Bài học thứ năm
Rất nhiều bệnh nhân chưa được giải thích tường tận về một cơ chế dược lý rất đơn giản nhưng quan trọng vô cùng.
Những sai lầm trầm trọng khi xử lý trẻ bị tiêu chảy Những tác hại không ngờ khi uống nước chanh giảm cân Bảy loại nước ép đầu bảng cực tốt cho sức khỏe Uống bao nhiêu nước một ngày là đủ? Nước ép củ dền giúp hạ cao huyết áp
Đó là cơ thể một khi thiếu nước và rối loạn chất điện giải thì có nuốt cả lố thuốc thánh cũng bằng không!
Ông bà đã dạy muốn có phong cách văn minh cần “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Trải qua bao đời, lời dặn dò vẫn giữ nguyên giá trị. Biết cách đúng là hay nhưng khéo hơn nữa là đúng kiểu. Chính vì thế nếu muốn sống cho khỏe phải thêm bài học thứ năm về cách… uống! Lý do rất đơn giản. Con người có thể nhịn ăn nhiều ngày nhưng chỉ thiếu nước trong khoảng thời gian ngắn thì thầy thuốc giỏi cũng đành chịu thua.
Bệnh vì cung thấp hơn cầu
Không có gì khó hiểu vì nước chiếm đến 80% tổng lượng của cơ thể bất kể chiều cao hay trọng lượng. Lượng nước bên trong cơ thể dù vậy không bao giờ là một hằng số. Nước chiếm tỉ lệ cao hơn nhiều ở trẻ sơ sinh và giảm nhanh khi tuổi đời càng chồng chất. Tuy công thức hóa học vẫn rất đơn giản, nước lại có vai trò tối quan trọng cho toàn bộ chức năng của cơ thể vì nước vừa là dung môi của hàng trăm ngàn phản ứng sinh hóa, vừa là môi trường vận chuyển từ nội tiết tố cho đến dưỡng chất, kể cả phế phẩm.
Nhu cầu về nước của cơ thể vì thế rất cao, càng cao hơn nữa ở người béo phì, vận động viên, người lao động nặng… Lượng nước trung bình cần thiết cho cuộc sống khỏe mạnh là 40 ml/kg trọng lượng cơ thể người trưởng thành. Lượng này có thể tăng đến 180 ml/kg ở trẻ sơ sinh. Với thói quen uống nước hiện nay của nhiều người thì chỉ tiêu này là con số quá cao!
Cơ thể một khi thiếu nước và rối loạn chất điện giải thì có nuốt cả lố thuốc thánh cũng bằng không!
Thuốc thiếu nước như cá trên cạn
Chưa xong, thiếu nước chính là nguyên nhân khiến nhiều căn bệnh trở nên trầm trọng như trong trường hợp cao huyết áp, sạn thận, thống phong… Bên cạnh biểu hiện bên ngoài như da khô, mau nhăn, mụn nhọt, viêm tấy, đối tượng thiếu nước sớm muộn khó tránh mệt mỏi, chậm chạp, đãng trí, thậm chí vọp bẻ dù không vận động vì rối loạn chất điện giải khi cơ thể thiếu nước. Đợi chi đến bệnh, đây chính là vấn đề của nhiều đối tượng chưa già, thậm chí đang thành công trong cuộc sống nhưng uể oải vì không đủ thời giờ để uống nước cho đúng cách, cho đủ lượng?
Không học khó hành
Muốn học cách uống cho đúng cần nhớ một số nguyên tắc:
1. Bổ sung lượng nước cho cơ thể mà dùng nước ngọt thì mất cả chì lẫn chài vì hệ biến dưỡng ngay sau khi uống phải tiêu dùng lượng nước cao hơn số nước thu nhập để giải quyết lượng đường trong thức uống.
2. Chọn cà phê hay trà khi khát nước chỉ tự làm khổ thân vì chất đắng trong trà và cà phê kích thích hệ tuần hoàn, nghĩa là sau đó tăng bài tiết nước qua đường tiểu. Vào đâu chưa thấy đã ra ngoài.
3. Dùng rượu hay bia để giải khát thì tác dụng vừa mô tả còn trầm trọng hơn nữa. Cơ thể càng lúc càng thiếu nước do đầu ra bao giờ cũng lấn lướt đầu vào.
4. Ba lít nước mỗi ngày là lượng bình thường và an toàn nếu người uống không có bệnh tim thận. Vận động viên, người lao động nặng thậm chí có thể tiêu thụ lượng nhiều hơn, miễn là đừng nín tiểu, miễn là đừng quên chia đều lượng nước uống trong ngày trong khoảng từ sáng sớm cho đến buổi cơm chiều.
5. Đừng uống nước theo cảm giác khát vì khi đó cơ thể đã ở trong tình trạng thiếu nước và rối loạn chất điện giải.
6. Người có bệnh tim mạch, như cao huyết áp, thiểu năng mạch vành… không nên uống nước quá lạnh, dưới 15 độ bách phân, để tránh tình trạng co mạch đột ngột do cơ thể phản ứng bất ngờ trước sự khác biệt nhiệt độ giữa môi trường bên ngoài và khối nước đang di chuyển trong thực quản ngang qua vùng lồng ngực.
7. Người có bệnh bao tử không nên uống nước một lần quá nhanh. Ngược lại, nên uống từng ngụm chậm rãi để tạo phản xạ điều hòa phản ứng xuất tiết dịch vị và nhu động của đường tiêu hóa.
8. Với người tăng mỡ máu, tăng chất sinh sạn khớp acid uric, viêm gan ứ mật, ly nước khoáng khoảng 300 ml, uống buổi sáng sớm lúc bụng còn đói là phương pháp đơn giản nhưng hữu hiệu để giải độc cho cơ thể thông qua tác dụng lợi mật, lợi tiểu và nhuận trường, theo kinh nghiệm của y học cổ truyền Ấn Độ Ayurveda.
Nước bẩn là thuốc độc
Biện pháp đơn giản để chống tình trạng thiếu nước tất nhiên là… uống nước! Nhưng nước uống vào muốn hữu ích thì nước phải sạch, nghĩa là không vướng độc chất trong môi trường như thuốc khai hoang, phân bón hóa học và nhất là các hợp chất có nitrate với khả năng sinh ung thư. Không chỉ uống, muốn cung cấp nước cho cơ thể cũng có thể… ăn nếu biết cách tận dụng các loại rau cải chứa nhiều nước như bông cải, cà tím, dưa leo, ớt bị, măng tây, cà chua hay trái cây thuộc nhóm bưởi, chanh, quít, dưa hấu, thơm.
BS LƯƠNG LỄ HOÀNG
Nguồn Dân trí