Bệnh Alzheimer
Tên bệnh Alzheimer được đặt theo tên của giáo sư Alois Alzheimer, một giáo sư người Đức. Năm 1906, giáo sư Alzheimer theo dõi sự thay đổi các tế bào não của một phụ nữ chết vi rối loạn tâm thẫn. Ong nhận thấy có một đám không bình thường (hiện nay gọi là mảng tinh bột) và đám sợi rối (hiện nay gọi là đám rối thần kinh) trong não người bệnh khi mổ tử thi. Ngày nay, mảng tinh bột và đám sợi rối này được coi như là một dấu hiệu của bệnh Alzheimer.
Các nhà khoa học cũng tìm ra những thay đổi khác trên bệnh nhân bị bệnh Alzheimer. Những tế bào thần kinh bị chết ở các vùng khác nhau của não có ảnh hưởng lớn đến trí nhớ và những khả năng khác về tâm thần của con người; đồng thời, khả năng liên kết giữa các tế bào thần kinh cũng bị phá vỡ; các chất dẫn truyền trong các tế bào thần kinh cũng ở mức thấp hơn bình thường. Alzheimer có thể phá hủy chất dẫn truyền thần kinh, làm giảm khả năng suy nghĩ và trí nhớ.
Alzheimer là một bệnh tiến triển chậm, bắt đầu với những dấu hiệu nhẹ về rối loạn trí nhớ và kết thúc bằng các triệu chứng nguy hiểm ở não. Chiều hướng tiến triển của bệnh thay đổi tùy từng bệnh nhân. Trung bình, mỗi bệnh nhân có thể sống từ 8 đến 10 năm sau khi được chẩn đoán xác định, thậm chí có bệnh nhân sống được 20 năm.
Mục lục bài viết
Dịch tễ học
Các nhà khoa học cho rằng có khoảng trên 4,5 triệu người Mỹ mắc bệnh và số lượng người mắc bệnh này sẽ tăng lên gấp 4 lần vào năm 2050. Bệnh thường bắt đầu từ sau tuổi 60 và tính chất của bệnh ngày càng tăng theo lứa tuổi. Trong khi đó, những người trẻ hơn cũng có thể mắc bệnh này nhưng với số lượng ít hơn. Có khoảng 5% bệnh nhân mắc ở lứa tuổi từ 65 đến 74 tuổi và gần 2,5% bệnh nhân ơ lứa tuổi từ 85 trở lên.
Tuy nhiên, bệnh Alzheimer không phải là dấu hiệu bình thường ở người cao tuổi.
Các yếu tố thuận lợi
- Tuổi tác
Bệnh Alzheimer thường ảnh hưởng đến những người trên 65 tuổi nhưng cũng có khi ảnh hưởng tới những người dưới 40 tuổi. Tuổi trung bình được chẩn đoán xác định là khoảng 80 tuổi. Những người mắc bệnh trong độ tuổi từ 65 đến 74 tuổi chiếm khoảng dưới 5%. Đối với những người già từ 80 tuổi trở lên thì con số này lên tới gần 50%.
- Di truyền
Những người có quan hệ huyết thống với những người mắc bệnh Alzheimer (cha mẹ, anh chị em ruột) dễ mắc bệnh này hơn những người không có yếu tố di truyền. Mặc dù mối quan hệ về yếu tố di truyền trong bệnh Alzheimer cho đến nay vẫn chưa giải thích được nhưng các nhà nghiên cứu đã tìm thấy sự biến đổi gen xuất hiện trong một số gia đình. Có ba biến đổi gen được cho là nguyên nhân gây tiền triệu ở bệnh Alzheimer, trong đó gen apolipoprotein (ApoE) đẩy nhanh giai đoạn muộn của bệnh.
- Cách sống
Cũng như những yếu tố thuận lợi gây bệnh tim mạch như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, cách sống cũng có thể làm tăng tốc độ tiến triển của bệnh Alzheimer. Một số nghiên cứu cho rằng để hạn chế sự tiến triển của bệnh, cần luyện tập trí óc thường xuyên.
- Môi trường
Sau các nghiên cứu về bệnh, các nhà khoa học thấy ràng: môi trường vừa là yếu tố thuận lợi làm tăng sự tiến triển của bệnh, vừa có tác dụng ngăn ngừa bệnh.
- Chấn thương sọ não
Đây là một trong những nguyên nhân còn gây tranh cãi giữa các nhà khoa học trong hành trình đi tìm nguyên nhân gây bệnh.
- Sự thay đổi hormon
Một số nhà khoa học cho rằng sự thay đổi của hormon trong cơ thể ở giai đoạn lão hóa có liên quan tới sự hình thành và tiến triển của bệnh. Tuy nhiên, vấn đề này cũng còn đang gây tranh cãi.
Bảy dấu hiệu báo trước của bệnh Alzheimer
- Hỏi đi hỏi lại những câu hỏi giống nhau.
- Nhác đi nhắc lại một câu chuyện hoặc một từ nào đó.
- Quên cách làm những việc trước đây có thể làm một cách dễ dàng và thường xuyên như: nấu ăn, chơi bài…
- Không có khả năng tự chi trả cho bản thân hoặc tra cứu sách.
- Quên những nơi xung quanh nhà mình hoặc địa chỉ nhà mình.
- Không tắm rửa, không thay quần áo trong khì đó lại nghĩ rằng mình đã tắm rồi hoặc quần áo mình đang mặc vẫn còn sạch.
- Dựa dẫm vào một ai đó (như chồng hoặc vợ) để đưa ra những quyết định hoặc trả lời những câu hỏi mà trước đây họ có thể tự giải quyết được.
Tuy nhiên, nếu một số người có một vài hoặc tất cả các dấu hiệu của bệnh thì không có nghĩa là người đó đã mắc bệnh. Để chẩn đoán xác định, cần phải có ý kiến của các nhà thần kinh học, tâm thần học, bệnh học nội khoa…
Các giai đoạn của bệnh Alzheimer
Đặc điểm của bệnh Alzheimer là ngày càng nặng lên, các triệu chứng của bệnh ngày càng biểu hiện rõ. Cùng với sự tăng lên của các triệu chứng, bệnh được phân chia thành ba giai đoạn:
Giai đoạn đầu:
- Khả năng nhớ và khả năng trí tuệ bị ảnh hưởng ngày càng nặng. Người bệnh dường như ngày càng quên nhiều hơn và quên rất nhanh những sự việc xảy ra trong thời gian gần.
- Bệnh nhân không thể tìm đúng từ, không hiểu cuộc trò chuyện hoặc không thể giải thích các sự kiện mà họ đang chứng kiến. Sau đó bệnh nhân bắt đầu phải sử dụng tới tiếng hét và xúc giác để tiếp xúc với cộng đồng.
Các hoạt động thường ngày như dùng đũa, thìa hoặc mặc quần áo ngày càng trở nên khó khăn.
- Người bệnh dường như mất đi sự khéo léo và khả năng hợp tác.
- Hay quên.
Giai đoạn giữa:
- Những người mắc chứng sa sút trí tuệ chuyển dần từ hay quên đến rối loạn trí nhớ.
- Người bệnh ngày càng mất khả năng điều khiển cơ thể và trí óc.
- Việc mất dần trí nhớ làm người bệnh không nhận ra ai đang nói với họ. Vốn từ của họ trở nên hạn chế và khi nói, các từ chồng chéo lên nhau, âm tiết ngập ngừng và câu nói trở nên ngắn.
- Người bệnh không còn có khả năng tiếp nhận những thông tin trong hiện tại nhưng những ý kiến của họ lại mang tính chủ quan và bảo thủ.
- Mất hứng thú trong công việc: người bệnh thường không còn hứng thú trong công việc, tất cả những công việc mới đều trở nên nhàm chán trong một thời gian ngắn và họ dễ dàng có những phản ứng nếu yêu cầu họ tiếp tục làm những công việc đó.
- Lo âu và ám ảnh: những người bệnh thường có thái độ lo lắng quá độ về một việc bình thường nào đó hoặc bị ám ảnh về những sự việc không có thật.
- Thái độ hay gây sự: người bệnh dễ phản ứng bằng thái độ khó chịu với một sự kiện nào đó có thể gây phiền phức cho họ,
Giai đoạn cuối:
- Bất lực: trong giai đoạn cuối (còn gọi là giai đoạn nặng của bệnh Alzheimer) người bệnh ngày càng trở nên bất lực và phụ thuộc. Việc giao tiếp với thế giới bên ngoài ngày càng trở nên khó khăn vì ngôn ngữ giao tiếp ngày càng khó hiểu. Trí nhớ của họ giảm dần và có những hành động lặp đi lặp lại có thể gây nguy hiểm như: lắc lư thân mình, cởi quần áo, đi lên đi xuống cầu thang liên tục…
- Ngã: cùng với sự cứng đờ của cơ thể, những rối loạn dáng đi làm cho người bệnh trở nên dễ ngã. Đây thường là hậu quả của việc nằm trên giường trong một thời gian dài.
- Vệ sinh: những người mắc bệnh Alzheimer thường quên cách vệ sinh cơ thể như: quên cách gội đầu, đánh răng và thay quần áo. Mặc dù chưa làm vệ sinh cơ thể nhưng người bệnh lại cho rằng họ đã làm việc đó rồi. Thỉnh thoảng, người bệnh không thể tìm thấy đường vào nhà vệ sinh hoặc không thể vệ sinh sạch cơ thể. Dần dần, những người mắc chứng sa sút trí tuệ và những người mắc bệnh Alzheimer không có khả năng điều khiển việc vệ sinh của họ, từ đó xảy ra tình trạng đại tiểu tiện không tự chủ.