Bệnh viện Bạch Mai: Người bệnh quay cuồng vì nắng nóng
Miền Bắc đang trong những ngày nắng nóng cao điểm, với nhiệt độ ngoài trời lên đến 40 độ C. Dù số người mắc bệnh không tăng lên, nhưng nhà có một người đi viện mới thấy khốn khổ vì di chuyển đến các khoa trong bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) giữa cái nắng chang chang.
Trong các bệnh phòng, bệnh nhân được mát nhờ quạt, điều hòa, còn người chăm nom thì tìm được góc nào có bóng râm để nghỉ ngơi đã là điều hạnh phúc.
Ngày 14/6, người dân các tỉnh miền Bắc và miền Trung tiếp tục phải chịu đựng những ngày nắng nóng gay gắt đỉnh điểm. Ở bệnh viện, người bệnh đi viện cũng khổ, người nhà đưa đi viện cũng khốn đốn vì nắng nóng.
“Đưa con đi viện khám sớm để trốn nắng mà đến 10h trưa đã hoa mắt, chóng mặt vì nóng. Đứng trước quạt mà nóng vẫn hầm hập, mồ hôi nhễ nhại cả mẹ, cả con. Có mẹ bế con chạy qua cái nắng để đến nhà xe thì tay chân bủn rủn, choáng váng vì nắng nóng”, chị Phương Vi đưa con khám tại BV Nhi Trung ương chia sẻ.
Tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 2.500-3.000 bệnh nhi đến viện khám vì các bệnh sốt vi rút, tiêu chảy, viêm đường hô hấp… Đáng chú ý, thời tiết nắng nóng khiến một số bệnh do vi rút gây nên như chân tay miệng, viêm não cũng gia tăng.
Tại Khoa Nhi (BV Bạch Mai), con số khám ngày, khám đêm đều không tăng, các bệnh gặp nhiều nhất vẫn là sốt cao vi rút, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, viêm đường hô hấp. Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Quyền trưởng khoa Nhi cho biết, các bác sĩ sợ nhất tiếp nhận bệnh nhi đến khám lúc nắng cao điểm 12 giờ đến 15h chiều, các bé sốt cao, ho, nôn trớ lại thêm nắng nóng khiến trẻ khát, mệt, mặt mũi đỏ tưng bừng, quấy khóc ầm ĩ.
Nhiều bố mẹ sờ thấy con sốt nóng ran là vội cắp con đến viện bất kể ngày giờ. Trong khi đó, các bác sĩ khuyến cáo khi trẻ sốt, hãy bình tĩnh kẹp nhiệt độ cho con, hạ sốt cho bé rồi hãy đến viện. Vì đa phần sốt ở trẻ em cần phải theo dõi, không thể vừa sốt là phán bệnh. Chưa kể đưa con đi ngoài đường những lúc nắng chang chang, nhiệt độ cơ thể đã cao lại hấp thụ nhiệt càng làm trẻ sốt cao hơn, rất nguy hiểm. Hãy hạ sốt cho trẻ, chờ cho trẻ hạ sốt rồi đi đến viện bằng taxi, xe bus. Nếu thấy trẻ hạ sốt, vẫn chơi đùa bình thường có thể đợi lâu hơn, đến khi tắt nắng hãy cho con đến viện khám.
Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), mỗi ngày có khoảng 700-800 bệnh nhân nhập viện. Riêng khoa Nhi, mỗi ngày có khoảng 300-350 bệnh nhân khám, với các bệnh sốt vi rút, viêm đường hô hấp…
Theo các bác sĩ, nắng nóng kéo dài sẽ xuất hiện tình trạng nhiều bệnh nhân mất nước, rối loạn điện giải. Khi nhiệt độ cơ thể tăng, mồ hôi ra nhiều, việc vệ sinh không phù hợp dễ dẫn đến viêm phổi, bệnh về đường hô hấp.
Mọi người nên hạn chế đi ngoài đường vào giờ cao điểm bởi rất dễ xảy ra hiện tượng say nắng do phải phơi mình quá lâu dưới ánh sáng mặt trời hoặc ở nhiệt độ cao. Không được để cơ thể mất nước bằng cách thường xuyên uống nước lọc, các loại nước trái cây. Đặc biệt, một trong những nguyên nhân khiến nhiều người bị bệnh là do ngày hè, chênh lệch nhiệt độ giữa điều hòa và ngoài trời rất lớn. Vì thế, vừa đi ngoài nắng về không vào ngay phòng điều hòa, mà hãy mở cửa phòng, đứng khoảng 1 phút để cái nóng hầm hập trong người thích nghi dần với sự mát lạnh bên trong rồi mới bước vào phòng. Nhiệt độ trong phòng nên điều chỉnh ở 25-28 độ C và trong phòng nên có quạt thông gió để đảm bảo môi trường trong phòng thoáng khí, tránh tình trạng phòng quá kín, cảm giác không khí mát nhưng có thể tích trữ vi khuẩn, vi rút gây bệnh.
Dưới đây là chùm ảnh bệnh nhân, người nhà bệnh nhân trốn cái nắng thiêu đốt tại BV:
Cái nắng như thiêu khiến mẹ con bệnh nhi này phải tìm đủ cách, từ che chắn đến chạy thật nhanh từ khoa Khám bệnh (BV Nhi Trung ương) ra cổng viện.
Bất cứ nơi nào có bóng râm, đặc biệt là dưới bóng cây tại bệnh viện Bạch Mai đều kín người. Bởi như một người nhà bệnh nhân chia sẻ, ở ngoài trời còn thoáng hơn là ngồi chờ trong sảnh hầm hập gió quạt.
Nhiều người nhà, người bệnh chờ khám buổi chiều đã tận dụng tất cả những nơi được coi là mát nhất để ngủ nghỉ
Bài và ảnh: Hồng Hải
Nguồn Dân trí