TPHCM: Bé 5 tháng tuổi tử vong do viêm não mô cầu
Nhập viện trong tình trạng sốt cao, nôn ói, xuất huyết trên da, cùng với kết quả xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị nhiễm vi khuẩn viêm não mô cầu. Dù bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa nhưng cháu bé không qua được nguy kịch.
Thông tin từ bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TPHCM (ngày 1/6) cho biết tại đây vừa có một trường hợp tử vong vì bệnh viêm não mô cầu. Nạn nhân là bé V.H.N.Y. (5 tháng tuổi, ngụ tại quận 11, TPHCM).
Trước khi được chuyển đến bệnh viện, cháu có biểu hiện mệt mỏi, sốt cao, nôn ói, da chuyển từ tình trạng tím tái sang xuất hiện những mảng xuất huyết. Bé được đưa đến bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới trong tình trạng lơ mơ. Qua thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, bác sĩ xác định bệnh nhi bị nhiễm trùng huyết, nhiễm vi khuẩn gây bệnh viêm não mô cầu (Neisseria meningtidis). Bệnh viện đã tiến hành điều trị, chăm sóc tích cực nhưng bé không qua khỏi. Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, bệnh viện đã thông báo đến ngành y tế dự phòng thành phố.
BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung Tâm Y tế Dự phòng, TPHCM cho biết sau khi nhận được thông tin về trường hợp bệnh nhi tử vong do não mô cầu, Trung tâm y tế Dự phòng thành phố đã phối hợp với các đơn vị liên quan, gấp rút triển khai các bước điều tra dịch tễ, khoanh vùng xử lý dịch. Đây là ca bệnh đầu tiên tử vong do viêm não mô cầu tại thành phố từ đầu năm 2016 đến nay.
Bác sĩ khuyến cáo, viêm não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, với nhiều type gây bệnh khác nhau. Viêm não mô cầu lây chủ yếu của qua đường thở do hít phải các giọt bắn của dịch tiết hô hấp có chứa mầm bệnh. Loại bệnh truyền nhiễm này có thể gây thành dịch.
Bệnh khởi phát đột ngột với biểu hiện đau đầu dữ dội, sốt, buồn nôn, nôn, sợ ánh sáng và cổ cứng. Các dấu hiệu khác đi kèm thường là li bì, mê sảng, hôn mê và co giật. Ban xuất huyết nhỏ trên da là dấu hiệu quan trọng, tuy nhiên ở trẻ nhỏ khởi phát bệnh có thể âm ỉ, cổ không cứng mà mềm. Các dấu hiệu khác như vật vã, nôn, ban xuất huyết có thể xuất hiện muộn hoặc không rõ ràng.
Ở trẻ em, bệnh có tỷ lệ tử vong lên tới 50% nếu không được điều trị kịp thời; tỷ lệ tử vong giảm xuống gần 10% ở những ca bệnh phát hiện và điều trị sớm; gần 15% số trường hợp qua khỏi những vẫn phải chịu biến chứng như tâm thần, điếc, liệt, động kinh.
Bệnh hiện đã có vắc xin dự phòng. Trong bối cảnh xuất hiện bệnh, cách phòng tránh tốt nhất là hạn chế tiếp xúc về đường hô hấp, không nên tập trung nơi đông người, thường xuyên vệ sinh răng miệng. Khi hắt hơi hay ho cần lấy khăn che miệng, đeo khẩu trang khi bị viêm đường hô hấp. Trẻ cần được giữ ấm, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, vệ sinh nhà cửa, đồ chơi, khu vực trẻ vui chơi sạch sẽ, thoáng mát để ngừa vi khuẩn.
Vân Sơn
Nguồn Dân trí