Những biến chứng của bệnh đái tháo đường
Biến chứng của bệnh đái tháo đường là không thể tránh khỏi. Chúng ta chỉ có thể làm chậm tiến triển và hạn chế mức độ của các biến chứng bằng cách quản lý tốt bệnh đái tháo đường.
Biến chứng xảy ra sớm hay muộn phụ thuộc vào cách quản lý bệnh và typ mắc bệnh.
Mục lục bài viết
Biến chứng cấp tính
Biến chứng cấp tính là những biến chứng xảy ra đột ngột, diễn biến nhanh, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
Biến chứng Hạ glucose máu
Là biến chứng hay gặp do người bệnh thực hiện chế độ ăn kiêng quá mức hoặc do dùng thuốc quá liều. Đối với người cao tuổi, tình trạng này thường khó phát hiện vì các triệu chứng mờ nhạt và không điển hình.
- Triệu chứng:
+ Lời nói, cử chỉ chậm chạp + Cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ
+ Ngoài ra có thể có đói bụng, run, yếu cơ, cồn cào, vã mồ hôi…
- Khi lượng glucose trong máu hạ đến một mức độ nào đó có thể xảy ra hôn mê.
- Đa số người bệnh có hiện tượng hạ glucose máu tiềm tàng hay còn gọi là hạ glucose máu không triệu chứng. Để chẩn đoán xác định, cần định lượng glucose máu. Nếu glucose máu < 3,1mmol/l (< 56mg/dL) thì được coi là có hạ glucose máu tiềm tàng trên lâm sàng, cần có sự can thiệp của thầy thuốc chuyên khoa nội tiết.
Nhiễm toan ceton
Đây là tình trạng nhiễm độc do máu bị toan hóa vì tăng nồng độ acid acetic, là sản phẩm của chuyển hóa dở dang do thiếu insulin gây ra. Thường xảy ra ở đái tháo đường typ 1.
Triệu chứng lâm sàng:
- Chán ăn
- Khát và uống nước nhiều hơn
- Lượng nước tiểu nhiều hơn ngày thường
- Rát họng
- Đau đầu, đau bụng
- Đỏ da
- Đại tiện phân nát hoặc lỏng, nhiều lần trong ngày
- Hơi thở có mùi ceton.
Cận lâm sàng: có ceton trong nước tiểu
Nếu không được điều trị kịp thời có thể hôn mê do nhiễm toan ceton và dẫn tới tử vong.
Tăng glucose máu
Tăng glucose máu xảy ra khi lượng đường trong máu tăng trên 33,3mmol/l (> 600mg/dL). Chủ yếu xảy ra ở người bệnh đái tháo đường typ 2, do người bệnh không theo dõi lượng glucose trong máu hoặc không phát hiện ra mình mắc bệnh đái tháo đường. Tình trạng này cũng có thể xảy ra khi dùng corticoid liều cao, uống rượu với số lượng lớn, có bệnh lý khác hoặc nhiễm trùng kèm theo.
Bệnh thường nặng lên do phát hiện muộn vì các biểu hiện ban đầu được coi là do tuổi già, do thay đổi thời tiết…
Triệu chứng lâm sàng: khát nước, đái nhiều, yếu cơ, chuột rút ở chân, nhầm lẫn, co giật, có thể hôn mê và dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Biến chứng mạn tính
Biến chứng về chuyển hóa
Rối loạn lipid máu: gặp ở cả 2 typ của đái tháo đường nhưng thường gặp ở người mắc đái tháo đường typ 2. Rối loạn lipid máu là nguyên nhân gây vữa xơ động mạch, từ đó gây ra các biến chứng khác của đái tháo đường.
Tổn thương mạch máu nhỏ
Nồng độ đường trong máu tăng cao và sự dao động lượng glucose trong máu là yếu tố chính gây tổn thương các mạch máu nhỏ. Nếu người bệnh có tăng huyết áp kèm theo thì sự hủy hoại các mạch máu nhỏ càng tăng.
- Bệnh lý thần kinh: hơn 50% số người bị đái tháo đường có biểu hiện tổn thương thần kinh. Nguyên nhân: do lượng đường trong máu quá cao làm tổn thương các mạch máu nhỏ nuôi dây thần kinh.
+ Biến chứng thần kinh ngoại vi: triệu chứng lâm sàng tùy thuộc vào thần kinh vùng nào bị ảnh hưởng. Thường gặp nhất là ảnh hưởng đến thần kinh cảm giác ở chân và cánh tay. Triệu chứng: cảm giác kiến bò, tê, bỏng rát, bắt đầu ở đầu ngón và lan dần lên phía trên.
+ Biến chứng thần kinh thực vật: tổn thương thần kinh thực vật điều khiển huyết áp, chi phối hoạt động của đường tiêu hóa, bàng quang, hệ thống sinh dục… gây các triệu chứng: tụt huyết áp, ngất, đổ mồ hôi, buồn nôn, nôn, tiểu tiện không hết, táo bón hoặc ỉa chảy, rối loạn chứng năng cương ở nam giới, lãnh cảm ở nữ giới…
- Bệnh lý võng mạc: do tổn thương các mạch máu võng mạc. Biểu hiện: xuất tiết, xuất huyết võng mạc, bệnh võng mạc tăng sinh và không tăng sinh… Biến chứng võng mạc do đái tháo đường có thể làm giảm thị lực hoặc gây mù.
- Bệnh lý cầu thận: thường xảy ra sau 5 năm mắc bệnh đái tháo đường đối với người đái tháo đường typ 1; tổn thương cầu thận ngay từ khi phát hiện bệnh đối với người đái tháo đường typ 2.
+ Nguyên nhân: tổn thương các mạch máu nhỏ tại cầu thận do đái tháo đường.
+ Triệu chứng: đái protein vi thể. Nếu không được điều trị có thể xuất hiện protein niệu. Bệnh cầu thận kéo dài sẽ gây tăng huyết áp, suy thận, thiếu máu…
- Bệnh lý bàn chân: do đặc điểm riêng về giải phẫu, chức năng mà chi dưới dễ bị tổn thương.
+ Đường huyết cao làm hủy hoại bộ phận tiếp nhận cảm giác của các dây thần kinh ngoại vi, gây rối loạn cảm giác chi dưới, người bệnh bị mất các cảm giác bảo vệ, không có cảm nhận về những tác động nguy hiểm đối với bàn chân như: cảm giác đau, nóng, lạnh… Do đó, người bệnh không biết mình bị thương. Một vết thương dù nhỏ cũng có thể bị loét rộng và trở thành trầm trọng. Triệu chứng thường gặp: rối loạn cảm giác (nóng ran hoặc lạnh) ở hai chân, ngứa hoặc tê bì, cảm giác bứt rứt, khó chịu.
+ Do đái tháo đường làm tổn thương các mạch máu nhỏ, làm giảm dòng máu tới bàn chân. Da bàn chân trở nên khô, nứt nẻ, dễ bị loét và nhiễm trùng. Biểu hiện thường gặp: thay đổi màu sác da, cảm giác lạnh hoặc tê bì hai chân, đau chân lúc nghỉ ngơi…
+ Nếu tổn thương mạch máu ngoại vi kết hợp với bệnh thần kinh ngoại vi sẽ làm vết thương lâu lành. Đồng thời, lượng glucose trong máu tăng cao là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và làm giảm sức đề kháng của cơ thể. Vì vậy, vết thương dễ bị loét, nhiễm khuẩn, có thể hoại tử, dẫn tới nguy cơ cắt cụt chi nếu không được điều trị đúng và kịp thời.
Tổn thương mạch máu lớn
Bệnh mạch vành:
- Có khoảng 75% người mắc đái tháo đường bị bệnh mạch vành. Biểu hiện biến chứng nhồi máu cơ tim ở người đái tháo đường không điển hình như người bình thường, người bệnh thường không có cơn đau thắt ngực mà chỉ có cảm giác mệt mỏi, tụt huyết áp…
- Biến chứng bệnh mạch vành gây tử vong ở người đái tháo đường cao gấp 4 lần so với người mắc bệnh mạch vành không kèm theo đái tháo đường.
Nguyên nhân của tình trạng tổn thương mạch máu trong đái tháo đường là do tăng nồng độ triglvcerid, giám nồng độ HDL (High densitv lipoprotein) trong máu.
Một số biến chứng khác
Ngoài da
- Ngứa ngoài da, trên da thường hay bị mụn nhọt.
- Da lòng bàn tay, bàn chân có màu ánh vàng (do rối loạn chuyển hoá vitamin A).
- Hoại tử mỡ da.
- nhiễm khuẩn thứ phát: viêm mủ da, nhọt, nấm da.
Nhãn khoa
Đục thủy tinh thể. Tuy nhiên, một số nghiên cứu lại nhận thấy đục thủy tinh thể ở người cao tuổi đái tháo đường với người cao tuổi không mắc bệnh đái tháo đường là tương đương.
Hô hấp
- Lao phổi.
- Viêm phổi, viêm phế quản.
Tiêu hoá
- Viêm quanh răng dẫn đến rụng răng.
- Viêm dạ dày.
- ỉa chảy.
- Rối loạn chức năng gan; gan nhiễm mỡ.