Bàn chân cho biết điều gì về sức khỏe?
Những người ủng hộ massage chân trên toàn thế giới từ lâu đã tuyên bố rằng việc xoa bóp bấm huyệt bàn chân có thể cải thiện sức khỏe của cơ quan nội tạng. Thực tế, có rất ít bằng chứng nhưng rõ ràng là nhiều khía cạnh của sức khỏe nói chung đôi khi biểu hiện ở bàn chân.
Bàn chân chịu sức nặng của toàn bộ cơ thể khi chúng ta đứng hoặc đi. Bàn chân chứa 1/4 số xương của cơ thể. Mỗi bàn chân có 33 khớp, 100 gân, cơ, và dây chằng; và vô số dây thần kinh và mạch máu liên kết bằng mọi đường với tim, cột sống và não.
Vì thế không có gì đáng ngạc nhiên khi những trục trặc ở bàn chân sẽ ảnh hưởng đến toàn cơ thể. Giữ bàn chân trong tình trạng tốt là rất quan trọng đối với với sức của chúng ta.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ xem xét 10 điều mà bàn chân có thể tiết lộ về tình trạng ở các phần còn lại của cơ thể.
1. Chuột rút chân và co thắt ở bàn chân
Co thắt cơ gây khó chịu, nhưng nó cũng có thể là dấu hiệu của sự thiếu hụt trong cơ thể.
Co thắt cơ có thể do mất nước. Không đủ nước nghĩa là các cơ không nhận được đủ ôxy và bị thiếu hoặc mất cân bằng các chất điện giải hoặc dinh dưỡng, đặc biệt là natri, canxi, kali, hoặc magiê. Điều này có thể là tác dụng phụ của thuốc lợi tiểu, nhằm giảm bớt lượng dịch thừa trong cơ thể.
Nếu co thắt cơ xảy ra khi đi bộ, nó có thể là dấu hiệu của vấn đề về tuần hoàn.
Co thắt cơ cũng có thể do gắng sức quá mức, hoặc không kéo giãn đủ khi luyện tập. Cuối cùng, giày dép có thể góp phần gây ra vấn đề, ví dụ, đổi từ giày đế bằng sang giày cao gót.
2. Ngón chân cái sưng to
Bệnh gút có thể khiến ngón chân cái có màu đỏ, nóng, sưng và cực kỳ đau. Gút là bệnh viêm khớp phổ biến nhất ở nam giới, xảy ra khi có quá nhiều axít uric hay mononatri urat tích tụ trong các mô và dịch của cơ thể.
Vì tinh thể axít uric có xu hướng tích tụ ở nơi mát nhất của cơ thể, nên bệnh gút thường biểu hiện ở ngón chân cái, và đây là nơi triệu chứng xuất hiện đầu tiên.
Những người thừa cân hoặc béo phì, và những người có tuần hoàn máu kém, dễ bị hơn.
Rượu, chế độ ăn nhiều thịt, và một số loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ.
Thuốc chống viêm có thể giúp ích, nhưng bệnh gút tái phát có thể dẫn đến thoái hóa khớp.
Bệnh gút cũng làm tăng nguy cơ sỏi thận.
3. Bàn chân lạnh, trái tim nóng?
Không hẳn như vậy. Bàn chân lạnh có thể báo hiệu một loạt các vấn đề, bao gồm tuần hoàn máu kém, bệnh tiểu đường, suy giáp, và thiếu máu.
Bàn chân thay đổi màu sắc, từ màu đỏ sang màu trắng sang màu xanh, có thể là một dấu hiệu của bệnh Raynaud, trong đó mạch máu bị co thắt khi dây thần kinh phản ứng thái quá với lạnh.
Với những người bị hội chứng Raynaud tiên phát, tránh lạnh và bỏ thuốc lá thường sẽ giúp ích; nhưng 20% số ca bệnh bắt nguồn từ một bệnh lý nền nào đó, đặc biệt là của mô liên kết. Điều này có thể nghiêm trọng hơn.
4. Sưng bàn chân
Bàn chân bị sưng có thể chỉ ra một loạt các vấn đề, một số trong đó có thể đe dọa tính mạng.
Những vấn đề này bao gồm từ tuần hoàn máu kém và suy tim, suy thận hoặc suy gan, tới huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) hoặc huyết khối, ứ bạch huyết và viêm mô tế bào, cùng với những bệnh lý khác.
Nếu sưng đi kèm đỏ, nóng, và viêm, đó có thể là một nhiễm trùng.
Bầm tím và sưng tấy gợi ý bong gân hoặc gãy xương.
Sưng không đau ở bàn chân xảy ra khi chất dịch ứ lại trong cơ thể, và trọng lực kéo dịch xuống bàn chân.
Điều trị tại nhà bao gồm kê cao chân khi ngồi, tập thể dục chân, giảm muối, và tránh mặc quần áo chật. Giảm cân có thể giúp một số người.
5. Móng chân hình thìa
Móng chân lõm, hay koilonychia, không chỉ khó coi mà nó còn có thể là một dấu hiệu của bệnh hệ thống.
Hiện tượng này chủ yếu liên quan đến thiếu hụt dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu máu thiếu sắt. Thiếu máu có liên quan đến suy dinh dưỡng, xuất huyết nội, bệnh ác tính, và bệnh tiêu chảy mỡ.
Móng chân hình thìa cũng có thể là một dấu hiệu của rối loạn di truyền, các vấn đề về tuần hoàn máu, bệnh tự miễn, và bệnh cơ xương.
6. Móng chân đổi màu
Móng chân ngả màu vàng hay gặp ở những phụ nữ hay sơn móng chân, nhưng chúng có thể là dấu hiệu của điều gì đó nghiêm trọng hơn.
Các bệnh liên quan đến móng chân vàng bao gồm lao, vàng da do bệnh lý gan mật, viêm tuyến giáp, và thậm chí cả viêm xoang.
Nó còn báo hiệu tình trạng ứ máu ở phổi, dẫn đến khó thở.
Các màu sắc và kết cấu khác nhau ở móng có thể phản ánh sự đa dạng của các bệnh toàn thân. Nếu thấy móng chân tay có sự đổi màu hoặc biến dạng không liên quan đến việc sử dụng mỹ phẩm, thì bạn nên đi khám bác sĩ.
7. “Cảm giác tê và châm chích”
Cảm giác tê hoặc châm chích ở bàn chân có thể là dấu hiệu của rối loạn tuần hoàn hoặc tổn thương hệ thần kinh ngoại biên, ví dụ như dây thần kinh bị chèn ép trong một hoặc nhiều bệnh.
Ở những người bị bệnh tiểu đường, tiếp xúc lâu với đường huyết cao có thể gây tổn thương thần kinh, dẫn đến cảm giác châm chích ở bàn chân. Theo Hội MS Quốc gia Mỹ, cảm giác tê hoặc “châm kim” ở các chi thường là một trong những dấu hiệu đầu tiên của bệnh xơ cứng rải rác (MS). Trong một số ít trường hợp, cảm giác tê hoặc châm chích có thể là dấu hiệu của khối u hoặc đột quỵ.
8. Nhức khớp ngón chân
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh ảnh hưởng đến các xương trong khớp. Những dấu hiệu đầu tiên thường là ở bàn tay và bàn chân, và cổ chân và bàn chân của 90% số người mắc bệnh sẽ bị ảnh hưởng.
Trong bệnh viêm khớp dạng thấp, lớp lót trong khớp, còn gọi là bao hoạt dịch, bị sưng và viêm. Các khớp và dây chằng nâng đỡ bị hư hại, dẫn đến giảm vận động.
Có thể có biến dạng, chẳng hạn như ngón chân hình vuốt hoặc ngón chân hình búa. Vì xương mềm, nên gãy xương do đè ép hoặc lún xương có thể xảy ra.
Nghỉ ngơi, chườm đá, và các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen, có thể giúp giảm triệu chứng, giảm đau và viêm.
Lót giày có thể giúp giảm bớt áp lực và điều chỉnh hình dạng của bàn chân, và một số người cần đeo nẹp.
Tiêm steroid có thể làm giảm viêm ở giai đoạn đầu, cuối cùng có thể cần phẫu thuật.
9. Bàn chân rủ
Nếu một người bị bàn chân rủ, họ không thể nâng phần trước của bàn chân. Đây là dấu hiệu của bệnh lý nền ở cơ, thần kinh, hoặc giải phẫu.
Có thể tổn thương thần kinh hoặc cơ bắt nguồn từ xa như cổ hoặc vai. Nó có thể khiến bàn chân bị kéo lê khi đi bộ, hoặc người bệnh có dáng đi bất thường, nâng đùi lên để bàn chân kéo lê trên sàn.
Bàn chân rủ có thể là hậu quả của chấn thương dây thần kinh ở chân, hoặc tổn thương trong phẫu thuật khớp háng. Đôi khi nó có liên quan đến bệnh lý thần kinh như bại liệt, hoặc rối loạn não hay tủy sống. Người bị bệnh xơ cứng rải rác hoặc đột quỵ cũng có thể có bàn chân rủ.
Điều trị và kết quả phụ thuộc vào nguyên nhân. Nẹp có thể giúp giữ bàn chân ở tư thế bình thường, vật lý trị liệu giúp cho tư thế, và kích thích thần kinh đôi khi giúp người bệnh nâng được bàn chân.
Phẫu thuật có thể được chỉ định để điều trị dây thần kinh, kết xương, hoặc chỉnh lại vị trí của gân.
10. Loét lâu liền
Một triệu chứng phổ biến của bệnh tiểu đường là bệnh thần kinh, hay tổn thương dây thần kinh, nghĩa là bệnh nhân không thể cảm thấy hoặc biết được tổn thương, ví dụ như bị hòn sỏi lọt vào giày hoặc có những nốt phỏng nước ở chân.
Nếu vết thương xấu đi và nhiễm trùng, chúng có thể dẫn đến loét và hoại tử, và phải cắt cụt chi. Tổn thương thần kinh cũng có thể khiến bàn chân và ngón chân bị biến dạng.
Các dấu hiệu khác của bệnh tiểu đường xuất hiện ở bàn chân bao gồm khô, nứt và bong da, vết chai, và tuần hoàn kém.
Vì vậy, nếu bạn có vấn đề dù là nhỏ với bàn chân, cũng cần lưu ý. Bàn chân không giết chết bạn, nhưng nó có thể cảnh báo một vấn đề gì đó nghiêm trọng hơn.
Bàn chân qua những con số
Có khoảng 250.000 tuyến mồ hôi ở hai bàn chân, sản xuất khoảng 1/2 lít mồ hôi mỗi ngày.
Khi một người chạy, đôi chân của họ phải chịu 3-4 lần trọng lượng cơ thể.
Tại Mỹ, khoảng 19% dân số có 1,4 vấn đề về chân mỗi năm.
Cẩm Tú
Theo MNT
Nguồn Dân trí