Tạm ngừng lưu thông 30 tấn cá nục nhiễm độc phenol chờ kiểm nghiệm lại
Trước đó Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng cơ quan chức năng chỉ lấy 6 mẫu cá trong lô 30 tấn hàng này để kiểm tra trong đó có một mẫu cho kết quả cá nhiễm phenol, là số mẫu rất ít và chưa đủ cơ sở để kết luận số cá này có độc. Theo ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng An toàn thực phẩm, nếu hàm lượng phenol là 0,037 mg/kg như kết quả kiểm tra mẫu cá của Quảng Trị, thì theo chuẩn một người trưởng thành mỗi ngày ăn 200 g cá, ăn hằng ngày với liều lượng phenol này cũng không gây hại sức khỏe.
“Phenol là chất độc nhưng không phải cứ có mặt trong thực phẩm là gây độc mà chỉ khi ở liều lượngnhất định”, ông Long khẳng định.
Quan điểm của Cục An toàn thực phẩm, về tính độc hại của phenol với sức khỏe, theo các nghiên cứu trên thế giới, hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy phenol gây ung thư. Liều gây chết 50% sinh vật thử nghiệm (chuột) là 300-600 mg trên một kg thể trọng. Hiện nay các tài liệu Codex, Liên minh châu Âu, Mỹ, Nhật Bản chưa quy định mức giới hạn phenol trong hải sản.
Ông Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế. |
Một số nghiên cứu của Cơ quan quản lý thực phẩm châu Âu cho thấy lượng phenol ăn vào hàng ngày của cơ thể người qua thực phẩm ở 0,18 mcg/kg thể trọng trên một ngày là an toàn. Theo ông Long, như vậy với kết quả phenol 0,037 mg/kg như Quảng Trị công bố, nếu trung bình một người Việt nặng 50-55 kg, mỗi ngày ăn 2 lạng cá có phenol, ăn hàng ngày, thì vẫn ở dưới 0,18 mcg nên không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, nói: “Phenol có thể tan trong nước, bài tiết một phần qua da và nước tiểu nên ăn lượng nhỏ không quá đáng ngại”. Song tiến sĩ Thịnh khuyến cáo nếu cẩn trọng, khi mua cá về bà nội trợ nên để rã đông tự nhiên, sau đó ngâm và rửa dưới nước sạch, nước ấm nhiều lần, nếu có phenol sẽ tan ra. Đặc biệt nên vứt bỏ da, các mô xốp như ruột, mang cá vì những mô này dễ nhiễm độc hơn.
Phenol là chất rắn không màu hoặc màu trắng có thể ở dạng dung dịch, được tổng hợp hoặc tạo thành trong tự nhiên. Nó được sử dụng phổ biến trong ngành công nghiệp, cũng có ở nước, không khí… Con người có thể bị phơi nhiễm với phenol qua rất nhiều đường khác nhau như không khí, đất, nước…; ngay trong môi trường làm việc (sản xuất nilon, nhựa).
Đối với thực phẩm, phenol có thể tìm thấy trong xúc xích, thịt gà rán, chè đen lên men… Nó cũng có tự nhiên trong thực phẩm, đặc biệt ở một số trái cây như cà chua, táo, lạc, chuối hàm lượng cao, thậm chí sữa.
Trước đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Trị xác định có chất cực độc phenol trong 30 tấn cá nục đông lạnh. Thông tin này khiến nhiều người dân lo lắng, đồng thời cũng xảy ra sự không thống nhất quan điểm giữa hai bộ y tế và nông nghiệp. Sở Nông nghiệp Quảng Trị nói chất phenol không có trong quy định an toàn thực phẩm, còn Sở Y tế tỉnh này khẳng định phenol là chất cực độc tuyệt đối cấm sử dụng.
Nam Phương
Nguồn vnexpress.net