Xà phòng diệt khuẩn tốt hay xấu?
Mỗi khi vào siêu thị, bạn sẽ bắt gặp từ “diệt khuẩn” trên nhãn của vô số các mặt hàng gia dụng phổ biến, mà đáng chú ý nhất là các loại xà phòng rửa tay và vệ sinh cơ thể.
Nhưng trong khi các loại xà phòng kháng khuẩn ngày nay được bán trên thị trường từ những năm 1980 là phiên bản chống mầm bệnh vượt trội so với các loại trước đây, vài năm qua chúng ta đã chứng kiến cuộc tranh luận ngày càng gay gắt xung quanh hiệu quả và thậm chí cả độ an toàn của chúng. Sự tranh cãi phần lớn xoay quanh chất triclosan, một chất kháng khuẩn cũng được đưa vào đủ mọi mặt hàng từ kem đánh răng đến dầu gội cho thú cưng. Một chất cùng họ với nó là triclocarban, được tìm thấy trong xà phòng bánh kháng khuẩn.
Năm 2014, Minnesota đã trở thành bang đầu tiên của Mỹ cấm triệt để các nhà bán lẻ bán “bất kỳ sản phẩm tẩy rửa nào có chứa triclosan và được người tiêu dùng sử dụng để vệ sinh hoặc tay và làm sạch cơ thể,” không cho những sản phẩm này nhận được phê chuẩn “không cần kê đơn” của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) – một danh sách bao gồm thương hiệu kem đánh răng Total của Colgate-Palmolive. Năm 2013 FDA tuyên bố sẽ xem xét kỹ hơn về triclosan.
Từ năm 1994, FDA đã xếp xà phòng gia dụng chứa triclosan vào nhóm “nói chung được thừa nhận là an toàn” – không yêu cầu phải thử nghiệm lâm sàng trước khi đưa ra thị trường. Tuy nhiên, qui định mới được đề xuất của cơ quan này sẽ yêu cầu các nhà sản xuất phải vượt qua rào cản cao hơn trước khi phê duyệt, hoặc ghi nhãn lại, hoặc tái cấu trúc lại hoàn toàn sản phẩm. Quyết định cuối cùng của FDA dự kiến sẽ được đưa ra vào tháng Chín.
Không tốt vì quá giống
Vấn đề với triclosan gồm hai khía cạnh.
Một là, trong khi triclosan không được xem là kháng sinh, nó lại có hơi quá nhiều điểm chung với chúng.
“Nghiên cứu cho thấy cơ chế tác dụng của triclosan phần nào tương tự như kháng sinh, bao gồm một cơ chế đặc hiệu tấn công các vi khuẩn gọi là enoyl-acyl carrier protein reductase [enzym],” TS. Allison E. Aiello, chuyên gia dịch tễ tại trường Đại học Bắc Carolina giải thích. Ông cũng lưu ý rằng chất này có thể tiêu diệt nấm và virus theo những cơ chế không đặc hiệu. Triclosan ức chế enzyme được tìm thấy trong một số, nhưng không phải tất cả vi khuẩn như E. coli, ngăn không cho vi khuẩn phát triển thêm nữa bằng cách cản trở khả năng tạo ra thành tế bào khỏe mạnh.
Tuy nhiên vi khuẩn còn có việc gì khác để làm ngoài chuyện tìm cách sống sót, và một số cuối cùng trở nên kháng với triclosan bằng cách xây dựng tuyến phòng thủ của chúng. Không may là vì nhiều thuốc kháng sinh như isoniazid cũng nhắm vào enzym đặc hiệu này, những vi khuẩn này vô tình trở nên kháng với kháng sinh. Nó cũng có thể tạo điều kiện cho những thay đổi gián tiếp khác của vi khuẩn “mà về cơ bản sẽ khởi động những cơ chế cơ chế cho phép kháng chéo với các kháng sinh dùng điều trị bệnh ở người,” TS Aiello thêm. Một ví dụ về những thay đổi này là sự hình thành cơ chế “bơm ngược dòng” cho phép vi khuẩn “nôn ra” thuốc kháng sinh trước khi thuốc có thể giết chết chúng.
“Chúng ta đã có mức độ kháng kháng sinh khá cao trong cộng đồng, những vấn đề với kháng đa thuốc, vì vậy sẽ rất đáng ngại khi có những thành phần” giống như triclosan trong cuộc sống hàng ngày”, TS Aiello nói. Vấn đề không chỉ ở trong các gia đình, vì bằng chứng cho thấy việc sử dụng triclosan trong cá nhân hộ gia đình khởi động sự kháng chéo còn hạn chế, mà còn với hàng tấn triclosan thoát khỏi các nhà máy xử lý nước thải và thường xuyên tràn vào sông hồ và đất. Trong môi trường này, những quần thể vi khuẩn lớn được gọi là màng sinh học (biofilm) kết tụ lại với nhau, và các chuyên gia sợ rằng khi các màng sinh học liên tục tiếp xúc với triclosan và các kháng sinh khác, chúng sẽ dần dần trở thành những “nồi ủ” vi khuẩn kháng thuốc.
Hiệu quả tiềm năng của triclosan đối với vi khuẩn đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của khoa học trong những năm qua, nhưng vẫn chưa được chứng minh đầy đủ.
Các nghiên cứu đã chỉ ra triclosan có thể làm rối nhiễu sản xuất hoóc môn và làm suy giảm hoạt động của cơ tim; cả hai đều có vẻ đáng lo ngại khi xét rằng chừng 75% dân số có chất này, ít nhất là ở dạng vết – trong cơ thể, theo Trung tâm Phòng chống bệnh Mỹ (CDC). Nhưng các nghiên cứu gần như mới chỉ được thực hiện trên động vật, và chưa có bất kỳ bằng chứng rõ ràng nào của những tác động này trên người. Điều này không có nghĩa là triclosan không thể gây hại, mà nó chỉ có nghĩa là chúng ta chưa thực sự biết nó có gây hại hay không.
Những rắc rối không đáng có
Vấn đề lớn thứ hai với xà phòng kháng khuẩn mà chúng ta đã khá chắc chắn là nói chung chúng không xứng đáng với giá tiền đã bị thổi phồng.
Năm 2007, TS Aiello và các đồng nghiệp đã tiến hành tổng kết các nghiên cứu đã có, và thấy rằng xà phòng kháng khuẩn thương mại không hề tốt hơn xà phòng thông thường và nước trong việc ngăn ngừa bệnh hoặc làm giảm số lượng vi khuẩn trên bàn tay của người sau khi rửa. Gần đây hơn, một nghiên cứu tháng 9 năm 2015 trên những người tình nguyện sẵn sàng bôi vi khuẩn lên tay trước khi rửa bằng một trong hai loại xà phòng cũng đi đến kết luận tương tự.
Tuy triclosan có tác dụng kháng khuẩn, có lẽ thời gian mà mọi người rửa tay thường là quá ngắn để chất này phát huy công dụng. Tương tự, nồng độ triclosan trong phần lớn xà phòng kháng khuẩn chỉ là 0,3%, quá ít để làm được bất cứ điều gì.
Và thực sự đó là lý do lớn nhất khiến các nhà khoa học như TS Aiello lo ngại về xà phòng kháng khuẩn, ít nhất là trong sử dụng hàng ngày. Việc sử dụng loại xà phòng này không mang lại lợi ích thiết thực nào hơn so với xà phòng thông thường.
Tuy nhiên, mặc dù triclosan đã dần ít được ưa chuộng trong những năm gần đây, đã có những “kẻ bắt chước” lăm le thế chỗ của nó, đặc biệt là một nhóm hóa chất được gọi là hợp chất amoni bậc bốn chủ yếu được sử dụng trong các sản phẩm tẩy rửa bề mặt cho mãi đến gần đây. Có những lo ngại tương tự về sự hông dụng ngày càng tăng của chúng.
“Điều đáng ngại là những chất này để lại tồn dư, và chúng cũng tiêu diệt một số loại vi khuẩn này hơn so với những loại khác, vì vậy chúng có thể thay đổi thành phần vi sinh vật trong môi trường,” TS Aiello nói. “Tôi có thể thấy những thành phần sẽ lấp chỗ trống mà triclosan để lại, nhưng vấn đề là chúng ta chưa có những nghiên cứu về các hợp chất này, như ít nhất là chúng ta đã làm với triclosan. Chúng ta sẽ phải tiếp tục theo dõi và nghiên cứu”.
Tuy nhiên, không phải tất cả các sản phẩm kháng khuẩn đều là những chiêu tiếp thị hoặc hiểm họa sức khỏe tiềm tàng. Các sản phẩm vệ sinh tay chứa cồn không có bất kỳ vấn đề gì như với triclosan và không góp phần gây kháng thuốc kháng sinh. Và xà phòng kháng khuẩn vẫn là một công cụ thiết thực, thậm chí thiết yếu, trong bệnh viện và những nơi khác mà những người có hệ miễn dịch kém hơn phải lưu lại trong thời gian dài.
Tuy nhiên, với những người lo lắng về vi trùng trong nhà hoặc nơi làm việc, hóa ra là còn có một cách dễ dàng và không rủi ro để bảo vệ bản thân tốt hơn – chỉ đơn giản là chúng ta chưa khai thác hết lợi thế của nó.
“Với người bình thường, xà phòng thường và nước rất tốt trong việc giảm tác nhân gây bệnh trên bàn tay. Những gì bạn phải làm là đảm bảo rửa tay cho đúng”, TS. Aiello nói. “Không may là hầu hết mọi người không kì cọ tay đủ lâu hoặc làm khô tay đúng cách. Chúng ta cần thấm nhuần điều này cho cộng đồng”.
Điều quan trọng, vì rửa với xà phòng kháng khuẩn chưa được chứng minh mang lại lợi ích khi so với rửa bằng xà phòng thường và nước, nên FDA tiếp tục khuyến cáo người tiêu dùng rửa bằng xà phòng thường và nước để tránh bị bệnh và ngăn chặn sự lây lan của vi trùng.
Chúng ta nên rửa tay trong bao lâu? Gợi ý của TS Aiello là khoảng 20 giây – bằng thời gian bạn hát hai lần bài Chúc mừng sinh nhật.
Cẩm Tú
Theo Medical Daily
Nguồn Dân trí