Lợi ích của trái bơ với người bệnh tiểu đường

Chia sẻ tin này:

Trái bơ tầm thường bị xa lánh nhiều năm trong cơn sốt chế độ ăn không chất béo vào cuối thập kỷ 90, có lẽ cuối cùng đã nhận được vị trí xứng đáng. Loại quả giàu dinh dưỡng này đang nổi lên như một thứ thực phẩm bổ sung lành mạnh cho nhiều chế độ ăn uống khác nhau.

Nhưng những người bị bệnh tiểu đường có thể ăn trái cây này được không? Hóa ra là trái bơ không chỉ an toàn cho người bị tiểu đường, nhưng mà còn hết sức có lợi. Nghiên cứu cho thấy quả bơ giúp người bệnh quản lý bệnh tiểu đường và cải thiện sức khỏe chung.

Chế độ ăn và bệnh tiểu đường

Một chế độ ăn uống lành mạnh là rất quan trọng đối với những người có bệnh tiểu đường. Các thực phẩm mà người bệnh ăn mỗi ngày có thể tác động đáng kể đến cảm nhận và việc kiểm soát bệnh ở họ.

Nói chung, người bệnh tiểu đường nên ăn các loại thực phẩm giúp kiểm soát lượng đường trong máu và mang lại những lợi ích sức khỏe như giảm huyết áp và cholesterol. Đây là một trong những cách tốt nhất để giữ bệnh trong tầm kiểm soát, tránh các biến chứng và sống cuộc sống khỏe mạnh nhất có thể.

Trái bơ là một sự lựa chọn tuyệt vời cho những người bị bệnh tiểu đường vì nó mang lại tất cả những lợi ích này – và có thể còn nhiều hơn.

Trái bơ ảnh hưởng đến đường huyết như thế nào?

Trái bơ có ít carbohydrat hơn nhiều loại trái cây khác.
Trái bơ có ít carbohydrat hơn nhiều loại trái cây khác.

Kiểm soát đường huyết là rất quan trọng đối với người bệnh tiểu đường. Bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng có thể tư vấn cho bệnh nhân lựa chọn những loại thực phẩm chứa ít carbohydrat và đường. Họ cũng có thể khuyến nghị những thực phẩm giúp kiểm soát sự tăng vọt của đường huyết. Trái bơ đáp ứng cả hai yêu cầu này.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, một quả bơ cỡ trung bình chứa khoảng 17g carbohydrat. Để so sánh, một quả táo có 25g carbohydrat và một quả chuối có 27g.

Một phần ăn 1 ounce (38g), tương đương khoảng một phần năm trái bơ, chỉ chứa 3g carbohydrat và chưa đến 1g đường.

Với rất ít carbohydrat, người bệnh tiểu đường có lẽ không cần phải lo lắng về việc quả bơ làm tăng lượng đường trong máu.

Phối hợp quả bơ với các loại thực phẩm khác có thể giúp làm giảm đỉnh đường huyết. Hàm lượng chất béo và chất xơ của quả bơ khiến nó mất nhiều thời gian để tiêu hóa và làm chậm sự hấp thu các carbohydrat khác trong quá trình.

Người bệnh tiểu đường có thể ăn bao nhiêu bơ?

Trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi đáng kể nào về chế độ ăn, bạn nên nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Một trong những điều cần xem xét là tổng lượng calo.

Một quả bơ chứa 250-300 calo, như vậy một phần ăn chỉ có khoảng 50 calo. Những người đang chú ý đến calo để giữ cân hoặc giảm cân vẫn có thể thêm quả bơ vào chế độ ăn. Có thể thực hiện bằng cách chuyển một phần ăn quả bơ thay cho một lượng calo tương tự như phô mai hoặc mayonnaise.

Hội tiểu đường Mỹ (ADA) khuyên nên chú ý đến loại chất béo hơn là số lượng.

Cụ thể, nên hạn chế nghiêm ngặt các chất béo không lành mạnh, bao gồm các chất béo no và chất béo trans, thường được tìm thấy trong thịt mỡ, thức ăn chiên rán, thực phẩm chế biến sẵn và thức ăn nhà hàng.

ADA khuyến khích người bệnh tiểu đường xem xét đưa thêm trái bơ vào chế độ ăn do những chất béo lành mạnh trong loại quả này.

Quả bơ và sức khỏe tim mạch

Quả bơ có đậm độ chất béo và calo cao, nhưng đây không phải là lý do khiến người bệnh tiểu đường né tránh chúng.

Chất béo trong quả bơ chủ yếu là các axit béo không no chuỗi đơn (MUFA),đã được chứng minh là làm tăng cholesterol “tốt” HDL. MUFA cũng làm giảm cholesterol “xấu” LDL và triglycerides, và làm giảm huyết áp.

Có cholesterol, triglyceride, và huyết áp lành mạnh có thể làm giảm nguy cơ bệnh tim và đột quỵ.

Người bị tiểu đường dễ bị bệnh tim và đột quỵ gấp đôi người bình thường. Quan trọng hơn, bệnh tim và đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người bị tiểu đường.

Một lý do nữa khiến MUFA cho bạn thêm vé để đi đến sức khỏe tốt hơn khi sống chung với bệnh tiểu đường. Một nghiên cứu được công bố trên Journal of American College of Nutrition cho thấy những chất béo này có thể giúp kiểm soát đường huyết và insulin máu.

Điều này đặc biệt đúng khi thay thế một số carbohydrat trong chế độ ăn bằng MUFA. Vì vậy, ngoài việc chứa ít đường và carbohydrat, chất béo lành mạnh của quả bơ có thể giúp đường huyết giảm hơn nữa.

Cách chọn bơ chín

Trái bơ có vị béo ngọt, có thể dùng chung với các món salad, bánh mì, đồ ăn ngọt và mặn.

Trái bơ không cần nấu, và tốt nhất là ăn khi chín. Một quả bơ chín sẽ có màu sẫm và nắn hơi mềm.

Nếu quả bơ cứng chắc và có màu xanh, nên để thêm một vài ngày cho nó chín. Quả bơ chín sẽ rụng khỏi cây, và nhiều quả bán tại các cửa hàng cần một thời gian để đạt độ chín lý tưởng.

Dưới đây là một cách để xem quả bơ đã thật sự chín hay chưa:

-Thử rút cuống của quả bơ

-Nếu cảm thấy cuống quả bơ không rút được ra dễ dàng, quả vẫn chưa chín.

-Nếu cuống quả bơ rút ra dễ dàng và lớp da bên dưới có màu xanh, quả bơ đã chín

– Nếu cuống rút ra dễ dàng và lớp da bên dưới có màu nâu, quả bơ có lẽ đã chín quá. Nó có thể có những đốm màu nâu bên trong hoặc thịt quả quá mềm.

Cẩm Tú

Theo MNT

Nguồn Dân trí

Chia sẻ tin này:

Có thể bạn quan tâm

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận