Chuyện lạ chưa kể của cấp cứu 115
Theo chân những nhân viên cấp cứu mới thấy nghề này không chỉ cần nghiệp vụ mà phải có cái tâm của người thầy thuốc.
“Trong quá trình cấp cứu ngoại viện 115 trên địa bàn TP.HCM, nhân viên y tế gặp nhiều tình huống bất ngờ không lường trước. Vì vậy, các thành viên trong tổ cấp cứu phải khéo léo và nhanh trí xử lý tình huống để đưa bệnh nhân tới bệnh viện (BV) càng sớm càng tốt” – BS Nguyễn Thắng Nhật Tuệ, quản lý phòng Điều hành Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM, nói.
“Lệnh” 115 dọn vệ sinh
“Cách đây không lâu, 115 TP.HCM nhận cuộc gọi báo có một bà lớn tuổi ở quận 3 (TP.HCM) bị tai biến. Tôi và hai điều dưỡng nhanh chóng lên xe cấp cứu” – BS Tuệ kể. Tới nơi, tổ cấp cứu thấy bệnh nhân tiêu tiểu tại giường nằm, mùi hôi bốc lên khó chịu. BS Tuệ nhỏ giọng nói người nhà dọn dẹp sạch sẽ để nhân viên y tế khám và sơ cứu bệnh nhân.
Thế nhưng thân nhân người bệnh nhìn BS Tuệ chằm chằm rồi nói: “Tụi tôi dọn thì tụi tôi gọi 115 tới để làm gì. Các anh, các chị tự dọn dẹp đi”. Trước tình huống trên, bất chấp mùi hôi thối, BS Tuệ và hai điều dưỡng nhanh tay sơ cứu bệnh nhân. “Thấy chúng tôi tận tình cứu chữa người bệnh, thân nhân xắn tay dọn sạch sẽ chỗ bệnh nhân nằm và giúp chúng tôi chuyển người bệnh lên xe. Một người còn ghé tai tôi nói lời xin lỗi” – BS Tuệ cười nói.
Trong quá trình cấp cứu 115, nhân viên y tế gặp nhiều tình huống bất ngờ. Ảnh: TRẦN NGỌC
“Ông mụ, bà mụ” bất đắc dĩ
Mới đây, 115 nhận được điện thoại báo có một phụ nữ 25 tuổi ở trọ trên đường Phạm Văn Bạch (phường 15, quận Tân Bình, TP.HCM) bị đau bụng dữ dội. “Đến nơi, tôi thấy chị ta nằm trên vũng máu, ôm bụng quằn quại. Sau khi khám, tôi phát hiện chị ta mang thai khoảng 7-8 tháng và có dấu hiệu sinh non do vấp ngã” – BS Tuệ kể.
Do không thể chuyển thai phụ đến BV vì có nguy cơ ảnh hưởng tính mạng hai mẹ con nên BS Tuệ và hai điều dưỡng quyết định đỡ đẻ tại chỗ. “Tôi vận dụng những kiến thức sản khoa được học khi còn là sinh viên để áp dụng trong trường hợp này. Thiệt tình mà nói, tôi vừa đỡ đẻ vừa run vì sợ chuyện không hay xảy ra. Cuối cùng, nhờ sự hỗ trợ của hai điều dưỡng nên đứa bé chào đời an toàn, sức khỏe sản phụ cũng bình thường. Nghe tiếng đứa bé khóc oa oa, nhìn gương mặt hạnh phúc của người mẹ, cả tổ cấp cứu vỡ òa niềm vui. Sau đó hai mẹ con được chuyển tới BV Hùng Vương (TP.HCM) để được tiếp tục chăm sóc” – BS Tuệ nói.
Bị túm áo kéo đi
Trong quá trình cấp cứu ngoại viện, BS Trang Thị Hồng Phượng, Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM, gặp khá nhiều tình huống không lường trước. “Đến nay tôi vẫn còn ấn tượng ca cấp cứu một ông ở quận 1 bị rối loạn tiền đình” – BS Phượng nói. “Người nhà bệnh nhân gọi 115 báo cấp cứu với lý do chóng mặt, nôn ói. Xe cấp cứu vừa tới, một thanh niên độ 25 tuổi to cao, dữ dằn bước tới mở cửa rồi nắm cổ áo tôi kéo nhanh vào nhà. Tôi yêu cầu buông ra, anh ta chửi thề rồi nói: “Cha tao sắp chết mà buông cái gì”. Anh ta tiếp tục kéo mạnh tôi vào nhà” – BS Phượng kể.
Chẩn đoán bệnh nhân bị rối loạn tiền đình, BS Phượng và hai điều dưỡng tiến hành sơ cứu. Xong xuôi mọi việc, BS Phượng nói nhỏ với anh thanh niên: “Bao nhiêu năm đi cấp cứu, đây là lần đầu tôi bị lôi cổ”. “Thấy vậy, mẹ anh ta quỳ xuống xin lỗi tổ cấp cứu và trách mình không biết dạy con. Tôi liền đỡ bà ta đứng lên, nói nhỏ vài câu rồi lên xe về” – BS Phượng nhớ lại.
Trạm vệ tinh cấp cứu 115 BV Đa khoa Sài Gòn (TP.HCM) cũng đã từng gặp những tình huống bất ngờ không lường trước. Do tính mạng người bệnh trên hết nên nhân viên cấp cứu phải đưa ra giải pháp xử lý thật nhanh.
BS Diệp Thành Tường, Trưởng khoa Cấp cứu hồi sức BV Đa khoa Sài Gòn, chia sẻ: “Mới đây, tôi cùng hai điều dưỡng đến một địa chỉ ở quận 3 (TP.HCM) để cấp cứu cụ bà hơn 60 tuổi bị suy tim nặng, khó thở. Chúng tôi nhanh chóng sơ cứu, đặt nội khí quản, bóp bóng trước khi đưa bệnh nhân tới BV” – BS Tường nói.
Bệnh nhân nằm trên gác, cầu thang xoắn ốc lại quá nhỏ, chỉ vừa một người lên xuống nên không thể đưa người bệnh xuống đất bằng băng ca. Bệnh nhân lại trong cơn nguy kịch, chậm đưa tới BV sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. “Suy đi tính lại, tôi quyết định cột chặt người bệnh vào băng ca. Tiếp theo tôi nhờ người nhà tìm giúp bốn đoạn dây rồi cột vào bốn đầu băng ca. Sau đó bốn người cầm bốn sợi dây thòng bệnh nhân từ lan can xuống đất. Cuối cùng mọi việc cũng êm đẹp, bệnh nhân được đưa tới BV kịp lúc” – BS Tường cho biết.
Theo BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, các chuyên viên sơ cấp cứu ngoại viện được tuyển từ nhiều nguồn khác nhau, có thể tuyển từ điều dưỡng, y sĩ được đào tạo về chương trình cấp cứu y tế ngoài bệnh viện. Các nhân viên này sau khi tốt nghiệp trung cấp sẽ phải thực hành thêm một năm để được cấp bằng chứng nhận nhân viên cấp cứu y tế ngoại viện. Họ sẽ được đưa về Trung tâm Cấp cứu 115 của thành phố hoặc tham gia vào lực lượng cứu hộ, cứu nạn 114. Do vậy họ có thể đánh giá mức độ tai nạn, bệnh tật chính xác và sơ cứu an toàn cho bệnh nhân. _________________________________ Bình quân mỗi ngày Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM và các trạm vệ tinh tiếp nhận từ 40 đến 50 cuộc gọi. Trong quá trình cấp cứu, nhân viên y tế phải đối diện với những tình huống không lường trước. Thậm chí còn bị chửi bới, đe dọa. Cho dù rơi vào bất kỳ tình huống nào, nhân viên 115 cũng bình tĩnh xử lý vụ việc và nhanh chóng cấp cứu bệnh nhân. ThS-BS VÕ QUANG HUY, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM |
Nguồn 24h.com.vn