Bác sĩ rơi nước mắt sau đêm cấp cứu nạn nhân vụ xả súng ở Mỹ
Vụ xả súng ngày 12/6 tại câu lạc bộ đêm Pulse ở Orlando (Mỹ) đã trở thành khủng hoảng y tế cộng đồng, Reuters viết. Bác sĩ William Havron, một trong những chuyên gia tham gia cấp cứu các nạn nhân đã chia sẻ về trải nghiệm kinh hoàng của mình. Dưới đây là lược dịch phần tâm sự của ông được Cosmopolitan đăng tải.
“Tôi vừa chìm vào giấc ngủ sau khi cho con trai 4 ngày tuổi ăn thì điện thoại reo. Lúc đó là hơn 2h sáng chủ nhật. Tôi không trực vào hôm ấy nên biết chắc đã xảy ra điều gì tồi tệ.
‘Có một vụ xả súng. Tay khủng bố vẫn tiếp tục’, đồng nghiệp của tôi là bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình Chad Smith nói trong điện thoại. ‘Sẽ có khoảng 20 bệnh nhân. Anh đến được không?’.
‘Tất nhiên rồi’, tôi trả lời.
Tôi đánh thức vợ để thông báo mình chuẩn bị đến bệnh viện. Cô ấy bật tivi xem tin tức vụ việc nhưng chẳng thấy gì. Vợ tôi đôi chút hoảng sợ rồi chào tạm biệt.
Tôi mở radio trên đường lái xe, vẫn không có thông tin. Đến Kaley Street, tôi thấy một biển đèn báo động xanh đỏ nhấp nháy. Orange Avenue, con đường phía trước các câu lạc bộ đêm, đầy xe cảnh sát.
Trái tim tôi trĩu nặng.
Bác sĩ William Havron (bìa phải) kể về trải nghiệm kinh hoàng của mình. Ảnh: Cosmopolitan. |
Tới bãi đỗ xe của Trung tâm Y tế Orlando, tôi gặp một trong những người quản lý. Lo lắng tay súng tiếp tục tội ác, ông ấy bảo tôi chạy ngay vào nhà. Ai đó đã nghe thấy tiếng súng bên ngoài bệnh viện nên họ lo lắng kẻ khủng bố đã đến. May mắn, vài phút trôi qua, chúng tôi nhận ra mình an toàn. Tôi gọi cho vợ và nghe cô ấy thở phào.
Ở trong bệnh viện, hệ thống cấp cứu đã sẵn sàng. Smith phụ trách phòng cấp cứu còn người đứng đầu khoa phẫu thuật là Michael Cheatham ra lệnh, giám sát. Tôi cùng 2 bác sĩ túc trực trong phòng mổ và nhanh chóng nhận bệnh nhân. Cả đêm, chúng tôi phẫu thuật hết từ người này đến người nọ. Tổng cộng tôi mổ 6 ca. Bác sĩ, y tá, quản lý, người dân và cả kỹ thuật viên được huy động. Đó là một sức mạnh không thể tưởng tượng nổi. Bình thường chúng tôi chỉ dùng 2 phòng phẫu thuật nhưng hôm đó cả 6 phòng được sử dụng hết công suất. Vừa hoàn thành khóa học về đối phó với xả súng hồi tháng 3 nên mọi người chuẩn bị và xử lý suôn sẻ.
Trung tâm Y tế Orlando là một trong những cơ sở bận rộn nhất nước Mỹ nên không hiếm ngày 6-7 nạn nhân bị thương do súng bắn nhập viện cùng lúc. Thế nhưng 44 người được đưa tới chỉ sau vài tiếng đồng hồ như hôm ấy là điều chưa từng xảy ra. Chúng tôi điều trị những vết thương ở đầu, ngực, bụng, tứ chi nạn nhân; chẳng khác nào thời chiến tranh.
Chúng tôi không xem bản tin mà nghe kể từ cảnh sát cùng đồng nghiệp. Nạn nhân được chở đến phòng cấp cứu bằng xe tải của các nhân chứng. Ai cũng cố gắng hết sức để đưa người bị nạn tới bệnh viện chữa trị.
Đêm ấy thật kỳ lạ. Tâm trí tôi biết rằng điều mình đang chứng kiến thật thảm khốc, nhưng không có thời gian để xúc động hay do dự. Tôi chỉ tập trung vào việc giữ mạng sống cho bệnh nhân. Trong số 44 nạn nhân nhập viện đêm đó, 2 người đã tử vong trong phòng cấp cứu, một chết khi đang phẫu thuật. 26 người được mổ đều sống sót.
Chờ bệnh nhân ổn định, chúng tôi mới cập nhật tình hình ở câu lạc bộ Pulse. Vụ thảm sát tồi tệ nhất lịch sử nước Mỹ không mấy ảnh hưởng đến tôi cho tới lúc rời bệnh viện 4h30 chiều chủ nhật. Thời điểm đó, khắp bệnh viện đều là gia đình người bị nạn. Họ tiến hành nhận dạng và thông báo cho các thành viên khác.
Tôi vừa lái xe về nhà vừa tranh thủ nghe bản tin. Đến cửa, tôi ôm vợ và 3 đứa con rồi khóc.
Tôi ước mình có thể xóa bỏ cảm xúc này nhưng cứ nghĩ về các nạn nhân cùng gia đình họ. Chuyện đã xảy ra thật kinh hoàng và sẽ còn tác động đến chúng ta nhiều tháng, nhiều năm nữa. Nó sẽ trở thành vết sẹo cho cả thành phố cùng đất nước này, đặc biệt là cho những ai đã chăm sóc các nạn nhân ấy”.
Minh Nguyên
Nguồn vnexpress.net