Những nghịch lý trong tiêu thụ dược liệu
Sáng 8/6, tại buổi tọa đàm Phát triển dược liệu bền vững” do Bộ Y tế phối hợp với báo Nhân Dân tổ chức, những khó khăn của việc quản lý nguồn dược liệu và sử dụng dược liệu đã được đặt ra.
Ông Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền, Bộ Y tế, cho biết, từ năm 2014, Bộ Y tế đã triển khai tiếp nhận và xét duyệt đơn hàng của DN xin nhập khẩu dược liệu để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên dược liệu thông quan qua cửa khẩu còn nhiều tồn tại. Đó là dược liệu không có bao bì, nhãn mác theo quy định, phần lớn được đóng gói ở bao dứa, thùng giấy; dược liệu không có nguồn gốc , xuất xứ rõ ràng, lưu hành trôi nổi trên thị trường, không đảm bảo chất lượng để làm thuốc. Tại các cửa khẩu, cán bộ chỉ kiểm tra được số lượng, trọng lượng bao hàng, không kiểm tra được chất lượng dược liệu, trong khi đó kiểm tra chất lượng dược liệu lưu hành trên thị trường phần lớn là kém chất lượng hoặc đã bị chiết xuất một phần hoạt chất.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đặt câu hỏi: khi mà tại Trung Quốc, cơ sở công nghiệp, các labo nghiên cứu hòa vào bệnh viện như một công xưởng sử dụng thuốc đông y, thuốc dược liệu với khoảng 40% người dân sử dụng thuốc đông y, vậy mà dược liệu khi sang Việt Nam lại kém chất lượng?
Bộ trưởng cũng cho biết đã từng thăm trường Học viện y học cổ truyền và cơ sở sản xuất dược liệu tại Trung Quốc, đã thảo luận với đại sứ quán Trung quốc để có cuộc gặp gỡ Bộ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc nhờ hợp tác phát triển dược liệu đông y.
Trên thực tế, Bộ Y tế đã đã tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp Trung Quốc mới phân phối đạt chất lượng cao, có nguồn gốc, có kiểm định đàng hoàng, giá hơi cao nhưng một số bệnh viện lại chấp nhận. Trong khi đó dược liệu của các doanh nghiệp chúng ta làm ăn tốt nhưng giá cao không cạnh tranh được với thuốc trôi nổi, tiểu ngạch sản xuất manh mún.
Khái quát về các vấn đề ngành dược liệu Việt Nam đang gặp phải, Nữ Bộ trưởng thẳng thắn nêu: cái khó hiện nay của Việt Nam là việc ung ứng thuốc cả đông y vầ tây y cả nước mới được 50% yêu cầu. Trong đó, y học dược liệu mới đáp ứng được 20%, nhập khẩu 80%. Thứ hai các thuốc dược liệu chưa được công bố theo GACP – WHO tiêu chuẩn hóa để ưu tiên trong danh mục đấu thầu. Thứ 3 nguồn nguyên liệu nhập khẩu nhưng chất lượng không đạt bằng con đường tiểu ngạch.
Trong khi đó, Việt Nam là một trong bốn nước có truyền thống đông y và dược liệu. Hệ thống các bệnh cơ sở khám chữa bệnh từ trung ương đến trạm y tế xã, đến các lương y là nơi tiêu thụ nguồn dược liệu nhiều nhất.
Vì thế, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ có một hội nghị riêng về vấn đề này để đánh giá kỹ lại nhu cầu, chất lượng, về phương thức ưu tiên dùng các thuốc này ở cơ sở khám chữa bệnh; cũng như các nhà tân dược, các nhà sản xuất thuốc tây nhưng từ nguồn dược liệu. Ngoài ra các thuốc hoàn toàn từ Đông y, từ dược liệu để thấy cung và cầu gặp nhau như thế nào.
Theo bà Tiến, thời gian tới cần hình thành chuỗi doanh nghiệp cung ứng bao gồm nuôi trồng, thu gom, chuỗi phân phối dược liệu để nguồn dược liệu trong nước được phát triển quy mô hơn, nhằm phát huy thế mạnh 4.000 loài cây thuốc, hơn 50 loài tảo biển làm thuốc vốn có của Việt Nam.
Hồng Hải
Nguồn Dân trí