Bản chất, tác dụng, chỉ định điều trị của tia tử ngoại
I.Khái niệm về tử ngoại.
1.1. Khái niệm.
Tử ngoại là những bức xạ ánh sáng thuộc phổ không nhìn thấy và có bước sóng nhỏ hơn vùng đỏ của bức xạ nhìn thấy, tức là trong khoảng 380-10nm.
Bức xạ tử ngoại được chia thành 3 loại:
– Tử ngoại A: bước sóng 380-320nm.
– Tử ngoại B: bước sóng 320-280nm.
– Tử ngoại C: bước sóng 280-10nm.
1.2. Các nguồn tạo ra tử ngoại.
– Tử ngoại tự nhiên: Tử ngoại tự nhiên có nguồn gốc từ ánh sáng mặt trời, khi xuống mặt đất đã bị tầng ozon trong khí quyển hấp thụ gần hết tử ngoại B và C, chỉ còn lại chủ yếu là tử ngoại A.
– Đèn tử ngoại thạch anh – thuỷ ngân: vỏ đèn bằng thạch anh, khí trong đèn là thủy ngân, phát ra ánh sáng có 80-85% là bức xạ tử ngoại, còn lại là bức xạ nhìn thấy và hồng ngoại.
– Đèn tử ngoại lạnh: vỏ đèn cũng bằng thạch anh, khí trong đèn được hạ áp xuất xuống chỉ còn vài mmHg, khi cho một điện áp vào hai cực của đèn thì xảy ra hiện tượng phóng điện trong chất khí giảm áp và phát ra bức xạ tử ngoại thuộc vùng tử ngoại C, có tác dụng diệt khuẩn mạnh. Vì chỉ cần điện áp thấp, nhiệt độ đèn không cao nên gọi là tử ngoại lạnh.
– Đèn tử ngoại huỳnh quang: là tử ngoại lạnh, nhưng trong bóng đèn phủ một lớp huỳnh quang để ngăn các bức xạ tử ngoại bước sóng ngắn chỉ cho các bức xạ có bước sóng dài hơn đi qua để cho tác dụng điều trị.
II.Tác dụng của tử ngoại.
2.1. Tác dụng sinh hóa và chuyển hóa.
– Tử ngoại C gây tổn thương cấu trúc protein, hủy tế bào và có tác dụng diệt khuẩn. Được dùng trong sát khuẩn môi trường.
– Tử ngoại B: có tác dụng kích thích sự quang hợp của cây xanh, kích thích quá trình chuyển hóa từ tiền vitamin D dưới da thành vitamin D từ đó có tác dụng lên quá trình chuyển hóa Calci và xương.
– Tử ngoại A có hoạt tính sinh học yếu hơn, chỉ gây tác dụng đỏ da do làm tăng histamin, tăng melanin gây đen da.
2.2. Tác dụng đỏ da.
– Khi chiếu bức xạ tử ngoại lên da, lúc đầu không thấy hiện tượng gì xảy ra, nhưng sau 6-8 giờ sẽ xuất hiện đỏ da, là do tử ngoại đã chuyển histidin thành histamin gây giãn mạch. Một thời gian sau vùng da đỏ chuyển thành sẫm hoặc đen do tăng sinh melanin, đồng thời lớp sừng hóa phát triển và khi bong đi thì da trở lại bình thường, quá trình này có thể kéo dài hàng tuần.
– Cảm ứng của mỗi vùng da đối với bức xạ tử ngoại khác nhau, ví dụ:
+ Da ngực, bụng, lưng: 100-75%.
+ Vai, cánh tay: 75-50%.
+ Mặt, cổ, đùi, cẳng chân: 50-25%.
+ Đầu gối, bàn tay, bàn chân: 25-0%.
– Nếu chiếu tử ngoại liều cao và kéo dài, sau 2-3 ngày vùng da bị chiếu có thể phồng rộp tạo thành các phỏng nước, là biểu hiện của bỏng độ I,II do các tế bào biểu mô bị tổn thương.
2.3. Tác dụng trên thần kinh.
– Chiếu tử ngoại toàn thân liều nhỏ có tác dụng điều hòa trương lực thần kinh, giảm căng thẳng mệt mỏi, tăng khả năng làm việc.
– Chiếu tại chỗ liều đỏ da gây tăng cảm vùng bị chiếu, chiếu liều đỏ da mạnh gây ức chế cảm giác đau (có thể là ức chế bảo vệ tại thụ cảm thể hoặc hạn chế dẫn truyền cảm giác đau).
III.Liều sinh học của tử ngoại.
3.1. Khái niệm.
– Vì mức độ cảm ứng với bức xạ tử ngoại của từng người khác nhau, do đó trước khi tiến hành điều trị cần xác định liều sinh học để chỉ định liều điều trị thích hợp.
– Liều sinh học của bức xạ tử ngoại là thời gian tối thiểu để gây được hiện tượng đỏ da tối thiểu trên một người nhất định với một nguồn tử ngoại để xa 50cm và chiếu thẳng góc vào da.
Liều sinh học (LSH) chỉ có ý nghĩa với từng người và một chiếc đèn nhất định, không áp dụng cho người khác và đèn khác.
3.2. Phương pháp đo LSH.
– Dụng cụ: dùng thước Goocbatrep, là một tấm kim loại có 6 lỗ hình chữ nhật và một thanh trượt có thể đóng hoặc mở các lỗ đó.
– Vị trí đo: thường đo ở vùng cơ thể nhạy cảm nhất như vùng ngực, lưng, mặt trước cánh tay.
– Kỹ thuật: cố định thước lên da sao cho tấm kim loại luôn áp sát mặt da, đẩy thanh trượt che kín cả 6 lỗ. Đèn tử ngoại đặt cách xa 50cm và thẳng góc với mặt da. Lần lược kéo thanh trượt để hở lỗ thứ nhất 15 giây, rồi kéo tiếp để hở lỗ thứ hai 15 giây, cứ tiếp tục như vậy đến lỗ thứ 6 thì tắt đèn và tháo thước ra. Như vậy lỗ thứ nhất được chiếu 90 giây, các lỗ tiếp theo ít hơn 15 giây so với lỗ trước nó, đến lỗ thứ 6 chỉ được chiếu 15 giây.
Sau khi đo xong, dặn bệnh nhân không được gãi hoặc chà xát lên vùng da vừa đo, không uống rượu bia, không để vùng da đó tiếp xúc với nắng.
– Đọc kết quả: sau 18-24 giờ, thông thường sau 6-8 giờ đã thấy hiện tượng đỏ da, khi đọc kết quả thấy 1 trong 3 biểu hiện sau:
+ Tất cả 6 lỗ đều không thấy đỏ da: là do liều tử ngoại thấp, cần đo lại với liều cao hơn (công suất đèn cao hơn hoặc thời gian chiếu mỗi lỗ dài hơn).
+ Thấy một số lỗ đỏ da có bờ viền rõ, chọn lỗ nào đỏ da ít nhất nhưng còn nhìn rõ bờ viền, thời gian chiếu của lỗ đó là LSH.
+ Cả 6 lỗ đều đỏ da rõ: là do liều quá cao, cần đo lại với liều giảm đi.
– Để rút ngắn thời gian chiếu người ta để đèn gần hơn, cường độ tác dụng của bức xạ tử ngoại tỷ lệ nghịch với bình phương khoảng cách, theo công thức:
IV.Chỉ định và chống chỉ định.
4.1. Chỉ định.
4.1.1. Tắm tử ngoại toàn thân.
– Trẻ em còi xương chậm lớn: liều bắt đầu bằng 1/8 LSH, hàng ngày tăng dần thêm 1/8 LSH để cơ thể thích nghi dần, giới hạn tối đa không quá 2 LSH.
– Nâng cao sức đề kháng và tăng cường sức khoẻ cho người mới ốm dậy, bệnh nhân trong giai đoạn bình phục bệnh: liều bắt đầu bằng 1/4 LSH, tăng dần mỗi lần thêm 1/4 LSH.
– Rèn luyện sức chịu đựng của cơ thể.
4.1.2. Điều trị tại chỗ.
Điều trị tử ngoại tại chỗ mỗi lần tối đa không quá 600cm2 đối với người lớn vì tính chất ảnh hưởng toàn thân, nếu cần thì chia ra các vùng nhỏ để chiếu cách ngày.
– Viêm khớp dạng thấp: chiếu kín toàn bộ khớp đau 3-5 LSH, nghỉ 2-3 ngày cho bớt đỏ da rồi chiếu tiếp, mỗi đợt 5-6 lần. Tác dụng giảm đau, chống viêm, giảm mẫn cảm khớp.
– Bệnh vảy nến: liều tăng dần từ 2 LSH lên 4-6 LSH cho đến khi vùng tổn thương phẳng không còn lên vảy.
– Bệnh bạch biến: liều tăng dần từ 2 LSH lên 3-4 LSH đến khi màu da vùng bạch biến gần về bình thường.
– Rụng tóc kiểu thành đám: liều tăng dần từ 1 lên 2-3 LSH.
– Điều trị theo phản xạ đốt đoạn: sử dụng liều vừa 2-3 LSH liên tục.
– Làm nhanh rụng hoại tử vết thương, vết loét: nếu vết thương, vết loét nông thường bắt đầu 1-2 LSH rồi tăng dần đến 4-5 LSH. Nếu vết thương vết loét sâu và bẩn thường bắt đầu với liều cao 6-10 LSH rồi giảm dần. Khi đã có tổ chức hạt thì chỉ dùng tử ngoại với liều rất thấp bằng 1/2 LSH để kích thích liền sẹo.
4.2. Chống chỉ định.
– Chống chỉ định toàn thân:
+ Bệnh nhân sốt cao, suy kiệt, đang có bệnh tiến triển như lao, ung thư, suy thận.
+ Các bệnh nặng: suy tim, suy gan, suy thận, cường giáp.
+ Một số người có biểu hiện quá mẫn với tử ngoại, tắm tử ngoại toàn thân có thể gây choáng.
– Chống chỉ định tại chỗ: viêm da, eczema giai đoạn chảy nước diện rộng chiếu tử ngoại có thể gây tiến triển nặng thêm.