Người trẻ Việt “tám dữ” thể thao trên “phây” nhưng… miễn tập
Rất nhiều bạn bè của tôi ở Sài Gòn nói con họ thà ở nhà chơi game trên iPad hay xem phim trên iPhone chứ không đi đến công viên, các trung tâm thể thao để vận động.
Học sinh chơi bóng rổ ở CLB TDTT Nguyễn Du – Ảnh: H.Đ. |
Ở TP.HCM, tôi thấy nhiều người thức dậy, đến quán cà phê để gặp gỡ bàn bè, cập nhật tin tức thời sự trước khi đi làm. Nhiều người còn cầm điếu thuốc trên tay trước khi ăn sáng.
Và đến khi tan sở thì rất nhiều người đến quán nhậu để bàn bạc công việc kinh doanh hoặc tụ tập bạn bè uống bia giải khuây trước khi về nhà. Đây là một vòng tròn thói quen đầy nguy hiểm…
Dành quá nhiều thời gian cho Internet
Tôi thấy không ít học sinh VN dành nhiều thời gian chơi game online hơn là cùng bạn bè đi chơi thể thao bên ngoài.
Còn sinh viên, thanh niên đã đi làm thì lướt web hàng giờ liền, cập nhật thông tin, phiếm đủ chuyện, kể cả thể thao, sức khỏe trên các trang mạng xã hội như Facebook, Skype hoặc tán gẫu trên các phần mềm nhắn tin. Điều này dẫn đến chiều cao và thể lực của thanh niên VN khiêm tốn so với bạn bè cùng trang lứa ở một số nước trong khu vực.
Ngoài ra, học sinh Việt Nam thường chú tâm quá nhiều vào việc học và không quan tâm đến việc chơi thể thao hay các hoạt động thể chất. Trong khi đó, các hoạt động này giúp các em cải thiện sức khỏe, giải tỏa căng thẳng, xây dựng sự dạn dĩ, tự tin và giúp các em cảm thấy có nhiều năng lượng và quyết tâm hơn trong cuộc sống hàng ngày.
Nếu nhà trường và phụ huynh không quan tâm đến các em và giúp các em kết hợp cân bằng giữa việc học, tham gia các hoạt động ngoại khóa và chơi thể thao thì chúng ta đang đẩy trẻ đến với các nguy cơ béo phì, bệnh tim mạch, tiểu đường… và trở thành người thiếu giao tiếp xã hội.
Ở Mỹ, có những công viên và trung tâm trẻ như YMCA – nơi mà mọi người có thể đăng ký tham gia các môn thể thao. Ở đó có đội ngũ huấn luyện viên để hướng dẫn bạn tập luyện đúng cách và an toàn. Những trung tâm trẻ này giúp kết nối thế hệ trẻ và phụ huynh thành một cộng đồng thông qua hoạt động thể thao.
Hướng con cái chơi thể thao từ nhỏ
Nếu người lớn nghĩ rằng giáo dục đến từ việc đọc, viết, làm toán, học tiếng Anh hay khoa học thì rõ ràng là đang mắc sai lầm. Chúng ta cần kết hợp các môn học ấy với những khóa học khác như nghệ thuật, âm nhạc và thể thao để người trẻ phát triển toàn diện.
Bằng cách đăng ký cho con em bạn học một môn thể thao từ nhỏ, bạn sẽ giúp chúng học hỏi được những kỹ năng quan trọng có ích cho cuộc sống hiện tại cũng như trong tương lai.
Các kỹ năng các em có được như tinh thần đồng đội, kỹ năng lãnh đạo, chăm chỉ, tự thúc đẩy bản thân, kỹ năng lắng nghe, tự tin và những kỹ năng xã hội khác… Nếu chúng ta để ý thì đó là những điều mà các công ty tìm kiếm khi xem xét tuyển dụng một ứng viên.
Theo tôi, muốn hướng cho con em chơi thể thao, phụ huynh nên bắt đầu bằng việc chuẩn bị một số điểm như sau:
Thứ nhất, gia đình đóng vai trò rất quan trọng. Việc cả nhà cùng nhau có một lối sống lành mạnh là vô cùng cần thiết. Hãy dành ít nhất một hoặc hai lần/tuần để đến sân tập với con mình (chạy bộ, tập thái cực quyền vào buổi sáng hoặc chỉ là 20 phút yoga nhẹ nhàng, kết hợp các bài tập giãn cơ).
Thứ hai, hãy liên hệ các trung tâm, công viên ở địa phương để xem họ có những hoạt động thể thao nào cho cộng đồng. Phụ huynh nên đến xem qua các lớp học ấy để có quyết định phù hợp cho con em mình tham gia các nhóm đúng với lứa tuổi và thể trạng.
Thứ ba, nên tham khảo các chương trình thể thao ở trường con mình. Chúng ta cần quan tâm đến việc con mình học môn thể dục như thế nào, và nên tìm hiểu thông tin về các lớp, câu lạc bộ ngoại khóa thể thao.
Thứ tư, chúng ta nên tạo các hoạt động nhóm. Đôi khi trẻ em hay rụt rè khi tham gia học thể thao vì điều đó mới mẻ với chúng và các em thường không quen với ai trong lớp hoặc đội của mình. Vậy nên phụ huynh hãy bắt chuyện với cha mẹ của các trẻ khác và mời họ cho con cùng tham gia chơi thể thao với con mình để tạo được hoạt động nhóm.
Thứ năm, hãy khôn khéo với con em mình. Chúng ta cần có những quy định cho trẻ tuân theo giờ giấc xem tivi, sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng hoặc máy tính. Hãy cho trẻ biết rằng chúng cần chọn và tham gia một môn thể thao nào đó mới có thể được sử dụng những thiết bị đó. Tuy nhiên hãy khôn khéo và mềm mỏng với con để cuối cùng chúng ta đạt được mục tiêu mong muốn.
Anh Joost van Vliet (người Hà Lan): Bận rộn không phải là lý do Ở nước tôi, chúng tôi được học bơi trong trường từ rất nhỏ, sau đó là các loại hình thể thao khác như điền kinh, bóng đá, khúc côn cầu. Khi tôi còn trẻ, tôi có tập judo, môn này giúp tôi tự tin vào bản thân mình hơn. Suốt những năm đại học, việc tham gia nhóm đua thuyền dạy tôi tinh thần làm việc nhóm. Môn này cũng đòi hỏi kỹ thuật cao nên phải rèn luyện nhiều, có lúc tôi phải tập đến 15-20 tiếng/tuần… Ở Việt Nam, tôi nghe nhiều người nói họ không tham gia thể dục thể thao vì bận bịu với công việc và chuyện học hành. Theo tôi, bận rộn không phải là lý do. Hiện nay, tôi làm việc 50 tiếng/tuần nhưng vẫn có thời gian để đạp xe rèn luyện cơ thể từ 6-7 tiếng/tuần. Quan trọng là bạn phải biết cách sắp xếp thời gian cho hợp lý. |
MYCHAL NGUYEN(người Mỹ, gốc Việt, huấn luyện viên bóng rổ tại Trường quốc tế Mỹ TP.HCM)
LÊ NGUYÊN ghi