Người bệnh bị mất chân, Sở Y tế đủng đỉnh
Không đồng ý với nội dung trình bày nguyên nhân bị cắt chân, bệnh nhân đã khiếu nại lên Sở Y tế tỉnh Bình Dương.
Ông Trần Thanh Hải (50 tuổi, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) trình bày: “Khoảng 18 giờ ngày 13-11-2015, tôi bị thương ở bàn chân trái do tai nạn giao thông và được đưa vào BV Đa khoa Bình Dương. Sau 12 ngày điều trị, chân tôi nhiễm trùng quá nặng nên BV Đa khoa Bình Dương chuyển tôi lên BV Chợ Rẫy (TP.HCM). BV Chợ Rẫy đã phải cắt cụt chân tôi. Sau đó, tôi khiếu nại và đề nghị BV Đa khoa Bình Dương trả lời bằng văn bản”.
Mạch máu thông tốt, sao lại bị hoại tử?
Trong công văn trả lời, ông Văn Quang Tân, Giám đốc BV Đa khoa Bình Dương, cho rằng kết quả chẩn đoán ghi nhận ông Hải bị gãy mắt cá trong chân trái, trật khớp gối chân trái và đã tự nắn, tắc động mạch kheo chân trái, chấn thương cẳng chân trái lóc da ngầm diện rộng. Bác sĩ (BS) giải thích cho gia đình ông Hải là cần phải phẫu thuật nối mạch máu. Thêm vào đó, trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân đại tiện ngay trên bàn mổ nên yếu tố nguy cơ nhiễm trùng rất cao. Tổn thương tắc mạch máu của bệnh nhân trên bốn giờ nên có nguy cơ hoại tử cơ vùng cẳng chân trái do thiếu máu nuôi. Vì vậy, BS đã rạch giải chèn ép khoan để máu nuôi đến dễ dàng nhằm cứu cơ hoại tử.
Theo ông Tân, trong quá trình điều trị tại BV Đa khoa Bình Dương, bệnh nhân được theo dõi hằng ngày, mạch máu thông tốt. Khi mô cơ xuất hiện hoại tử, BS quyết định mổ cắt lọc mô hoại tử nhưng gia đình không đồng ý và xin chuyển lên BV Chợ Rẫy vào ngày 25-11-2015. Qua ngày sau, BV Chợ Rẫy mổ cắt lọc vết thương và sau đó tiến hành cắt cụt 1/3 dưới đùi.
“Tôi không hiểu ông Tân nói mạch máu thông tốt nhưng sau đó mô cơ lại bị hoại tử. Hơn nữa, BV không hề tham khảo ý kiến gia đình tôi về việc mổ cắt lọc mô hoại tử” – ông Hải nói.
Bị cắt cụt chân trái, ông Hải phải gắn chân giả để đi lại. Ảnh: TRẦN NGỌC
Sở Y tế tỉnh Bình Dương “đẩy đưa”
“Do không đồng ý với nội dung trả lời của BV Đa khoa Bình Dương nên tôi đã gửi đơn khiếu nại lần hai lên Sở Y tế tỉnh Bình Dương từ ngày 5-4 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi”. Vừa nói ông Hải vừa đưa PV xem thông báo đủ điều kiện thụ lý giải quyết khiếu nại lần hai do ông Lục Duy Lạc, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, ký.
Đến thời điểm này, sau 70 ngày Sở Y tế tỉnh Bình Dương vẫn chưa có phản hồi đơn. PV liên hệ với ông Lạc để tìm câu trả lời. Tuy nhiên, ông Lạc đề nghị PV làm việc với ông Nguyễn Tấn Hùng, Chánh Thanh tra Sở Y tế tỉnh Bình Dương. Thế nhưng ông Hùng lại đề nghị liên hệ với phòng Nghiệp vụ của Sở.
PV tiếp tục liên hệ với ông Từ Tấn Thứ, Trưởng phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế tỉnh Bình Dương, ông Thứ cho biết: “Trong tuần này”. Tuy nhiên, được hỏi khi nào có kết quả chính thức để trả lời cho bệnh nhân Hải, ông Thứ đáp: “Chưa biết, vì còn phụ thuộc vào các thành viên trong hội đồng chuyên môn”.
Nhiều mâu thuẫn khi điều trị cho ông Hải Sau khi xem quy trình điều trị cho ông Hải của BV Đa khoa Bình Dương, một BS chuyên ngành chấn thương chỉnh hình của một BV ở TP.HCM (đề nghị không nêu tên) cho biết có nhiều mâu thuẫn cần làm rõ. Vị này dẫn chứng: Nghiên cứu của BS Nguyễn Vạn Chưởng (BV Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM) cho thấy 89% bệnh nhân bị tắc động mạch kheo điều trị thành công nếu được xử lý sớm trong vòng 6-8 giờ. Trong khi ông Hải được đưa vào BV Đa khoa Bình Dương vào giờ thứ năm nên khả năng cứu chữa thành công rất cao. Theo chuyên môn, bệnh nhân bị gãy tắc động mạch kheo thì điều đầu tiên là mổ thám sát động mạch kheo có thể tắc do cục máu đông trong lồng mạch, bầm dập hoặc đứt đoạn để từ đó có thể nối động mạch hoặc ghép mạch máu. Sau đó mới tiến hành rạch giải áp khoan để dự phòng chèn ép thứ phát. Trong khi đó, BV Đa khoa Bình Dương chẩn đoán ông Hải bị tắc động mạch kheo và giải thích với gia đình là phải phẫu thuật nối mạch máu. Tuy nhiên, khi xử trí BV chỉ rạch giải áp khoan, bỏ công đoạn quan trọng là phẫu thuật nối mạch máu. BV không nối mạch máu nhưng kết quả theo dõi hằng ngày lại ghi nhận mạch máu thông tốt. Điều này quá mâu thuẫn vì mạch máu không nối thì làm sao lưu thông tốt. Mà mạch máu một khi lưu thông tốt thì các mô không thể hoại tử. _________________________________ Đúng là đã trễ. Tuy nhiên, phải có biên bản kết luận của hội đồng chuyên môn thì Thanh tra Sở Y tế tỉnh Bình Dương mới trả lời cho ông Hải được. Thế nhưng việc thành lập hội đồng chuyên môn lại do phòng Nghiệp vụ y của Sở đảm trách. Ông NGUYỄN TẤN HÙNG, Chánh Thanh tra Sở Y tế tỉnh Bình Dương |
Nguồn 24h.com.vn