Mỗi năm 900 nghìn người Việt chết vì tăng huyết áp
Tăng huyết áp được xem là “sát thủ thầm lặng” gây ra cái chết cho 900 nghìn người Việt mỗi năm. Bệnh đang gia tăng ở mức báo động nhưng có tới 50% số người không biết mình bị tăng huyết áp.
Thông tin báo động trên được các chuyên gia đưa ra trong buổi lễ khởi động dự án “Cộng đồng vì trái tim khỏe” tổ chức tại TPHCM ngày 22/6. Bà Helen McGuire, Giám đốc chương trình bệnh không lây nhiễm của tổ chức PATH (Hoa Kỳ) cho hay, tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim mạch, nguyên nhân của hơn 90.000 ca tử vong mỗi năm tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, những nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, có khoảng 25% người trong độ tuổi trưởng thành bị tăng huyết áp nhưng hơn 50% trong số đó không biết mình mắc bệnh. Những người ở thành thị có tỷ lệ mắc bệnh lên đến 33%, ở nông thôn khoảng 17%. Đặc biệt, chỉ có 11% những người mắc biến chứng của bệnh ăng huyết áp đạt được huyết áp mục tiêu sau điều trị.
Hậu quả của bệnh tăng huyết áp đang để lại gánh nặng cho gia đình và toàn xã hội khi căn bệnh trên khiến nhiều người phải sống thực vật, yếu liệt, mất khả năng lao động, phải uống thuốc hỗ trợ điều trị suốt đời. Ngoài chi phí y tế trong quá trình điều trị, người bệnh phải lệ thuộc vào gia đình, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế, xã hội.
Tại TPHCM, BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, qua điều tra sơ bộ trên 8 quận huyện của thành phố trong giai đoạn từ 2013 đến 2015 cho thấy, tỷ lệ người trưởng thành mắc bệnh tăng huyết áp chiếm khoảng 25%. Nghiêm trọng hơn, căn bệnh trên đang tấn công lứa tuổi học đường khi có từ 13% đến 17% học sinh các nhóm từ Tiểu học đến cấp Trung học Phổ thông mắc bệnh.
Tình trạng trên là do những kiến thức y tế chưa đến được với cộng đồng, lối sống công nghiệp ít vận động, ăn nhiều chất béo, thức ăn nhanh, hút thuốc lá… khiến số người mắc bệnh ngày càng nhiều.
Để đẩy lùi bệnh tăng huyết áp, thành phố sẽ phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước, thí điểm dự án “Cộng đồng vì trái tim khỏe” nhằm chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng quản lý và kiểm soát tăng huyết áp. Mô hình được thí điểm tại 4 quận gồm: quận 12, quận Thủ Đức, quận Gò Vấp và quận 8 với khoảng 2 triệu người dân được thụ hưởng các dịch vụ tầm soát, phát hiện, theo dõi và quản lý tăng huyết áp tại cộng đồng nơi họ sinh sống.
Vân Sơn
Nguồn Dân trí