Trẻ bú bình và nỗi lo hàng giả
Không ít bà mẹ trẻ e ngại việc cho con bú mẹ trực tiếp sẽ làm trẻ khó xa mẹ, khi mẹ đi làm lại sẽ không dễ dàng cho cả hai mẹ con nên muốn vắt sữa ra cho con bú bình.
Trong trường hợp cho trẻ bú bình, các bà mẹ cần xem kỹ các thông số về loại nhựa được dùng làm bình sữa, chất liệu của núm vú giả – Ảnh minh họa: CHÂU ANH |
Theo nghị định 100 của Chính phủ thì các hãng sản xuất bình sữa và núm vú nhân tạo không được quảng cáo sản phẩm. Các gia đình nếu bắt buộc phải lựa chọn bình bú, núm vú nhân tạo thì cần chọn những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và đạt tiêu chuẩn chất lượng |
Ông NGUYỄN ĐỨC VINH (vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em) |
Nhưng chính họ cũng lo lắng giữa “rừng” sản phẩm bình sữa và núm vú giả, biết chọn sản phẩm nào an toàn cho con!
Ở một cửa hàng chuyên bán các sản phẩm dành cho trẻ em trên đường Phan Đăng Lưu (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), bán đủ các loại bình sữa, núm vú giả.
Đủ loại bình sữa, núm vú giả
Sản phẩm bình sữa gồm nhiều loại của các hãng, có xuất xứ từ nhiều quốc gia khác nhau như Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc… Các loại bình sữa tại đây có giá dao động từ khoảng 50.000 đến hơn 200.000 đồng.
Một cửa hàng khác bán sản phẩm bình sữa, núm vú giả trên đường này cũng bán nhiều loại bình và núm của nhiều hãng nổi tiếng và phổ biến, của Việt Nam, Thái Lan, Đức, Thụy Sĩ, Indonesia, Đài Loan, Mỹ… Bình sữa có giá từ khoảng 40.000 đến hơn 300.000 đồng/cái.
Nhân viên cửa hàng này nói nếu cùng một hãng, bình thủy tinh có giá cao hơn gấp nhiều lần so với bình nhựa. Hầu hết các loại bình nhựa đều được giới thiệu không có chất BPA (biphenol-A), đã bị cấm dùng trong sản xuất bình sữa.
Núm vú giả cũng thuộc nhiều hãng như bình sữa, chất liệu là cao su hoặc silicone, giá từ 10.000 đến hơn 100.000 đồng/cái.
Trong một siêu thị trên đường 3-2 (Q.10) cũng bán đủ loại bình sữa, núm vú giả cùng các sản phẩm dành cho trẻ em được nhập khẩu từ các nước như các cửa hàng trên. Một số sản phẩm cùng một hãng được sản xuất ở nhiều nước khác nhau.
Chia sẻ về tiêu chí chọn lựa loại sản phẩm này, chị Thanh Tuyền (36 tuổi, Q.Tân Phú) nói em bé nhà chị mới 3 tháng tuổi, nên chị “muốn chọn cho con loại bình tốt nhất, an toàn nhất nhưng cũng khó vì có quá nhiều loại”.
Còn chị Thu Phương, ngụ Gò Vấp, TP.HCM, có con hơn 1 tuổi, kể chị chọn mua bình sữa cho con trong hệ thống cửa hàng chuyên đồ trẻ em, trẻ sơ sinh nhưng có quá nhiều loại nên không đọc hết phần giới thiệu các loại bình được, chủ yếu là nghe theo tư vấn của nhân viên.
Chị Phương nói: “Tôi thấy đa số là sản phẩm của nước ngoài. Đồ dùng cho con thì mình không tiếc tiền, nhưng quan trọng là sản phẩm phải an toàn”.
Tốt nhất là dùng ly và muỗng
Nói về việc trường hợp nào bà mẹ mới phải cho con bú bình và việc bú bình có làm bé không muốn bú sữa mẹ, TS.BS Lê Thị Thu Hà – trưởng khoa hậu sản M Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM – cho rằng con bú mẹ trực tiếp là cách tốt nhất và an toàn nhất. Sữa mẹ cung cấp cho bé loại thức ăn hoàn thiện nhất, giúp bảo vệ cho bé chống nhiễm khuẩn và đặt nền móng cho sự phát triển tâm lý lành mạnh cho bé.
Tuy nhiên có những trường hợp đặc biệt người mẹ không thể cho bé bú mẹ được như: mẹ bị suy tim, lao phổi nặng hoặc có viêm gan đang tiến triển; đang điều trị thuốc chống ung thư, thuốc chống động kinh, tâm thần; mẹ được chẩn đoán ung thư vú, viêm gan C, nghiện ma túy. Ngoài ra, các bà mẹ phải đi làm xa nhà không có điều kiện cho con bú, khi đó bé được nuôi bằng sữa công thức.
Khi bắt buộc cho trẻ dùng sữa công thức, tốt nhất là pha sữa trong ly và đút bằng muỗng nhỏ. Cách này tránh được tình trạng trẻ bị đau bụng khi bú bình – do bé có thể nhận một lượng không khí ở ngoài vào bụng trong suốt quá trình bú. Vệ sinh ly và muỗng cũng dễ dàng hơn so với bình sữa.
Nhưng, việc cho bé ăn sữa bằng muỗng dễ làm chảy sữa ra ngoài do bé không nuốt và việc cho bé ăn khó hơn nên có khá nhiều bà mẹ cho bé bú bình. Khi đã bú bình sữa rồi, các bé dễ dàng từ chối ngậm vú mẹ.
Theo TS Thu Hà, khi bé phải bú bình, các bà mẹ có thể chọn bình nhựa (nhẹ, khó vỡ) hoặc bình thủy tinh (nặng, dễ vỡ nhưng bền hơn – trừ khi bị rơi vỡ). Trước đây, một số bà mẹ chọn bình thủy tinh vì sợ bình nhựa có hóa chất BPA (làm cho hệ sinh dục và não của động vật sơ sinh phát triển bất thường). Tuy nhiên, hầu hết bình nhựa hiện nay đều làm bằng nhựa PP được kiểm định an toàn. Vì thế, cần lựa chọn bình nhựa không chứa BPA.
Về núm vú bình sữa, theo TS Thu Hà, hầu hết các núm vú được làm bằng silicon hoặc cao su và có nhiều hình dạng khác nhau. Núm vú làm bằng chất liệu silicon đảm bảo an toàn cho các bé. Với núm vú cao su thì tùy loại và tùy nơi sản xuất mà có an toàn hay không.
Tốt nhất là bà mẹ nên chọn núm vú bình sữa của các hãng có uy tín và đảm bảo chất lượng, an toàn. Các mẹ nên kiểm tra thường xuyên núm vú xem có các dấu hiệu mài mòn hoặc nứt nào không. Nên thay núm vú bình sữa khi bị mòn hay đổi màu.
Cố gắng nuôi con bằng sữa mẹ Đây là khuyến cáo của ông Nguyễn Đức Vinh, vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế. Theo ông Vinh, khảo sát gần nhất cho thấy tỉ lệ trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời đã đạt 27%, tăng hơn rất nhiều so với khảo sát tương tự năm 2010 là chỉ 19,5% trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. “Kiến thức nuôi con của các bà mẹ và người chăm sóc trẻ đã có những cải thiện, trước đây họ tin rằng sữa công thức mới tốt với trẻ, nhưng giờ họ đã hiểu sữa mẹ là tốt nhất”- ông Vinh cho hay. Tuy nhiên nếu trẻ bị bệnh lý, mẹ không có sữa, tức là các trường hợp bất khả kháng thì có thể sử dụng sữa công thức cho trẻ. Ông Vinh hướng dẫn trước khi cho trẻ dùng sữa, gia đình có thể đến bác sĩ nhi khoa hoặc dinh dưỡng để được tham vấn. Khi đó, bác sĩ sẽ hướng dẫn về liều lượng sữa theo nhu cầu vừa lứa tuổi của trẻ. Bác sĩ cũng hướng dẫn cho trẻ uống sữa bằng muỗng, được pha trong ly sạch sẽ. Theo bà Lê Bạch Mai, phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, bình thường các mẹ thấy sữa mẹ rất loãng và cho rằng như vậy là không đảm bảo đủ dinh dưỡng cho con, nhưng thực ra sữa mẹ lại rất giàu dưỡng chất và đặc biệt là giàu chất béo. LAN ANH |
L.TH.HÀ – NG.LOAN – L.PHAN ([email protected])