Phụ nữ, trẻ em bị đầu độc vì khói thuốc lá
Tại Việt Nam chỉ có 1,6% phụ nữ hút thuốc nhưng thuốc lá là nguyên nhân gây ra 9,5% ca tử vong ở phụ nữ trưởng thành.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam nằm trong nhóm 15 quốc gia có số lượng người sử dụng thuốc lá cao hàng đầu thế giới với khoảng 15 triệu người đang hút thuốc lá. Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động, tỷ lệ bị phơi nhiễm với khói thuốc lá tại nhà là gần 60% và tại nơi làm việc là 42%. Ước tính cứ 10 người hút thuốc tử vong thì một người chết vì hít khói thuốc thụ động.
Vì thế, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế đã phát động chiến dịch “Tổ ấm không khói thuốc” hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) và tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (25 – 31/5). Mục tiêu hướng đến việc phát huy vai trò của từng phụ nữ sẽ là người chủ động lên tiếng, khuyên nhủ, vận động người thân không hút thuốc. Đồng thời, kêu gọi nam giới và cộng đồng hãy cùng phụ nữ tạo ra những tổ ấm 100% không khói thuốc, nhằm góp phần giảm tỷ lệ phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của hút thuốc lá thụ động, từ đó giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do hút thuốc thụ động.
Tiến sĩ Tom Carroll, cố vấn cao cấp về chính sách và truyền thông từ tổ chức sức khỏe toàn cầu Vital Strategies, cho rằng, con số 60% phơi nhiễm khói thuốc tại nhà cho thấy, một tỉ lệ khá lớn phụ nữ và trẻ em Việt Nam vẫn đang là nạn nhân của hút thuốc thụ động ngay tại nhà.
Chương trình “Phụ nữ xây tổ ấm không khói thuốc” sẽ khuyến khích phụ nữ lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa về tác hại của hút thuốc thụ động và hành động nhằm thuyết phục người hút thuốc không hút thuốc trong nhà và tiến tới bỏ thuốc lá. Điều này mang lại lợi ích và sức khỏe cho người dân Việt Nam thông qua việc giảm gánh nặng về những bệnh không lây nhiễm, đa số có nguyên nhân xuất phát từ hút thuốc lá và hút thuốc thụ động.
“Hút thuốc trong nhà và tại những nơi công cộng khiến nhiều phụ nữ và trẻ em bị phơi nhiễm với khói thuốc, tăng nguy cơ nhiễm các bệnh liên quan đến thuốc lá, thậm chí tử vong. Chúng ta có thể nhìn thấy rõ điều này từ thực tế mặc dù chỉ có 1,6% phụ nữ hút thuốc nhưng thuốc lá là nguyên nhân gây ra 9,5% ca tử vong ở phụ nữ trưởng thành, nhiều hơn tỷ lệ tử vong trung bình ở những nước có thu nhập trung bình. Tỷ lệ phụ nữ Việt Nam chết do các nguyên nhân liên quan đến thuốc lá cao cho thấy phụ nữ Việt Nam đang phải gánh một gánh nặng bệnh tật và tử vong rất lớn đến từ hút thuốc thụ động”, ông Tom cho biết.
Theo WHO, Trên toàn cầu, hút thuốc thụ động giết chết hơn 600,000 người không hút thuốc vào năm 2010. Trong đó, phụ nữ chiếm tỉ lệ lớn nhất trong số người trưởng thành không hút thuốc tử vong. Bệnh thiếu máu cục bộ tim, nhiễm trùng đường hô hấp dưới, hen suyễn và ung thư phổi là nguyên nhân phổ biến nhất của người chết liên quan đến khói thuốc lá. Tiếp xúc với khói thuốc lá có thể gây ra nhiều bệnh như hút thuốc lá chủ động. Nó làm tăng nguy cơ ung thư phổi hợp đồng bằng 30% (ung thư phổi tế bào nhỏ bằng 300%) và bệnh tim mạch vành 25%. Khói thuốc lá tác động tiêu cực vào các cơ quan sinh sản và làm tăng nguy cơ ung thư vú và đẻ non ở phụ nữ.
Có bằng chứng khoa học cho thấy trẻ em tiếp xúc với khói thuốc thường nhẹ cân khi sinh; mắc hội chứng đột tử trẻ sơ sinh (SIDS); bệnh tai giữa; chức năng phổi bị suy giảm; bệnh đường hô hấp; và các triệu chứng như thở khò khè và khó thở. Cũng có những nghiên cứu cho thấy liên kết giữa việc tiếp xúc của trẻ với khói thuốc lá và khả năng học tập, triệu chứng tăng động giảm tập trung, hen suyễn, u lympho, bệnh bạch cầu và các bệnh dị ứng như viêm mũi, viêm da và dị ứng thực phẩm.
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế – Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, chia sẻ, con số 2/3 phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc lá tại nhà, 33 triệu người không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc là vấn đề đáng lo ngại bởi hút thuốc lá thụ động gây tác hại cho sức khỏe không kém người đang hút thuốc.
Vì thế, PGS Khuê ủng hộ, hoan nghênh sáng kiến “Phụ nữ xây tổ ấm không khói thuốc”. Cùng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam kêu gọi mỗi phụ nữ: “Hãy lên tiếng để mình và trẻ em được sống trong môi trường không khói thuốc”, đồng thời kêu gọi toàn xã hội: “Hãy vì sức khỏe của mỗi chúng ta, vì tương lai của thế hệ trẻ, nói không với thuốc lá hoặc từ bỏ thuốc lá nếu bạn đang sử dụng”.
“Đối với bất kỳ ai đang hút thuốc, tôi có thể nói rằng hút thuốc là làm hại bản thân và hại cả những người thân yêu ở xung quanh bạn, đặc biệt là vợ và con cái bạn. Vì thế, hãy bỏ thuốc để đảm bảo rằng những người khác được bảo vệ khỏi hút thuốc thụ động và giới trẻ không bắt đầu thói quen hút thuốc”, TS Tom khuyến nghị.
Cần Thơ: Đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan
Sáng 31/5, Sở Y tế Cần Thơ tổ chức lễ Mít tinh “Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 – 31/5”. Tại đây, lãnh đạo Sở Y tế và lãnh đạo UBND 9 quận, huyện của TP Cần Thơ đã ký cam kết thực hiện môi trường không khói thuốc lá.
Theo báo cáo của Sở Y tế thì Việt Nam là một trong 15 nước có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới (khoảng 15,3 triệu người). Đặc biệt, có 67,6 % (33 triệu người) không hút thuốc nhưng tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại nhà và 49% (5 triệu người) lao động bị ảnh hưởng thụ động từ khói thuốc tại nơi làm việc.
Mỗi năm, nước ta có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan đến khói thuốc lá, dự đoán sẽ tăng lên 70.000 người/năm vào năm 2030. Chưa hết, mỗi năm Việt Nam phải mất 22 nghìn tỷ đồng cho việc mua thuốc lá và hơn 23 nghìn tỷ đồng chi phí điều trị y tế, chi phí mất khả năng lao động và ốm đau do thuốc lá mang lại.
Theo ước tính của tổ chức Y tế thế giới, có trên 1,3 tỷ người hút thuốc lá và gần 6 triệu người tử vong do hút thuốc lá mỗi năm. Hút một điếu thuốc lá làm mất đi 5,5 phút tuổi thọ. Việc hút thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người hút mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh, đặc biệt là phụ nữ mang thai và trẻ em, hàng năm có hơn 600.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến việc hút thuốc lá thụ động (64% là phụ nữ). Ngoài ra việc hút thuốc còn gây tổn thất về kinh tế do phải mua thuốc, chi phí y tế điều trị, chi phí xã hội,…
Tại buổi lễ, ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại thuốc lá TP Cần Thơ, đã kêu gọi: Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, Chủ tịch UBND quận, huyện thông qua các hội thảo, hội nghị tuyên truyền về Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá; Các cơ quan thông tin, truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại thuốc lá; Xem xét đưa quy định về việc hạn chế hoặc không hút thuốc lá trong đám tiệc, lễ hội,…đồng thời đưa vào tiêu chí xét xã, phường, văn hóa và nông thôn mới;
Ôn Tâm cũng đề nghị, tiếp tục đưa nội dung phòng chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm, đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị và coi đây là một tiêu chí xét thi đua cuối năm; Các ngành chức năng thành lập các đoàn kiểm tra, tăng cường kiểm tra việc tuân thủ các quy định về cấm hút thuốc lá tại bệnh viện, trường học, nơi làm việc, nhà hàng, bến xe tàu, sân vận động và các phương tiện giao thông; Tăng cường kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, tiêu thụ thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả.
Trước sự chứng kiến của các lãnh đạo thành phố, Sở Y tế và lãnh đạo UBND 9 quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ đã ký cam kết thực hiện môi trường không khói thuốc lá.
Nguyễn Trần
Hồng Hải
Nguồn Dân trí