Chưa có “chuẩn” cho giá khám dịch vụ
Khác với cảnh đông nghẹt bệnh nhi ngồi chờ, phòng khám theo yêu cầu 2 của Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM, đi vào hoạt động gần một năm nay được đầu tư khang trang, tiết kiệm thời gian cho bệnh nhân.
Khoảng 85% bệnh nhân đăng ký khám nhanh tại quầy 2 Bệnh viện Da liễu TP.HCM sáng 29-5 đã phải đợi lâu hơn bệnh nhân khám thường. Vì không muốn mất thời gian nên đa số chọn khám nhanh (mất 100.000 đồng) khiến ở bộ phận khám nhanh rất đông bệnh nhân đứng ngồi chờ đợi, trong lúc bên khám thường (chỉ mất 50.000 đồng) loe hoe vài bệnh nhân thoải mái ngồi – Ảnh: T.T.D. |
Sáng 9-6, anh H.T.Đ. (32 tuổi, ở Q. Bình Tân, TP.HCM) đưa con trai 14 tháng tuổi đến phòng khám theo yêu cầu 2 khám bệnh cho con.
Giá cao nhưng rất hài lòng
Con anh bị sốt đêm bốn ngày nay không khỏi, khoảng 8g30 anh gọi điện đăng ký khám theo yêu cầu thì được hẹn 10g đến khám.
Khi đến, anh chỉ làm thủ tục 5 phút, sau đó vào phòng bác sĩ. Bác sĩ nói con anh phải làm xét nghiệm và ngay lập tức có người đến tận phòng lấy máu xét nghiệm cho con anh, chỉ 15 phút sau có kết quả. Tổng cộng thời gian từ khi đến khám đến khi kết thúc chỉ mất 30 phút.
Theo anh Đ., đưa con đi khám bệnh theo dịch vụ này anh thấy “quá khỏe”, tiện hơn cả khám ở phòng mạch tư vì khám ở phòng mạch tư vẫn phải chờ đợi.
Những ông bố, bà mẹ đưa trẻ đến khám tại đây đều hài lòng dù số tiền phải trả cho mỗi lần khám là 300.000 đồng.
Theo một bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1, phòng khám này do các bác sĩ trưởng, phó khoa phòng đảm trách. Trung bình một buổi sáng, bác sĩ ngồi tại phòng khám bệnh theo yêu cầu này chỉ khám cho khoảng 20 bệnh nhân, trong khi bác sĩ khám bệnh dịch vụ với giá 150.000 đồng khám cho khoảng 40 bệnh nhân, khám dịch vụ với giá 70.000 đồng và khám bảo hiểm y tế, một bác sĩ sẽ khám cho 70-80 bệnh nhân.
Ngoài số lượng bệnh nhân khám khác nhau, một khác biệt nữa là việc trang bị máy lạnh ở các loại hình phòng khám, nơi có nơi không. Trừ phòng khám bệnh theo yêu cầu 2 là các bác sĩ trưởng, phó khoa khám, các loại hình khám còn lại đều được khám giống nhau.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đang có nhiều loại hình khám bệnh như khám bảo hiểm y tế, khám thường, khám dịch vụ, khám chăm sóc sức khỏe theo yêu cầu và từ đầu tháng 8-2015, bệnh viện có mở 4 phòng khám chuyên gia với các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Chợ Rẫy.
Bệnh nhân sẽ được chọn bác sĩ khám cho mình là các GS, PGS, TS, trưởng phó khoa, thậm chí cả giám đốc bệnh viện khám. Loại hình khám bệnh dịch vụ này có giá 500.000 đồng/lượt.
Khám dịch vụ chỉ vì muốn nhanh
Ngoài những phòng khám có các chuyên gia, phó trưởng khoa phòng tại các bệnh viện phụ trách, các bác sĩ nhận xét phòng khám bảo hiểm y tế và một số loại hình dịch vụ có chất lượng khám như nhau.
Cụ thể, cùng là một bác sĩ nhưng ngày thì được bệnh viện xếp lịch khám cho bệnh nhân bảo hiểm y tế, ngày khác được xếp lịch khám dịch vụ. Bà N.T.N. (55 tuổi, ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) kể bà mắc bệnh đái tháo đường nhiều năm nay, có thẻ bảo hiểm y tế ở Bệnh viện Nhân Dân Gia Định.
Bà chọn khám bệnh dịch vụ tại bệnh viện này chỉ vì muốn được khám nhanh hơn chứ theo bà, khám bảo hiểm y tế với khám dịch vụ như nhau.
Bác sĩ Hồ Văn Hân, quyền trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, cho biết Bệnh viện Nhân Dân Gia Định có tổ chức khám dịch vụ sau 16g vào các ngày thường và vào sáng thứ bảy hằng tuần. Theo bác sĩ Hân, không có chuyện bác sĩ khám dịch vụ giỏi hơn bác sĩ khám bảo hiểm y tế.
Theo một cán bộ Sở Y tế TP.HCM, giá khám chữa bệnh dịch vụ tại các cơ sở y tế do giám đốc đơn vị tự quyết định trên cơ sở bù đắp chi phí và có tích lũy. Hiện Bộ Y tế và Bộ Tài chính đang xây dựng khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu. Khung giá này được xây dựng trên cơ sở tính đầy đủ chi phí và tích lũy 10%, các bệnh viện sẽ thu từ mức quy định này trở xuống.
Giá các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu, các dịch vụ kỹ thuật y tế từ nguồn vốn vay, vốn huy động: chủ cơ sở khám chữa bệnh được quyền quyết định mức giá nhưng không vượt quá mức tối đa của khung giá do Bộ Y tế và Bộ Tài chính quy định.
Chưa có tiêu chí “phòng dịch vụ”
Trong khi đó, nhiều bệnh nhân khi nhập viện điều trị lại thấy chất lượng dịch vụ không tương xứng với viện phí. Cách đây một tuần, chị Nguyễn Thu Hằng ở Xã Đàn, Hà Nội đưa mẹ vào Bệnh viện Lão khoa T.Ư. Mẹ chị lớn tuổi lại bị tai biến nên gia đình chọn phòng dịch vụ. Bệnh viện mới nên phòng khá sạch đẹp, 2 giường/phòng có tivi, máy lạnh và giá 1,4 triệu đồng/giường/ngày đêm.
“Vì mẹ tôi nằm viện 3 ngày nên giá này là chấp nhận được, nhưng nếu nằm dài ngày thì đúng là ít gia đình kham được bởi với 2 giường/phòng mà bệnh viện thu tới 2,8 triệu đồng/ngày, cao hơn cả giá phòng khách sạn hạng sang ngay ở Hà Nội”- chị Hằng cho hay.
Cách phòng dịch vụ ở tòa nhà mới xây của Bệnh viện Lão khoa chỉ một đoạn đường ngắn là khoa thần kinh Bệnh viện Bạch Mai.
Cuối tháng 5 vừa qua, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê đã có chuyến kiểm tra đột xuất “phòng dịch vụ” ở cơ sở này và yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, rà soát không để tái diễn tình trạng phòng chất lượng kém mà thu phí cao, khi bệnh viện thu phí tới 1,2 triệu đồng/phòng dịch vụ 3 giường/ngày.
Chuyến đi của ông Khuê bắt đầu từ phản ảnh của một người tên là Trịnh Văn S. gửi Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, rằng giá phòng dịch vụ ở khoa thần kinh tương đương với giá phòng khách sạn 3 sao mà nhiều mảng tường mốc meo, không nhà vệ sinh, máy lạnh hỏng…
Khảo sát nhiều bệnh viện ở Hà Nội cho thấy hiện bệnh viện nào cũng có hệ thống phòng dịch vụ. Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế thừa nhận hiện không có tiêu chí nào cho các phòng bệnh dịch vụ, khám dịch vụ, mà đây được coi là thỏa thuận giữa bệnh nhân và bệnh viện. Các văn bản hiện hành cũng chưa minh bạch, như thế nào là tự nguyện, dịch vụ… đều không có.
Vị này cũng cho biết các dịch vụ khám chữa bệnh tự nguyện tại bệnh viện công lập cũng được thu theo thỏa thuận với người bệnh, chỉ cần bệnh viện công khai mức thu. Trong khi theo khảo sát của chúng tôi, giá khám giáo sư, sinh dịch vụ tại bệnh viện công hiện có nơi cao hơn cả bệnh viện tư!
Có lấy của công làm dịch vụ? Hiện giá viện phí dịch vụ được xếp vào mức cao ở Hà Nội là viện phí tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Rất ít chi phí dịch vụ y tế tại bệnh viện này được bảo hiểm y tế chấp nhận. Ông Phạm Lương Sơn, phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN, cho biết do cơ chế giá của bệnh viện này là thu đúng, thu đủ 100% chi phí từ khi chưa có thông tư 37 (tương tự cơ chế giá của bệnh viện tư – PV), trong khi bảo hiểm chỉ chi trả theo quy định, còn tỉ trọng cao hay thấp là do giá của bệnh viện. Một chuyên gia của ngành y tế cho rằng khu vực xã hội hóa, dịch vụ phải tách bạch với khu vực do Nhà nước đầu tư, ví dụ như các nhà đầu tư xây dựng một khu riêng, với nguồn vốn toàn bộ của nhà đầu tư mới là dịch vụ đúng nghĩa, còn hiện nay đang nhập nhèm công – tư và lợi dụng vốn nhà nước để tăng thu nhập cá nhân. “Ngay dịch vụ khám giáo sư hiện nay cũng là không đúng, vì dịch vụ sử dụng người trong biên chế khám trong giờ hành chính là sai quy định, thời gian ấy Nhà nước trả lương để thực hiện việc khám bệnh cho bệnh nhân nói chung. Nếu muốn khám dịch vụ thì bệnh viện phải bố trí ngoài giờ. Có một bệnh viện ở Hà Nội có hẳn một khoa tự nguyện và rất nhiều giáo sư ngồi phòng khám ở đó, giá thu rất cao, trong khi bệnh viện quá tải”- chuyên gia này cho biết. |
THÙY DƯƠNG – LAN ANH