An toàn cho trẻ ở hồ bơi

Chia sẻ tin này:

Câu chuyện thương tâm bé 10 tuổi học bơi chết tại hồ bơi ở Hà Tĩnh vào ngày 21-6 hoàn toàn có thể tránh được nếu không có thoáng sơ sẩy, lơ là của huấn luyện viên (HLV) dạy bơi, nhân viên trực hồ, cứu hộ.

Học sinh tập các động tác kỹ thuật trên bờ tại hồ bơi Trung tâm Văn hóa quận Gò Vấp (TP.HCM) trong sự giám sát của HLV – Ảnh minh họa: Thế Hùng
“Ở nhiều tỉnh, khâu trực hồ, cứu hộ ở các hồ bơi chưa được quan tâm đúng mức. Ở TP.HCM thì tương đối ổn định vì các khóa đào tạo trực hồ, cứu hộ mở ra liên tục và cứ 3 năm sẽ quay lại kiểm tra chuyên môn một lần
Đang tải audio…

“Nghe đọc bài An toàn cho trẻ ở hồ bơi”

Ở TP.HCM và các thành phố lớn của VN, phụ huynh thường ngồi quan sát con em tập luyện ở hồ bơi nhưng đó chỉ là để họ an tâm với chính mình. Trách nhiệm dưới hồ vẫn thuộc về HLV, nhân viên trực hồ, cứu hộ.

HLV dạy bơi, nhân viên trực hồ và cứu hộ phải chịu trách nhiệm chính khi xảy ra sự cố dưới hồ bơi. Khi nhận bao nhiêu học viên xuống nước, HLV có trách nhiệm phải đưa lên đúng số lượng như vậy. Nếu sau lớp học mà xảy ra sự cố thì nhân viên trực hồ, cứu hộ chịu trách nhiệm chính.

Thế nên nhân viên trực hồ, cứu hộ phải liên tục quan sát người bơi từ khi họ bước vào hồ, xuống nước và vị trí ở đâu, có an toàn hay không.

Nếu trong ca trực và khu vực của ai xảy ra sự cố thì người đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm chứ không thể đổ lỗi cho người khác hay viện bất cứ lý do gì. Làm cứu hộ là không được lơ là bởi tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Thực tế đã có rất nhiều tai nạn đuối nước xảy ra trong hồ bơi vì HLV, nhân viên cứu hộ thiếu trách nhiệm. Ở mỗi sự cố này, gần như chắc chắn họ sẽ bị đuổi việc và phải bồi thường cho gia đình nạn nhân. Thậm chí, nếu gia đình nạn nhân phẫn nộ thì họ có thể đối mặt với tù tội.

Yêu cầu bắt buộc đối với HLV, nhân viên trực hồ, cứu hộ là phải có bằng cứu hộ viên và sơ cứu ban đầu về đuối nước. Và nguyên tắc bất di bất dịch của nghề là khi vào ca trực, họ phải quan sát toàn bộ hồ, kiểm tra dụng cụ, phao bơi, phao cứu hộ và hồ bơi phải trống. Sau đó là đảm bảo an toàn cho khách bơi.

Người nào chưa biết bơi thì phải tách riêng để hướng dẫn, đưa họ vào những vị trí quy định bắt buộc dành cho người không biết bơi.

Điều này được cụ thể trong quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở thể thao tổ chức hoạt động bơi, lặn của Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch.

Theo đó, hồ bơi phải có dây phao ngang để chia khu vực có độ sâu từ 1m trở xuống cho người chưa biết bơi; phải đảm bảo có nhân viên cứu hộ thường trực khi có người tham gia tập luyện với số lượng đảm bảo tỉ lệ 200m2 hồ bơi/nhân viên… Như vậy, nếu hồ có kích thước tiêu chuẩn 25m x 50m thì ít nhất phải có 6 người trực hồ, cứu hộ túc trực.

Đối với đối tượng học sinh, trách nhiệm HLV, nhân viên trực hồ, cứu hộ còn nặng nề hơn do học sinh thường hiếu động, không ý thức hết sự nguy hiểm và rất nhiều trường hợp chạy té đập đầu.

Ở lứa tuổi học sinh cấp I và cấp II thì hồ bơi có độ sâu từ 0,8 – 1,2m là an toàn nhất cho tập luyện (như các hồ bơi được xây mới trong trường học ở quận 8, Nhà Bè…).

Và mỗi HLV chỉ nên dạy từ 8-10 em mỗi lớp để đảm bảo chuyên môn và quan sát tốt nhất, đảm bảo an toàn cho trẻ.

Đừng để con một mình ở hồ bơi

Chuyện bé học bơi chết tại hồ bơi ở Hà Tĩnh đã khơi lại trong tôi nỗi ân hận không bao giờ quên. Mùa hè năm ngoái, con tôi đòi đi bơi. Thường lệ thì cả nhà tôi cùng đi để hai vợ chồng chia ra dòm ngó hai đứa con.

Nhưng hôm đó chỉ có tôi và con trai 7 tuổi đến hồ bơi. Con tôi đã học bơi ếch và bơi sải nhưng chỉ bơi ở hồ trẻ con và chưa bao giờ qua hồ người lớn. Cùng con bơi ở hồ dành cho trẻ con một lát, tôi dặn con: “Con bơi ở đây nhen, mẹ qua hồ lớn bơi một vòng rồi mẹ quay lại”. Tôi nghĩ con tôi biết bơi, một phần bé rất nhát chắc không dám qua hồ người lớn.

Bơi ở hồ lớn chừng 10 phút, tôi chuẩn bị qua hồ nhỏ với con thì đã thấy con đứng ngay sát mé hồ sâu dành cho người lớn và chuẩn bị nhảy xuống hồ. Tôi sợ đến thót tim, vội chạy đến giữ bé lại rồi la bé: “Mẹ đã dặn con không được qua hồ người lớn rồi mà, hồ sâu lắm con biết không?”. Con tôi mặt méo xệch: “Con… con qua bơi với mẹ”.

Tim tôi đau nhói, run bần bật, tôi ôm lấy con, mãi một lúc sau mới nói được lời xin lỗi vì đã để con một mình. Tôi tự xỉ vả bản thân mình, thầm cảm ơn trời vì đã kịp thời nhìn thấy con.

Tôi dặn lòng về sau tuyệt đối không để con một mình ở hồ bơi, dù bé bơi tự do hay đi học bơi. Vì nếu học bơi, một thầy có thể dạy nhiều bé và hết ca thầy sẽ có ca mới, và chưa kể nếu vào mùa nóng bức hồ bơi rất đông, những giáo viên và quản lý hồ bơi không thể nào quán xuyến hết các bé, có gì sơ sẩy thì tôi ân hận cả đời.

Tôi nghĩ các bậc phụ huynh không nên vì bận rộn hay vì lý do nào đó mà để con ở hồ bơi một mình, tránh những điều đáng tiếc xảy ra.

KHOA NGUYÊN

TRƯƠNG ĐỨC NGỌC (trưởng phòng nghiệp vụ Trung tâm thể thao dưới nước Yết Kiêu, TP.HCM) TẤN PHÚC ghi

Chia sẻ tin này:

Có thể bạn quan tâm

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận