Nguyên tắc và những lời khuyên cần ghi nhớ trong sơ cứu và vận chuyển nạn nhân tai nạn giao thông
NGUYÊN TẮC VÀ NHỮNG LỜI KHUYÊN TRONG SƠ CỨU VÀ VẬN CHUYỂN NẠN NHÂN TAI NẠN GIAO THÔNG
(Dưới áp lực khủng khiếp của các bạn tai đây, mình xin public ngay bài viết và sẽ bổ sung hình ảnh minh họa và tài liệu tham khảo sau. Bài viết này dành cho cộng đồng)
Ảnh minh họa. Nguồn: VietnamNet
Bạn có biết cần phải làm những gì để giúp đỡ một nạn nhân bị tai nạn giao thông không? Sau đây là một vài gợi ý để giúp bạn có sự chuẩn bị tốt nhất
NGUYÊN TẮC SƠ CỨU
1. Tự kiểm tra mình đầu tiên
Nếu bạn bị thương trong vụ tai nạn, đầu tiên hãy tự kiểm tra xem mình có bị thương tích hay không, ví dụ: ngay sau tai nạn, nếu cảm thấy mình có các triệu chứng như chóng mặt v.v… thì thử tự đánh giá xem mình có thể cử động tay chân được không. Hãy nhớ rằng bạn cần phải có đủ sức khỏe thì mới có thể giúp đỡ người khác được.
2. Kiểm tra thương tích cho người khác
Nếu người khác bị thương, đầu tiên đánh giá mức độ thương tích của họ, ví dụ: có chảy máu từ vùng đầu, cổ, tay, chân, bụng, hoặc lưng không v.v… Xử trí cho những người bất tỉnh đầu tiên, họ thường bị thương nặng hơn hoặc có ngừng thở. Với những người có thể nói chuyện hoặc la hét được, và hơn nữa do họ vẫn còn thở được, vì vậy họ có thể được xử trí muộn hơn một chút. Hỏi tên của nạn nhân, nếu họ đáp ứng, có nghĩa là họ có thể hiểu được tình huống và có nhiều khả năng không có chấn thương đầu nặng.
3. Quan sát các dấu hiệu hô hấp
Tiếp theo, kiểm tra xem nạn nhân có thở không (quan sát nhịp thở, nghe và cảm nhận hơi thở) và có mạch không (mạch quay, mạch cảnh, mạch bẹn).
4. Gọi sự giúp đỡ
Gọi xe cứu thương ngay lập tức hoặc khẩn trương đưa nạn nhân tới bệnh viện sau khi đã sơ cứu đúng cách. Khi bạn biết rõ hơn về tình trạng của nạn nhân thì bạn sẽ có được nhận định tốt nhất để kể lại với bác sĩ về tình trạng của họ.
5. Kiểm tra tắc nghẽn/dị vật trong miệng và họng của nạn nhân
Nếu bạn không nghe thấy tiếng thở, kiểm tra ngay miệng của nạn nhân để phát hiện sự tắc nghẽn hoặc dị vật. Nếu có tắc nghẽn hoặc dị vật gây tắc nghẽn đường thở, dùng ngón trỏ và ngón giữa bàn tay của bạn để giải phóng tắc nghẽn, lấy bỏ dị vật làm thông thoáng đường thở.
6. Tiến hành ngay hồi sinh tim phổi (CPR) hoặc thổi ngạt (EAR)
Nếu không có mạch, tiến hành ngay hồi sinh tim phổi (CPR) hoặc thổi ngạt (EAR). Giữ cổ nạn nhân thẳng để thổi ngạt hoặc hồi sinh tim phổi. Có 3 cách thổi ngạt: miệng-miệng, miệng-mũi, và miệng-mặt nạ (mask).
7. Các cách thức giúp nạn nhân trong những tình huống nghiêm trọng
Nếu chảy máu từ miệng hoặc nạn nhân nôn, xoay nạn nhân nằm nghiêng sang một bên. Điều này sẽ giúp nạn nhân không bị sặc vào phổi. Đặt cánh tay nạn nhân ở phía dưới thẳng ra ngoài và cánh tay nạn nhân ở trên (ngay gần với bạn) vắt qua ngực nạn nhân.
8. Xử trí các vết thương hở
Nếu có vết thương rộng, cố gắng cầm máu bằng việc sử dụng miếng vải sạch/quần áo sạch ép lên các vùng tổn thương chảy máu. Dùng bàn tay để ép xuống chứ không dùng ngón tay.
9. Luôn phải nghi ngờ có tổn thương cột sống cổ
Nếu cổ nạn nhân ở tư thế bất thường (không thường thấy) hoặc nạn nhân hôn mê, thì không được di chuyển nạn nhân. Gọi sự giúp đỡ ngay lập tức. Điều này có nghĩa rằng cổ nạn nhân có thể đã bị “gẫy”, và nếu di chuyển nạn nhân trong tình huống này thì có thể gây hại hơn là có lợi.
10. Giữ ấm cho nạn nhân
Thông thường nạn nhân trong tại nạn giao thông sẽ cảm thấy rất lạnh do sốc. Vì vậy giữ ấm cho nạn nhân là điều rất cần thiết đối với sự sống còn. Bạn có thể sử dụng bất cứ thứ gì mà bạn có để làm điều này, ví dụ như áo thun, áo khoác v.v…
11. Tránh cho nạn nhân ăn
Không đưa bất cứ thứ gì vào miệng nạn nhân như nước uống, thức ăn hoặc các loại nước hoa quả khác vì nó có thể khiến nạn nhân bị sặc phổi
NHỮNG LỜI KHUYÊN CẦN GHI NHỚ TRONG KHI VẬN CHUYỂN NẠN NHÂN TỚI BỆNH VIỆN
1. Nạn nhân cần được vận chuyển trên cáng hoặc tấm bảng cứng. Điều này rất quan trọng vì làm giảm đáng kể các cử động mà nạn nhân phải chịu đựng để từ đó tránh được việc các tổn thương của nạn nhân trở lên xấu đi hơn.
2. Giữ cổ và lưng của nạn nhân thẳng. Bạn có thể đặt một cuộn khăn hoặc vải dày dưới cổ nạn nhân để có hỗ trợ tốt hơn.
3. Để nạn nhân nằm trên một mặt phẳng.
4. Nếu chỉ có tổn thương chân tay, nạn nhân có thể được vận chuyển ở tư thế ngồi.
5. Trong trường hợp tổn thương chảy máu, nâng phần bị thương cao hơn phần thân của nạn nhân và băng ép lên vùng chảy máu. Giữ băng ép liên tục cho tới khi bạn đưa được nạn nhân tới bệnh viện. Điều này giúp kiểm soát và cuối cùng là cầm được máu.
6. Hãy luôn chắc chắn rằng nạn nhân còn mạch và còn thở trên đường tới bệnh viện. Nếu nạn nhân ngừng thở, phải tiến hành hồi sinh tim phổi hoặc hô hấp nhân tạo cho nạn nhân ngay trên xe vận chuyển.
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai
Bs Đinh Văn Hào tổng hợp