Đau ngực sườn và điều trị theo đông y

Chia sẻ tin này:

Đau ngực sườn là chỉ vào bộ vị chỗ đau mà nói, chứng hung tý nói trong thiên hung tý tâm thống đoán khí sách “Kim quỹ yếu lược”, tức là thuộc về chứng đau ngực. Dưới đây trình bày về chứng đau ngực và đau sườn.

ĐAU NGỰC

Ngực thuộc về phần dương, là khu vực rộng rãi, bên trong chứa tâm phế. Nếu trong ngực tâm khí kém, thì dễ bị âm hàn và đờm đục vướng tắc, làm cho phần dương ở ngực bị tê dại ngăn cách mà sinh đau, cho nên gọi là “Hung tý”.

  1. NGUYÊN NHÂN

Người dương khí kém, hoặc cúi dựa xuống bàn ít vận động, cơ năng của khí mất tác dụng phân bổ, lưu thông, đến nỗi đờm dãi sinh ra, phần dương ở ngực bị ngăn cách, hoặc vì hay ăn những thức ăn sống lạnh, trung tiêu bị tích hàn, hàn khí nghịch lên ngực, làm cho dương khí ở ngực bị ngăn cách mà sinh đau. Ngoài ra như đau ngực vì đờm ẩm, vì phế ung mà gây ra, thì sẽ nói rõ ở thiên riêng.

  1. BIỆN CHỨNG

Âm hàn thịnh ở trong, dương khí không vận hành được, kết lại trong ngực thì thường hiện ra các chứng ho, hay nhổ vặt, ngực đau, thở ngắn hơi, lưỡi phần nhiều trắng nhớt, mạch trầm trì, hoặc huyền khẩn; nặng thì không nằm được, ngực đau suốt đến lưng, lưng đau suốt đến ngực, đó là triệu chứng âm hàn quá thịnh. Lại có khi đau không lúc nào ngừng, lúc hoãn, lúc cấp, là thuộc hàn thấp ngừng đọng, cho nên khí dương thắng thì tạm hoãn, khí âm thắng thì lại chuyển thành cấp. Bệnh này phát ra lâu ngày không khỏi, do khí trệ mà gây thành huyết ứ, thì tình trạng đau như dùi đâm, cố định không di chuyển.

  1. CÁCH CHỮA

Chữa chứng đau ngực nên dùng thuốc cay ấm để thông dương khí, hoạt lợi đờm khí, dùng bài Qua lâu giới bạch tửu thang (12) làm chủ yếu, đàm trọc nhiều có thể gia bán hạ để thuận hóa đờm, lại có thể dùng Quất chỉ sinh khương thang (13) và Phục linh hạnh nhân cam thảo thang (14) làm tá, âm hàn thịnh quá, đau nhức dữ dội, nên ôn thông chỉ thống, dùng ô đầu xích thạch chi hoàn làm chủ (15). Hàn thấp ứ đọng phát ra khí hoãn cấp, nên trợ dương lợi thấp dùng Ý dĩ phụ tử tán (16). Khí trệ huyết ứ đau như dùi đâm không di dịch đều nên hành khí hoạt huyết, dùng Qua lâu giới bạch tửu thang (12) gia những vị uất kim, chỉ xác, quế chi, quy vĩ, đào nhân.

ĐAU SƯỜN

Hai bên sườn là khu vực của can đởm. Vì mạch của can rải ra ở sườn, cho nên đau sườn là phần nhiều có quan hệ với 2 kinh can đởm, đau sườn do can khí uất kết, huyết không thông sướng, là thường thấy nhiều nhất, Lại có khi vì đờm ẩm đình tụ, thuộc về chứng “huyền ẩm” đau bên trong thì đã nói rõ trong thiên đờm ẩm.

  1. NGUYÊN NHÂN

  • Can khí uất kết

Sách “Kim quỹ” nói: “Can uất mà sườn đau, là vì buồn thương giận dữ, uất ức làm tổn đến can khí”. Đó là do tình chí mất sự điều hoà, làm cho can khí uất kết lại mà sinh ra đau sườn.

  • ứ huyết ngưng đọng

Can khí uất kết, lâu ngày không khỏi, thường làm cho huyết theo khí mà đọng ứ lại, ứ trệ ở kinh lạc không lưu thông, cho nên sách “Kim quỹ yếu lược” gọi là “can trước:

  1. BIỆN CHỨNG

  • Vì can khí uất kết

Ngực và vị quản khó chịu, sườn đau mà trướng, tuỳ tình chí biến động mà chỗ sườn đau có tăng hay giảm, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch thấy tiểu huyền, nếu khí uất hóa hỏa, thường thấy phiền nhiệt, miệng khô, đại tiểu tiện không khoan khoái, sườn đau dữ hơn, lưỡi sẫm, rêu vàng, mạch huyền sác.

  • ứ huyết ngưng đọng

Sườn đau như dùi đâm, về đêm càng đau nhiều, chỗ đau không di dịch, xoa bóp nhẹ, thời hơi cảm thấy dễ chịu, mạch trầm tế.

  1. CÁCH CHỮA

  • Can khí uất kết

Nên thư can lý khí, dùng Tiêu giao tán (17). Khí uất hóa hỏa thì nên thanh can điều khí, dùng Thanh can thang (18), Kim linh tử tán (19).

  • ứ huyết ngưng đọng

Nên trục ứ thông lạc, dùng Toàn phúc hoa thang (20), Phục nguyên hoạt huyết thang (21).

Chia sẻ tin này:

Có thể bạn quan tâm

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận