Cảnh báo dịch bệnh đầu mùa mưa: Trẻ mắc hô hấp, già đau khắp người
Đầu mùa mưa, số người bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ đến khám, điều trị tại các bệnh viện khu vực phía Nam đang có dấu hiệu tăng. Tại Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM, trung bình mỗi ngày có khoảng 6.000 lượt người bệnh đến khám (tăng 17% so với thông thường). Ở các bệnh viện tại TP Cần Thơ, bệnh nhân đến khám bệnh về hô hấp, da liễu, xương khớp, sốt xuất huyết… cũng có dấu hiệu tăng.
Số bệnh nhân tăng
Theo BS Hoàng Đình Hữu Hạnh, Trung tâm Chăm sóc hô hấp (Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM, thời tiết thay đổi từ nắng sang mưa sẽ tạo điều kiện để vi trùng, virus sinh trưởng mạnh, dễ tấn công hệ hô hấp con người. Người dân thường bị cảm sốt, đau nhức mình, ho có đờm… Những đối tượng đang có bệnh mãn tính về hô hấp càng dễ bị các bệnh như: Nhiễm trùng hô hấp trên, viêm họng, thanh quản, phế quản, viêm phổi ở người lớn tuổi. Đối tượng có miễn dịch suy yếu như: Trẻ nhỏ, người lớn tuổi và phụ nữ có thai, dễ mắc các bệnh về hô hấp khi thời tiết thay đổi.
Còn ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Đồng TP Cần Thơ, số lượng trẻ đến khám hàng ngày tăng từ 10 -15%, chủ yếu mắc các bệnh như: Tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường ruột, viêm hô hấp, viêm phổi, viêm phế quản… Theo thống kê trong tuần đầu của tháng 6/2016, có 40.963 trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột khám ngoại trú (tăng 28% so với cùng kỳ) và 621 trẻ nhập viện (tăng 19% so với cùng kỳ); 33.079 trẻ bệnh viêm phổi khám ngoại trú (tăng 104% so với cùng kỳ) và 2.016 trẻ điều trị nội trú. Số trẻ nhập viện điều trị bệnh viêm phế quản tăng 76%.
BS Trần Văn Dễ, Giám đốc bệnh viện cho biết, tính từ đầu năm đến nay có 822 trẻ nhập viện điều trị sốt xuất huyết, tăng gấp 3,4 lần so với cùng kỳ (chưa kể số trẻ khám ngoại trú). Tình hình trẻ bị sốt xuất huyết nặng cũng gia tăng, ngày nào ở Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc của bệnh viện cũng điều trị 4-5 ca bệnh nặng.
Tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, theo BS Nguyễn Minh Nghiêm, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, so với cùng kỳ năm 2015, các bệnh hô hấp, sốt xuất huyết và xương khớp đều tăng (gần 19%). Đặc biệt, tăng nhiều nhất là bệnh sốt xuất huyết, 5 tháng đầu năm 2016, đã có 108 ca.
Riêng tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP Cần Thơ, theo BS Châu Chiêu Hòa, Phó Giám đốc bệnh viện, đầu mùa hè người lớn, trẻ nhỏ khám và điều trị các bệnh tai, mũi, họng tăng lên do thời tiết thay đổi. Lượng bệnh nhân đăng ký phẫu thuật điều trị các bệnh mãn tính cũng tăng.
Theo BS Lê Thái Vân Thanh (Phòng khám Da liễu, Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM), đầu mùa mưa khí hậu tương đối khắc nghiệt đối với làn da. Mưa kèm khí hậu nóng ẩm là “kẻ thù không đội trời chung” của làn da. Cường độ nắng trong môi trường lúc này rất cao. Rải rác các cơn mưa đầu mùa xen kẽ, thưa thớt không đủ cuốn trôi bụi bẩn hay các tác nhân gây bệnh mà ngược lại, còn làm bốc hơi các yếu tố gây hại này lơ lửng trong không khí, khiến da dễ bị tổn thương, viêm nhiễm…
Một bệnh “trở trời” khác là xương khớp. BS Bùi Hồng Thiên Khanh, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM) chia sẻ: “Cùng với mưa, gió chuyển mùa… thời tiết chuyển lạnh khiến các mạch máu ngoại vi co lại, làm giảm cung cấp máu các cơ quan ngoại biên, trong đó có da, cơ, khớp, gây các triệu chứng như: Đau mỏi cơ xương khớp, co cứng cơ vùng vai gáy, thắt lưng. Hơn 90% người bệnh khám tại Khoa Chấn thương chỉnh hình than phiền về bệnh đau khớp. Người bệnh luôn cảm thấy đau nhức các khớp. Không những đau, các khớp còn bị sưng, khó vận động, đặc biệt là sáng sớm. Vào mùa mưa, bệnh viện thường ghi nhận các cụ ông, cụ bà bị gãy cổ xương đùi nhập viện do té ngã vì nền nhà, bậc tam cấp, cầu thang… ẩm ướt, trơn trượt”.
Chủ động phòng bệnh mùa mưa
Để phòng tránh các bệnh về hô hấp, các chuyên gia y tế khuyên người dân, đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi có biện pháp tăng cường hệ miễn dịch như chích ngừa, có khẩu phần ăn tăng cường dinh dưỡng; giữ ấm cơ thể. Mọi người nên vệ sinh cơ thể sạch sẽ, mặc quần áo thoáng mát, tránh dùng quần áo quá dày, có chất len dạ, ni lông làm cho da dễ bị ngứa… Chú ý chống nắng khi làm việc ngoài trời, nếu làm việc trong môi trường ẩm ướt thì nên thường xuyên thay quần áo… để da được khô thoáng.
Theo BS Bùi Hồng Thiên Khanh, lời khuyên tốt nhất để phòng bệnh xương khớp là nên luyện tập thể dục, thể thao mỗi ngày. Luyện tập được xem như một liều thuốc quý, rất có ích đối với sức khỏe con người và công hiệu trong giảm đau nhức. Ngoài ra, chế độ ăn uống hợp lý, giàu vitamin C và E, canxi, uống nhiều nước để duy trì độ trơn giữa các khớp, 2 ly sữa/ngày và mỗi tuần ăn hai bữa tôm, cua để phòng, tránh loãng xương (nguyên nhân thường đi kèm thoái hóa khớp gây đau nhức). Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết tăng cao, BS Trần Văn Dễ lưu ý: “Mới đầu mùa mưa, bệnh sốt xuất huyết tăng nhanh, dấu hiệu đáng báo động. Các bậc cha mẹ cần lưu ý phòng, chống trẻ bị muỗi đốt. Khi trẻ có dấu hiệu sốt cao, mệt mỏi, phát ban… cần đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa nhi khám và điều trị ngay”.
Đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Dự báo thời gian tới, một số dịch bệnh như cúm, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết, thủy đậu… có khả năng xuất hiện nhiều hơn vì đã vào đúng mùa (từ tháng 5 đến tháng 8). Nếu không triển khai tốt các biện pháp phòng chống, nguy cơ dịch bùng phát rất lớn.
Kiểm soát bệnh truyền nhiễm bằng định vị
Theo Sở Y tế TPHCM, từ đầu năm đến nay, số ca bệnh sốt xuất huyết nhập viện cao so với năm ngoái do đỉnh dịch sốt xuất huyết năm 2015 đến muộn. Từ đầu năm đến nay, thành phố có một ca tử vong tại huyện Hóc Môn. Bệnh đang vào giai đoạn cuối mùa dịch, các ổ dịch đã được khống chế. Thành phố vẫn tiếp tục chiến dịch truyền thông diệt muỗi, diệt loăng quăng, kiểm soát điểm nguy cơ phát sinh muỗi, loăng quăng để phòng ngừa muỗi đốt.
Để tăng hiệu quả giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM và Trung tâm GIS (Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM) phối hợp thực hiện dự án ứng dụng hệ thống định vị toàn cầu nhằm thể hiện các ca bệnh truyền nhiễm trên bản đồ. Điều này giúp nhanh chóng khoanh vùng ổ dịch, góp phần lập kế hoạch chống dịch kịp thời, chính xác. Dự án đã được triển khai thí điểm tại 6 trạm y tế phường…
L.Phương
H. Hoa
Nguồn Dân trí