Trạm cấp cứu vệ tinh ở cửa ngõ đông bắc Sài Gòn
Bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện Quận Thủ Đức cho biết trạm cấp cứu tại bệnh viện được trang bị hệ thống GPS giúp xác định nhanh chóng tọa độ cuộc gọi đến. Với 4 xe cấp cứu, nhân viên y tế phân bố tại bệnh viện và các trạm y tế phường giúp điều động lực lượng trực chiến 24/24.
Điểm cấp cứu vệ tinh tại Thủ Đức. Ảnh: T.P |
Sau khi nhận cuộc gọi, nhân viên tổng đài hướng dẫn các biện pháp sơ cứu, chăm sóc tại chỗ cho người bị nạn trong lúc chờ xe cấp cứu đến. Tổng đài viên sẽ điều động phương tiện vị trí gần nhất. Trong vòng 5 phút, đội ngũ làm công tác chuyên môn lên đường để tiếp cận hiện trường, hỗ trợ người bệnh càng sớm càng tốt.
Tiến sĩ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết đây là một trong 8 trạm cấp cứu vệ tinh được thành phố triển khai trong năm 2016, đặt tại bệnh viện công lẫn tư ở trung tâm và bốn cửa ngõ thành phố. Các trạm vệ tinh nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu được hỗ trợ, chăm sóc y tế của bà con nhân dân qua tổng đài số 115. Hiện thành phố đã lập 3 trạm cấp cứu vệ tinh, cứu sống kịp thời nhiều trường hợp bị tai nạn giao thông nặng đe dọa tính mạng.
Trạm cấp cứu 115 vệ tinh tại Bệnh viện Quận Thủ Đức đã sẵn sàng đi vào hoạt động. Ảnh: T.P |
TP HCM địa bàn rộng, dân cư đông, giao thông thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm là thách thức đối với công việc cấp cứu ngoại viện. Lực lượng của Trung tâm Cấp cứu 115 không đủ sức đáp ứng nên hầu hết số ca cấp cứu do người dân tự dùng phương tiện cá nhân hoặc gọi taxi chuyển tới bệnh viện.
Màn hình GPS theo dõi lộ trình xe cấp cứu của Trạm Cấp cứu vệ tinh 115 – Bệnh viện Quận Thủ Đức. Ảnh: T.P |
Mục tiêu của hoạt động cấp cứu ngoài bệnh viện là phải tiếp cận hiện trường nhanh nhất và sơ cấp cứu tại chỗ, vận chuyển người bệnh đến bệnh viện gần nhất trong thời gian ngắn nhất để kịp thời điều trị. Sở Y tế cũng đã ban hành “Quy trình báo động đỏ liên viện” nhằm phối hợp và hỗ trợ kịp thời các bệnh viện đầu ngành cấp cứu người bệnh nguy kịch.
Lê Phương
Nguồn vnexpress.net