, là thuộc về chứng thực, nếu là khí còn ở da thịt là bệnh còn nhẹ, dễ khỏi, nếu đã vào gân xương thì khó chữa hơn. Như bệnh đã lâu thì khí huyết sẽ hư suy. Dinh vệ bị khô sáp, da thịt không được nuôi dưỡng mà trở nên gầy mòn, chân tay mất sức hoặc vì can thận đều suy giảm, gân xương bị khô ráo, nhân đó mà đốt xương chân tay co quắp, hành động khó khăn, nặng hơn thì khớp xương sai trật ra thành ra phế tật. Nếu tà khí lấn vào nội tạng là chính khí hư, bệnh nặng tiên lượng về sau sẽ không tốt. vả lại bệnh này thường nhân lúc khí trời âm u, hoặc gặp phải lạnh, phải thấp, thì dễ phát trở lại.

  1. CÁCH CHỮA

Nguyên nhân phát sinh bệnh này là do ngoại tà xâm lấn vào, ngàn trở đường kinh lạc, vì thế cách chữa cần đuổi tà thông lạc, nhưng khi ứng dụng trong lâm sàng, nên hiểu được lời nói của Trọng Cảnh: Phong thấp va chạm nhau, khắp thân thể đều đau nhức, đúng lý thì cho ra mồ hôi là khỏi, những khi gặp lúc trời mưa dầm không ngớt, thầy thuốc nói bệnh này nên cho ra mồ hôi. Nhưng khi cho ra mồ hôi rồi mà bệnh không khỏi là vì cớ gì? Trọng Cảnh trả lời rằng: ” Bệnh đã phát hãn, cho ra mồ hôi nhiều rồi nhưng vì phong khí đi mà thấp khí còn lưu lại, cho nên không khỏi. Nếu chữa phong thấp thì nên cho ra mồ hôi nhưng chỉ cho ra dâm dấp, thì phong thấp sẽ khỏi cả”. Đúng là lời nói cốt yếu và tinh vi.

  • Chữa chứng phong hàn thấp tý

Nên căn cứ vào tà khí phong hàn thấp, cái nào nhẹ, cái nào nặng mà vận dụng kết hợp phương pháp khu phong, tán hàn, trừ thấp cho thích đáng. Như chứng hành tý là phong thắng hơn, thì chủ yếu là khu phong, và kiêm khu phong trừ thấp. Dùng bài ô đầu thang (2). Chứng trước tý thấp thắng hơn thì chủ yếu là trừ thấp và kiêm khu phong tán hàn dùng bài Ý dĩ nhân thang (3). Lâu ngày khí huyết hư nhược, hoặc can thận kém thì nên kết hợp các phương pháp bồi bổ khí huyết, tư dưỡng can thận, đùng bài Hoàng kỳ quế chi nhũ vật thang (4) hoặc bài Tam tý thang (5). Nếu bệnh đã lâu mà phát ra đau nhức luôn luôn không khỏi, là tất nhiên có đờm đục khí huyết ngăn trở đường lạc, thì nên dùng thuốc hóa đờm tiêu ứ như những vị nam tinh, bán hạ, bạch giới tử, đào nhân, hồng hoa, nặng thì dùng thử các vị thuộc về loại trùng để thông đường Lạc như loại khương lang, toàn yết, xuyên sơn giáp, phòng phong và những thuốc phương hương thông lạc như xạ hương chẳng hạn, hoặc dùng các bài Đại, tiểu hoạt lạc đơn (6), (7), Xạ hương hoàn (8) để uống.

  • Chữa chứng nhiệt tý

Nếu nhẹ thì sơ phong thanh nhiệt dùng bài Quế chi, Bạch hổ thang (9). Hoặc bài Quế chi thược dược tri mẫu thang (10) gia giảm, nếu nặng thì lương huyết, giải độc, dùng bài Thiên kim tê giác tán (11) làm chủ, tân dịch kém thì dùng những vị ngọt mát để sinh tân dịch làm tá, còn về thấp nhiệt dồn xuống dưới thì nên thanh nhiệt hóa thấp dùng bài Nhị diệu hoàn (12).

  1. TÓM TẮT

“Chứng tý” là do tà khí phong hàn thấp nhân chỗ hư mà xâm lấn vào, ngăn tắc đường mạch lạc, mà phát ra, chủ chứng là da thịt, đốt xương đau nhức, sưng to, nặng nề hoặc sưng đỏ tấy nóng. Nguyên nhân phát bệnh có quan hệ mật thiết với sự thay đổi khí hậu, hoàn cảnh sinh hoạt và thể chất con người.

Về phương diện trị liệu thì nguyên tắc là khu trừ ngoại tà và lưu thông mạch lạc. Chứng tý do phong hàn thấp thì dùng phương pháp kết hợp cả khu phong, tán hàn trừ thấp và xét tà khí phong, hàn, thấp là cái gì thắng hơn mà phân biệt chủ yếu, thứ yếu để chữa. Đối với bệnh đã lâu, thể chất hư yếu thì lại nên chú ý bồi bổ khí huyết, tư dưỡng can thận, bệnh đã lâu không khỏi, luôn luôn đau nhức thì nên hóa đàm trệ, phá ứ huyết, nặng thì dùng thuốc thuộc loại phương hương, để thấu suốt đường lạc. Đối với chứng nhiệt tý, nên phân biệt thể bệnh nặng nhẹ thì dùng các phương pháp sơ phong, thanh nhiệt và giải độc, nếu nhiệt quá làm hư tổn tân dịch thì thêm phương pháp sinh tân dịch để dưỡng âm.

PHỤ PHƯƠNG

  1. Phòng phong thang: Phòng phong, đương quy, xích linh, hạnh nhân, hoàng cầm, cát căn, khương hoạt, quế chi, cam thảo, sinh khương.
  2. Ô đầu thang: Ma hoàng, thược dược, hoàng kỳ, cam thảo, xuyên ô.
  3. Ý dĩ nhân thang: ý dĩ, thược dược, đương quy, ma hoàng, quế chi, thương truật, cam thảo, sinh khương.
  4. Hoàng kỳ quế chi ngũ vật thang: Hoàng kỳ, quế chi, bạch thược, sinh khương, đại táo.
  5. Tam tý thang: Địa hoàng, thược dược, đương quy, xuyên khung, nhân sâm, hoàng kỳ, phục linh, cam thảo, phòng phong, độc hoạt, đỗ trọng, ngưu tất, tục đoạn, quế tâm, tế tân, tần giao, sinh khương, đại táo.
  6. Đại hoạt lạc thang: Xem số 2 phụ phương mục Trúng phong.
  7. Tiểu hoạt lạc đan: Xem số 3 phụ phương mục Trúng phong.
  8. Xạ hương hoàn: Xạ hương, sinh toàn yết, sinh hắc đậu, sinh địa long, xuyên ô đầu.
  9. Quế chi bạch hổ thang: Thạch cao, tri mẫu, ngạnh mễ, cam thảo, quế chi.
  10. Quế chi thược dược tri mẫu thang: Quế chi, thược dược, tri mẫu, cam thảo, ma hoàng, sinh khương, bạch truật, phòng phong, phụ tử.
  11. Thiên kim tê giác thang: Tê giác, linh dương giác, tiền hồ, hoàng cầm, chi tử, đại hoàng, thăng ma, xạ can, đậu sị.
  12. Nhị diệu hoàn: Thương truật, hoàng bá.
Chia sẻ tin này:

Có thể bạn quan tâm

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận