“Bốc cháy” vì câu cá dưới đường điện cao thế

Chia sẻ tin này:

Ngồi câu cá ngay dưới đường điện cao thế, khi vừa giật mạnh cần, luồng điện sáng xanh phóng xuống khiến nạn nhân bốc cháy, gây bỏng nặng 58% toàn thân, đe dọa tính mạng.

Thông tin từ khoa Bỏng và Phẫu thuật Tạo hình, bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM cho hay, tại đây đang điều trị cho một nạn nhân bị bỏng điện rất nặng, bệnh nhân là Trịnh Ngọc T. (SN: 1979).

Bỏng điện là tai nạn đặc biệt nguy hiểm, việc điều trị rất khó khăn

Qua khai thác bệnh sử ghi nhận, Ngọc T. làm nghề thợ hồ tại Bình Phước. Buổi sáng, trước khi tai nạn xảy ra, công trình xây dựng tạm nghỉ nên anh Ngọc T. cùng một số đồng nghiệp ngẫu hứng rủ nhau mang cần đi câu. Ngọc T. chọn vị trí ngồi cắm cần (loại cần câu chuyên nghiệp được làm bằng kim loại) ngay dưới đường điện cao thế.

Thấy cá ăn mồi, anh giật mạnh, vung cần câu lên cao, ngay lúc đó tia lửa điện sáng xanh phóng xuống kèm theo tiếng “roẹt”. Những người bạn đi cùng giật mình, hốt hoảng nhìn lại thì thấy Ngọc T. đã gục tại chỗ, quần áo đang bốc cháy.

Sau khi được dập lửa, sơ cứu tại chỗ, nạn nhân được đưa đến bệnh viện địa phương rồi tiếp tục chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy. Tại đây, bác sĩ xác định bệnh nhân bị bỏng tia lửa điện 58% toàn thân (độ II, III) trong đó có 14% bỏng sâu. Hiện bệnh nhân đã tạm qua được giai đoạn sốc bỏng, đang được điều trị bằng kháng sinh chống nhiễm trùng, nhiễm độc.

Theo phân tích của BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Bỏng và Phẫu thuật Tạo hình, trong lúc câu cá nạn nhân bị phóng điện là do ngoài dòng điện có sẵn trên đường dây thì ở những đường điện trung thế hoặc cao thế luôn có từ trường mạnh xung quanh. Bình thường không khí không dẫn điện, nhưng dưới tác dụng của từ trường mạnh không khí bị ion hóa nên có khả năng dẫn điện, đặc biệt khi không khí ẩm ướt, điện trở giảm, tính dẫn điện tăng lên rất nhiều.

Hiện nay, đa phần cần câu cá được làm từ chất liệu carbon (còn gọi là Graphite) hoặc sợi thủy tinh có khi được pha thêm kim loại Tungtene. Ngoài ra, đầu cần câu nhỏ, điện trở thấp và khi câu sợi dây câu bị ướt nước cũng là môi trường dẫn điện tốt. Trong những trường hợp trên, người cầm cần câu chỉ sơ ý vi phạm hành lang an toàn lưới điện sẽ tạo thành yếu tố thuận lợi để truyền điện từ nơi có điện áp cao đến nơi điện áp thấp gây nên tình trạng phóng tia lửa điện. Cả cần câu cá và người cầm cần câu khi đó sẽ trở thành dây dẫn điện.

Khác với bỏng lửa, bỏng nước chỉ tổn thương ngoài da thịt, bệnh nhân bỏng tia lửa điện thường bị tổn thương rất sâu, gây hoại tử cơ – xương, mạch máu, thần kinh (nơi có điện trở lớn) khiến việc điều trị vô cùng khó khăn. Tại bệnh viện Chợ Rẫy, nhiều bệnh nhân bỏng điện đã phải đoạn chi để giữ lại sinh mạng vì tia lửa điện gây chết cơ – xương, hoại tử không thể phục hồi trong điều trị.

Vân Sơn

Chia sẻ tin này:

Có thể bạn quan tâm