Chuyên gia hàng đầu khuyến cáo: Muốn ung thư không gõ cửa, cần tránh xa 4 điều
Tránh xa được những điều này, ung thư vú sẽ không gõ cửa đến bạn, đó là những chia sẻ của PGS TS Phạm Duy Hiển – Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện K Trung ương.
Kẻ giết người không rõ nguyên nhân trực tiếp
Theo PGS Hiển ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ đặc biệt ở các nước phát triển. Tình trạng gia tăng ung thư vú dường như song hành với lối sống hiện đại.
Tại Việt Nam, nếu những thống kê của đầu những năm 2000 cho thấy tỷ lệ này vào khoảng 16/100.000 phụ nữ thì hiện nay con số này đã là 29/100.000.
Ghi nhận ung thư Việt Nam cho thấy các thành phố lớn( Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh) có tỷ lệ mắc cao hơn các tỉnh, thanh phố khác (Thái Nguyên, Hải Phòng, Huế và Cần Thơ).
Cũng như phần lớn các loại ung thư khác, người ta vẫn chưa tìm được nguyên nhân trực tiếp gây ung thư vú.
Nhiều nghiên cứu ở các quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau người ta chỉ tìm thấy mối liên quan chặt chẽ giữa một số yếu tố từ môi trường xung quanh cũng như nội tại cơ thể với ung thư vú gọi là yếu tố nguy cơ ngoại sinh và yếu tố nguy cơ nội sinh.
Các yếu tố nội sinh là những yếu tố nguy cơ khó thay đổi như di truyền, nội tiết tố… Tuy nhiên, trong một số trường hợp cũng cso thể thay đổi các yếu tố nội sinh. PGS Hiển khuyên phụ nữ nên sinh con, đừng sinh con quá muộn, nên cho con bú 24 tháng để giảm thiểu các yếu tố nội sinh gây ung thư vú.
Về các yếu tố ngoại sinh, PGS Hiển chỉ ra: 80% ung thư nói chung cũng như ung thư vú liên quan trực tiếp với các yếu tố này, đặc biệt là môi trường sống. Tỷ lệ phụ nữ mắc ung thư vú cao ở các nước phát triển là một minh chứng.
Có thể lối sống hiện đại như hút thuốc lá, uống rượu bia, chế độ ăn uống nhiều năng lượng ít rau xanh hoa quả tươi và các chất xơ, các thuốc tránh thai, nạo phá thai, vấn đề sinh đẻ, nuôi con bằng sữa mẹ, sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm công nghiệp… chính là nguyên nhân làm tăng tỷ lệ ung thư.
Thậm chí có nghiên cứu cho biết ô nhiễm ánh sáng( light pollution) cũng khiến căn bệnh này gia tăng.
Thuốc lá, thuốc tránh thai, bia rượu – kẻ đồng hành của căn bệnh ung thư vú
Theo PGS Hiển, trong các yếu tố ngoại sinh gây ung thư vú, có 4 vấn đề lớn được quan tâm:
Thứ nhất: Hút thuốc lá
Mối liên quan giữa việc hút thuốc lá cả chủ động lẫn thụ động với ung thư vú phụ nữ đã được nghiên cứu trong nhiều thập kỷ nay tại nhiều các trung tâm lớn trên toàn thế giới, nhất là ở Mỹ, Anh, Canada…
Các kết quả thu được chỉ ở mức thống nhất rất hạn chế. Tuổi bắt đầu hút thuốc càng sớm, thời gian hút càng dài, hút thuốc trong thời kỳ mang thai có mối tương quan tương đối với ung thư vú, nguy cơ tăng lên đến 35-50%.
Có nghiên cứu thấy hút thuốc thụ động lại có mối liên quan chặt chẽ hơn hút thuốc chủ động, có nghiên cứu lại thấy ngược lại. Tuy rằng 2/3 số bệnh nhân tử vong vì ung thư có liên quan đến hút thuốc lá nhưng vai trò của hút thuốc với ung thư vú lại chưa được khẳng định chắc chắn.
Có thể vai trỏ của hút chỉ phát tác khi phối hợp với các yếu tố nguy cơ khác như rượu, hay trên cơ địa có bộ gen dễ tổn thương…
Thứ hai: Lạm dụng rượu bia với ung thư vú
Người ta nghĩ rượu chỉ liên quan đến ung thư gan, ung thư tuỵ… Tuy nhiên, một nghiên cứu trên 1,2 triệu phụ nữ trung niên ở Anh Quốc đã đưa ra kết luận nếu mỗi ngày uống 2 đơn vị cồn (1 đơn vị tương đương 10 ml rượu mạnh hay 330ml bia) thi khả năng mắc ung thư tăng lên 8% so với phụ nữ chỉ uống mỗi ngày 1 đơn vị. Nếu uống hơn 2 đơn vị mỗi ngày khả năng này tăng thêm 1,1% nữa.
Cơ chế liên quan rượu bia với ung thư vú người ta cho rằng rượu bia kích thích tiết nội tiết tố nữ (estrogen& androgen) mà 65-70% ung thư vú phát triển phụ thuộc nội tiết này và làm tăng khả năng di căn ung thư vú.
Bên cạnh đó, rượu bia kích hoạt các chất gây ung thư làm tổn thương nhu mô tuyến vú. Các chất chuyển hoá của rượu bia như Acetethanol gây tổn thương DNA của tế bào tuyến vú.
Thứ 3: Thuốc tránh thai đường uống
Dùng thuốc tránh thai đường uống kéo dài, thường xuyên trên 5 năm làm tăng khả năng mắc ung thư vú lên 1,5 lần, trên 10 năm tăng lên 2 lần so với người không dùng. Nhưng nếu dừng không dùng sau 5 năm khả năng mắc bệnh trở lại như người bình thường.
Nạo phá thai dường như không làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú. Phụ nữ dùng nội tiết hỗ trợ ở tuổi tiền mãn kinh trên 5 năm ( Estrogene+Prolactine) cũng có nguy cơ cao hơn.
Thứ 4: Chế độ dinh dưỡng và ung thư vú
Có thể chế độ ăn uống dẫn đến béo phì làm tăng nguy cơ ung thư vú. Phần lớn bệnh nhân ung thư vú có chỉ số khối cơ thể (MBI) lớn hơn 23.
Chế độ ăn nhiều chất béo thiếu rau xanh, hoa quả tươi, thiếu các vi chất mà chỉ có ở hạt ngũ cốc nguyên vẹn, thiếu iod… chính là một chế độ dinh dưỡng mất cân đối phổ biến hiện nay.
Chỉ số cholesterol máu cao, bệnh tiểu đường cũng là yếu tố nguy cơ với ung thư vú. Lối sống ít hoạt động thể chất, làm việc trong môi trường có nhiễm phóng xạ hoặc đã được điều trị bằng phóng xạ vào vùng ngực cũng làm tăng khả năng mắc bệnh.
Nguồn soha.vn