Sự “hồi sinh” kỳ diệu của bé bị cắt nhầm bàng quang

Chia sẻ tin này:

Cách đây ba năm, dư luận cả nước rúng động trước thông tin bé trai phẫu thuật thoát vị bẹn lại bị cắt nhầm bàng quang. Số phận cay nghiệt này tưởng như đã an bài với cháu cho tới một ngày…

Sự “hồi sinh” kỳ diệu của bé bị cắt nhầm bàng quang - 1

2 bác sĩ Roberto và Emilio hội chẩn cùng các bác sĩ Việt Nam trước từng ca phẫu thuật

Bù đắp khiếm khuyết không đáng có

Trần Anh Đức (sinh năm 2010) ở Cam Ranh, Khánh Hòa giờ đây đã có thể chạy nhảy tới lớp học. Cha em, anh Trần Mai nhớ lại thời điểm này năm ngoái, Đức đã trải qua cuộc phẫu thuật tái tạo bàng quang do đích thân hai bác sỹ người Italia Roberto DeCastro và Emilio Merlini cùng các bác sỹ ngoại Bệnh viện Nhi đồng 2 thực hiện. Ca phẫu thuật kéo dài 5 tiếng trong nghẹt thở cuối cùng cũng đã thành công như mong đợi của ê-kíp.

Sau phẫu thuật, bé Đức có thể đến trường và chủ động hơn trong việc tiểu tiện. Cứ 3 – 4 tiếng em có thể dùng ống nhựa để cho nước tiểu ra ngoài. Tháng 11/2015, bác sỹ Roberto đã thăm khám lại cho Đức bằng phương pháp gây mê đưa ống Deflux vào để kiểm tra mức độ rò rỉ của bàng quang. (Deflux là phương pháp chích chất Deflux vào miệng niệu quản qua nội soi, giúp miệng niệu quản nhỏ lại và giúp đường hầm dài hơn tạo cơ chế chống trào ngược nước tiểu từ bàng quang lên niệu quản – PV).

Tính đến tháng 6/2016, sau 5 năm ra đời, chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” đã có 9 đợt mời bác sĩ Roberto và các bác sĩ từ Italia, Mỹ đã sang Việt Nam khám tư vấn miễn phí và phẫu thuật cho trẻ em không may. Các bác sĩ đã thực hiện gần 200 ca phẫu thuật miễn phí và khám, tư vấn cho hơn 600 trẻ em không may mang các khiếm khuyết bộ phận sinh dục do bẩm sinh và tổn thương nghiêm trọng.

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, anh Trần Mai cho biết, so với trước khi phẫu thuật, hiện Đức đã tăng cân. “Đáng lẽ năm nay cháu đã vào lớp 1 nhưng do thời gian điều trị kéo dài nên nhận thức cũng kém hơn các bạn cùng tuổi. Tuy đã được tái tạo bàng quang song hiện cứ 3 tiếng Đức lại cần người lớn lấy nước tiểu một lần. Vợ tôi cũng vì thế mà phải nghỉ làm để chăm sóc cháu”.

Nhìn Đức có thể chạy nhảy bình thường, lòng người cha cũng vơi đi phần nào về sự khiếm khuyết không đáng có của con. “Trước khi phẫu thuật, Đức thường xuyên phải nằm viện. Vợ chồng tôi không có cách nào khác phải quấn tã cho cháu. Khi nào tã ướt lại phải thay rửa, vệ sinh. Nỗi lo cháu bị nhiễm khuẩn luôn thường trực”…

Khi được hỏi, Đức có thắc mắc về sự bất thường của mình không, anh Mai ngập ngừng: “Cháu còn nhỏ nên không nhận ra được, vẫn vô tư lắm. Theo thói quen, cứ chạy nhảy vui chơi một lúc rồi lại về nhà bảo người lớn lấy nước tiểu cho…”. Hàng ngày, chăm sóc con từng li không rời, vợ chồng anh Mai chỉ mong đến khi Đức đủ khôn lớn để tự lo cho mình. “Mừng là cháu phẫu thuật thành công nhưng làm sao để chuẩn bị tâm lý cho cháu sau này là việc mà vợ chồng tôi lo lắng nhất”, anh Mai tâm sự.

Không nỡ từ chối cơ hội dù bé nhỏ

Trở lại sự việc, tháng 10/2012, khi mới 21 tháng tuổi, bé Trần Anh Đức được bác sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh chẩn đoán thoát vị bẹn và chỉ định mổ. Vài giờ sau ca mổ tiến hành, bụng cháu bé trướng dần lên, không tiểu được, sức khỏe rất nguy kịch. Khi chuyển lên tuyến trên mổ cấp cứu, bác sĩ tại đây xác định thay vì mổ thoát vị bẹn, bé Đức đã bị cắt nhầm bàng quang. Tiếp sau đó, Đức đã phải chịu liên tiếp hai ca mổ cấp cứu và tạo đường thông tiểu tạm qua thành bụng.

Cuối tháng 12/2012, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế Khánh Hòa tổ chức cuộc hội chẩn liên Việt với sự tham gia của hơn 20 chuyên gia đến từ 9 bệnh viện lớn trong cả nước, bàn các phương án phẫu thuật tái tạo bàng quang cho bé. Hầu hết chuyên gia thống nhất cần mổ sớm cho cháu để tránh nguy cơ nhiễm trùng ngược.

Nhớ lại trường hợp của Đức, chị Trần Mai Anh, người thành lập Chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” kể, tháng 5/2015, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 đã đề cập mời bác sĩ của Chương trình tham gia ca phẫu thuật cho Đức. “Tìm hiểu kỹ thêm về bé, tôi hiểu đây là một trường hợp rất nặng, một ca rất khó, nhất là khi Đức có thể trạng yếu ớt và cân nặng quá ít so với tuổi”, chị Mai Anh nói.

Suy nghĩ rất nhiều, hàng loạt câu hỏi đặt ra trong đầu của Mai Anh: Liệu có thể phẫu thuật thành công được không? Và nếu không thành công, những gì sẽ xảy ra với bé Đức, và với ngay cả chương trình?

“Tôi đã rất sợ. Tỷ lệ rủi ro quá cao. Sợ rằng điều ko may xảy ra, mình sẽ gặp phải nhiều khó khăn trở ngại khi muốn giúp rất nhiều các em bé khác. Tôi hiểu thế nhưng rồi đến phút cuối cùng tôi đã đồng ý. Tôi không nỡ từ chối cho dù cơ hội của Đức là rất bé nhỏ”, người mẹ Thiện Nhân chia sẻ. Và rồi ca mổ “đau tim” ấy cũng đã thành công, Đức dần dần hồi phục trong sự vui mừng khôn xiết của người thân và cả ekip mổ.

Được biết, ngày 19/6, vị Giáo sư người Italia sẽ trở lại TP HCM để thăm khám thêm lần nữa cho Trần Anh Đức.

Nguồn 24h.com.vn

Chia sẻ tin này:

Có thể bạn quan tâm

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận