Hạnh phúc của những gia đình hiếm muộn
Sáng 26-6, hội trường Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) luôn ấm áp bởi những bước chân tung tăng, tiếng cười nói ríu rít của hàng trăm em nhỏ.
Gia đình các chị Thu Trinh, Bích Thảo, Kim Hoàng cùng các con tại buổi giao lưu với bác sĩ Ngọc Sương sáng 26-6 – Ảnh: L.TH.H. |
Các bé có mặt hôm nay tại lễ kỷ niệm 12 năm thành lập khoa hiếm muộn Bệnh viện Hùng Vương là đại diện cho 1.000 em bé ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) tại bệnh viện.
Hạnh phúc
Nhìn hai bé gái song sinh 12 tuổi phổng phao, xinh đẹp như thiếu nữ Nguyễn Thùy An và Nguyễn Thúy An – con của chị Lâm Thu Trinh – trường hợp TTTON thành công đầu tiên cách đây 12 năm tại Bệnh viện Hùng Vương, nhiều chị đã xuýt xoa ngưỡng mộ. Khi kể lại những ngày điều trị hiếm muộn và có được hai cô con gái xinh đẹp, học giỏi như ngày hôm nay, chị Trinh cứ nghẹn ngào nước mắt. Chị Huỳnh Thị Bích Thảo cũng phải trải qua rất nhiều khó khăn với sáu lần sảy thai, một lần bị thai ngoài tử cung và hai lần mổ nội soi phần phụ để có được bé gái Minh Anh (7 tuổi) như ngày hôm nay. “Điều giúp tôi vượt qua được khó khăn là tìm được niềm tin và tình cảm ấm áp của các y bác sĩ khoa hiếm muộn bệnh viện. Đối với tôi điều này vô cùng quan trọng vì nhờ đó tôi có thêm nghị lực vượt qua khó khăn. Bé Minh Anh như tài sản vô giá của vợ chồng tôi” – chị Thảo chia sẻ và mong muốn những cặp vợ chồng hiếm muốn đừng nản lòng trong hành trình tìm con vất vả. Chị Thảo tâm sự khi chị có tim thai không chỉ chị mừng, ông xã chị mừng đến nỗi “cười bằng một giọng cười mà nào giờ chưa thấy”, “các cô điều dưỡng cũng chạy rần rần, vui sướng thông báo chị Thảo có tim thai rồi”.
Chị Trần Thị Thái Kim Hoàng (có con gái Nguyễn Ngân Hà, 9 tuổi) cũng không giấu được xúc động: “Cả đêm qua tôi không ngủ được. Cảm xúc hôm nay thật khó diễn tả”. Chị Hoàng chia sẻ những người phụ nữ không có khả năng làm mẹ như những người chết đuối cố tìm kiếm một chiếc phao để bám víu lấy. Chị lập gia đình năm 2002 và sau đó liên tục phải mổ nhiều lần vì bệnh lý polyp tử cung, u nang buồng trứng, tắc ống dẫn trứng, dính lòng tử cung. Những tưởng không bao giờ có con sau nhiều lần TTTON ở một số nơi nhưng cuối cùng chị cũng có được bé Ngân Hà khi ở tuổi 37.
Tấm lòng thầy thuốc
Dù 12 năm đã trôi qua, nhưng bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Sương – phó khoa hiếm muộn Bệnh viện Hùng Vương, người gắn kết với khoa hiếm muộn từ những ngày đầu thành lập đến nay – nhớ như in từng bệnh án, từng bệnh nhân hiếm muộn và hoàn cảnh của từng người. “Bây giờ ngồi đây nhìn các thiên thần tung tăng, khỏe mạnh bước lên dự lễ không có cảm xúc nào diễn tả được. Suốt đêm qua tôi không ngủ được vì mong sáng nay được gặp các cháu – những đứa con của mình ra đời và gắn bó với khoa hiếm muộn từ những ngày đầu tiên” – bác sĩ Sương xúc động kể.
Nhớ lại hơn 10 năm trước, bác sĩ Sương tâm sự các y, bác sĩ của khoa hiếm muộn đã chứng kiến có những cặp vợ chồng phải bán đất, bán nhà để làm TTTON. Có bệnh nhân không đủ tiền để chích thuốc nên tự động bỏ liều. Biết tin, nhân viên trong khoa hiếm muộn lúc đó chỉ có tám người đã cùng nhau gom góp tiền cho bệnh nhân mua đủ một liều thuốc để không gián đoạn việc điều trị.
Bác sĩ Sương nhớ rõ gia đình chị Thu Trinh khi đó rất khó khăn, mẹ chị phải bán một mảnh vườn để hỗ trợ con mình điều trị hiếm muộn: “Tôi đã khóc vì không thể can thiệp, giúp gì được cho bệnh nhân. Chúng tôi sợ các chị bỏ cuộc lắm. Vì vậy mà huy động được gì, xin miễn phí được gì cho bệnh nhân chúng tôi đều đề xuất ban giám đốc miễn phí cho các chị”.
“Chúng tôi rất trăn trở mỗi khi gặp bệnh nhân có hoàn cảnh như vậy. Chúng tôi chỉ mong khoa hiếm muộn luôn là mái nhà chăm chút, đong đầy hạnh phúc cho các bệnh nhân, nâng niu từng li từng tí và đầy kiên nhẫn để mang đến hạnh phúc cho bệnh nhân” – bác sĩ Sương tâm sự.
1.000 em bé ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm Bác sĩ CK2 Lý Thái Lộc – trưởng khoa hiếm muộn Bệnh viện Hùng Vương – cho biết từ khi thành lập đến nay khoa đã thực hiện kỹ thuật TTTON cho nhiều ca vô sinh, hiếm muộn, đặc biệt có những trường hợp thất bại ở nhiều nơi hoặc có kèm theo bệnh lý. Ngoài bệnh nhân tại TP.HCM và các tỉnh lân cận, khoa hiếm muộn còn điều trị cho nhiều bệnh nhân là người Hoa, người Campuchia, New Zealand, Thụy Điển… Đến nay đã có 1.000 em bé chào đời tại bệnh viện bằng phương pháp TTTON. Hiện nay tỉ lệ có thai chung khi thực hiện TTTON tại bệnh viện là 37-40%, tỉ lệ có thai chuyển phôi nang là 50%, chuyển phôi rã đông ngày 5 có tỉ lệ thành công là 59%. |
LÊ THANH HÀ ([email protected])