Mất phản xạ nôn: dấu hiệu triệu chứng và nguyên nhân
Mất phản xạ nôn: dấu hiệu triệu chứng và nguyên nhân
Mô tả
Cơ trâm hầu và cơ khít hầu trên không co khi kích thích vào gốc lưỡi và/hoặc vùng hầu họng. Mất phản xạ nôn có thể ở một hoặc hai bên.
Nguyên nhân
Thường gặp
Thay đổi thông thường.
Hôn mê.
Thuốc (ví dụ: ethanol, benzodiazepine, opioid).
Hội chứng tủy bên (hội chứng Wallenberg).
Ít gặp
U cầu – tiểu não (ví dụ: u thần kinh thính giác).
Phẫu tích động mạch cảnh trong.
U cuộn mạch.
Cơ chế
Nhánh hướng tâm của phản xạ nôn được điều hòa bởi thần kinh thiệt hầu (dây IX), trong khi nhánh ly tâm được thần kinh thiệt hầu (dây IX) và thần kinh phế vị (dây X) chi phối. Các yếu tố bên ngoài, như buồn nôn hoặc nôn mạn tính, có thể gây sai lầm khi đánh giá phản xạ nôn, do bệnh nhân quá nhạy cảm hoặc giảm nhạy cảm với đáp ứng nôn. Kích thích thị giác, thính giác hoặc khứu giác cũng có thể gây tăng phản xạ nôn.
Mất phản xạ nôn cũng chiếm một tỷ lệ đáng kể ở người bình thường.
Nguyên nhân mất phản xạ nôn:
Biến đối bình thường.
Ức chế toàn bộ hệ thần kinh trung ương.
Tổn thương thần kinh thiệt hầu (dây IX).
Tổn thương thần kinh phế vị (dây X).
Hội chứng tủy bên (hội chứng Wallenberg).
Biến đổi bình thường
Mất phản xạ nôn chiếm một tỷ lệ đáng kể trong dân số. Điều này có thể do trung tâm vỏ não cao hơn ức chế phản xạ và/hoặc sự giảm nhạy cảm với phản xạ do lão hóa.
Ức chế toàn bộ thần kinh trung ương
Bệnh nhân mất ý thức hoặc hôn mê có thể mất phản xạ nôn do ức chế toàn bộ hệ thần kinh trung ương.
Tổn thương thần kinh thiệt hầu
Liệt thần kinh thiệt hầu gây mất phản xạ nôn cùng bên, có dấu hiệu vén màn hầu, loạn vận ngôn và nuốt khó. Nguyên nhân rối loạn chức năng thần kinh thiệt hầu bao gồm u góc cầu – tiểu não, dị dạng Chiari I, hội chứng lỗ tĩnh mạch cảnh, khối u và tổn thương do điều trị sau soi thanh quản hoặc cắt amidan.
Tổn thương thần kinh phế vị
Rối loạn chức năng thần kinh phế vị gây giảm cảm giác hầu họng cùng bên, mất cảm giác bờ tai ngoài, nuốt khó, khàn tiếng, liệt lưỡi gà và khẩu cái mềm cùng bên, lưỡi gà lệch về bên lành. Nguyên nhân tổn thương thần kinh phế vị bao gồm phẫu tích động mạch cảnh trong, khối u và chấn thương.
Hội chứng tủy bên (hội chứng Wallenberg)
Hội chứng tủy bên thường gặp nhất là hậu quả của nhồi máu vùng động mạch tiểu não dưới sau do suy động mạch đốt sống. Nhồi máu nhân đơn độc và/hoặc nhân mơ hồ ở hành tủy có thể dẫn đến mất phản xạ nôn cùng bên.
Ý nghĩa
Mất phản xạ nôn chiếm một tỷ lệ đáng kể trong dân số. Trong một nghiên cứu trên 140 đối tượng khỏe mạnh ở các lứa tuổi khác nhau, mất phản xạ nôn gặp ở 37% đối tượng, và giảm cảm giác hầu họng chỉ xảy ra ở 1 bệnh nhân.