Đuối nước: Những hiểu lầm phổ biến nhất

Chia sẻ tin này:

Từ đầu mùa hè đến nay đã có rất nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm, và theo các chuyên gia, điều này có thể được giảm thiểu nếu mọi người hiểu đúng hơn về cơ chế xảy ra đuối nước, những người có nguy cơ nhất, và lý do tại sao.

Sai: Người bơi giỏi sẽ không bị đuối nước

Hoàn toàn không đúng. Uống quá nhiều rượu bia, sử dụng ma túy, đánh giá quá cao khả năng bơi của mình, và bị sa vào vùng nước xoáy – có thể kéo bạn xuống dưới – tất cả đều nguy hiểm, ngay cả với người lớn bơi giỏi.

Rượu bia đóng vai trò trong khoảng 70% số trường hợp chết đuối ở thanh thiếu niên và người lớn. Rượu bia ảnh hưởng đến thăng bằng, khả năng phán đoán và phối hợp, và hậu quả này càng tăng lên dưới tác động của tiết trời nắng nóng. Thậm chí những tay bơi già dặn nhiều kinh nghiệm cũng cần có bạn bơi cùng.

Sai: Chết đuối “khô” hay “chết đuối thứ phát” chỉ là tưởng tượng

Sự thật là chúng ta có thể bị chết đuối sau khi đã ra khỏi nước, mặc dù các chuyên gia cho rằng thuật ngữ “chết đuối khô” và “chết đuối thứ phát” đã lỗi thời.

“Chết đuối khô” dùng để chỉ việc hít phải một lượng nước nhỏ trong khi vùng vẫy và sau đó gây ra những vấn đề về hô hấp khi đã ra khỏi nước. “Chết đuối thứ phát” đề cập đến tình trạng khó thở sau khi vùng vẫy trong nước, do dịch ứ đọng trong phổi.

Cả hai tình trạng này đều hiếm xảy ra, chiếm khoảng 1 – 2% tổng số vụ tai nạn đuối nước.

Tuy nhiên, điều quan trọng là phải biết rằng các vấn đề về hô hấp có thể diễn ra nhiều giờ sau khi vùng vẫy trong nước và cần được trợ giúp y tế.

Sai: Người đang bị đuối nước sẽ kêu cứu và vùng vẫy

Không phải luôn như vậy. Đuối nước thường được gọi là kẻ giết người thầm lặng. Bạn có thể thậm chí không nhận ra mình đang gặp rắc rối trước khi bị chìm dưới nước, và điều này đặc biệt đúng với trẻ em.

Trẻ em bị đuối nước thường không thể nêu cứu – mọi cố gắng của trẻ đều tập trung vào việc ngoi lên mặt nước. Thậm chí chúng còn không thể chới với, mà chỉ đơn giản là chìm xuống.

Người lớn bơi kém hoặc không biết bơi cũng giống như vậy. Những người bơi tốt thường sẽ chới với – họ có thể khua nước bằng tay và có thể gào thét kêu cứu.

Sai: Trẻ em hay bị đuối nước hơn người lớn

Trẻ em có khả năng bị đuối nước cao hơn so với người lớn, nhưng khi nhìn vào con số thực tế thì nhiều người lớn bị chết đuối hơn. Điều đó một phần là do số ngươ]ì trưởng thành trong dân số đông hơn.

Đối với trẻ em dưới 5 tuổi, đuối nước là nguyên nhân thứ hai dẫn đến tử vong do thương tích sau tai nạn giao thông.

Sai: Đuối nước luôn gây tử vong

Hầu hết mọi người đánh đồng đuối nước với cái chết, nhưng các chuyên gia y tế nhìn nhận nó theo cách khác. Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa đuối nước là tình trạng khó thở do bị chìm dưới nước.

Sau khi điều này xảy ra, một số người chết, nhưng một số có thể qua khỏi.

Thống kê về đuối nước không tử vong rất hiếm, nhưng các chuyên gia ước tính số người bị đuối nước không tử vong nhiều gấp 4 lần số người chết do đuối nước.

Thương tích do đuối nước có thể dẫn đến tổn thương não nghiêm trọng và hậu quả lâu dài, bao gồm những vấn đề về trí nhớ và giảm khả năng học tập.

Tổn thương não có thể xảy ra nhanh chóng, cho dù đuối nước có gây tử vong hay không. Sau 7 phút không có ôxy, tổn thương não không thể phục hồi, và sau 15 phút não sẽ chết hoặc tổn thương nặng nề không thể hồi phục. Thiếu ôxy là khía cạnh nguy hiểm nhất của đuối nước, và não là cơ quan nhạy cảm nhất.

Sai: Phao tay có thể bảo vệ trẻ nhỏ và người không biết bơi

Phao tay – loại trang bị được bơm đầy hơi và đeo vào cánh tay – nguy hiểm ở chỗ nó mang đến ấn tượng rằng đứa trẻ không biết bơi sẽ an toàn trong nước. Nó tạo ra cảm giác sai lầm về sự an toàn.

Không phải là cha mẹ không nên sử dụng loại trang bị này, mà là đừng phó mặc cho chúng. Trẻ có mang phao tay, giống như mọi đứa trẻ khác, cần được giám sát liên tục.

Trẻ cũng có thể mặc áo phao, và cha mẹ cần chắc chắn rằng nó là một thiết bị cứu hộ đã được phê duyệt.

Nhiều chuyên gia khuyên người lớn cần đóng vai trò “người canh chừng” khi trẻ bơi, và khi làm việc này, cần luôn để mắt đến mặt nước (chứ không phải vào điện thoại di động hoặc máy tính) và không rời khỏi chỗ đó cho đến khi có người thay. Trẻ có nguy cơ cao bị đuối nước khi có đông người lớn xung quanh mà không rõ ai là người chịu trách nhiệm canh chừng chúng.

Sai: Phụ nữ hay bị đuối nước hơn nam giới

Gần 80% số ca chết đuối là nam giới. Nam giới dễ có những hành vi nguy hiểm hơn và thường đánh giá quá cao năng lực của mình, cùng như có xu hướng uống rượu nhiều hơn.

Cẩm Tú

Theo WebMD

Nguồn Dân trí

Chia sẻ tin này:

Có thể bạn quan tâm

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận