Các nguyên nhân Giao hợp đau ở nữ giới
Giao hợp đau mặc dù chủ yếu là người nữ đau nhưng cũng ảnh hưởng đến người nam. Đau khi giao hợp ở nữ có thể là đau ở âm đạo, cổ tử cung, tử cung hay bàng quang. Còn ở nam thì đau ở dương vật, ở tuyến tiền liệt hay túi tinh khi người nam xuất tinh. Đối với cả hai giới thì đau có thể xảy ra trước, trong và sau khi giao hợp.
Nguyên nhân: Với nam, có nhiều nguyên nhân gây ra giao hợp đau. Nếp da bao bọc quy đầu quá chặt trong những trường hợp chưa cắt bao quy đầu có thể gây ra đau ở quy đầu của dương vật. Nếp da này quá chặt không thể lộn được và như thế gọi là chứng chít bao quy đầu (Phimosis). Quy đầu bị ngửa do nhiễm khuẩn ở dưới lớp da nói trên, nhiễm khuẩn phát triển vì người nam không thể lộn lớp da đó lên để rửa sạch những chất bài tiết ở đó, ta gọi là chất smegma. Đau khi giao hợp ở nam cũng có thể do nhiễm khuẩn niệu đạo, bàng quang, tuyến tiền liệt và túi tinh gây cảm giác nóng rát, ngứa ngáy và đau khi xuất tinh.
Đau khi giao hợp ở nữ có thể do những bệnh thực thể hoặc tâm lý. Một trong những nguyên nhân thường gặp nhất là sự không bài tiết được dịch nhờn ở âm đạo. Tình trạng này chứng tỏ người nữ không hưng phấn tình dục được mà nguyên nhân có thể là thiếu sự kích thích có hiệu quả, bị ức chế hoặc có vấn đề về tình cảm và tâm lý với bạn tình nam.
Nhiễm khuẩn âm đạo do giang mai, ký sinh trùng roi, nấm cũng có thể gây đau khi giao hợp. Những vi khuẩn và ký sinh trùng này làm cho thành âm đạo bị viêm.
Một nguyên nhân thường gặp nữa của giao hợp đau là tình trạng mỏng đi của thành âm đạo, thường hay xảy ra nhất ở những phụ nữ đã ngoài 50 tuổi. Vì sự giảm sút hormon nữ, thành âm đạo có thể nứt nẻ, chảy máu và dễ dàng bị kích thích. Trong những trường hợp như thế này nên dùng kem bôi âm đạo để làm cho niêm mạc âm đạo có độ nhờn.
Đau gần lỗ ngoài của âm đạo có thể do một màng trinh chưa rách hoặc tổ chức đã thành sẹo của một vết rách cũ khi đẻ con trước đây. Đôi khi âm vật trở nên ngứa ngáy vì những chất tích tụ dưới mũ của âm vật. Trong khi giao hợp, mũ của âm vật có thể bị lật ra và gây đau ở khu vực âm đạo.
Cũng có thể cảm thấy đau ở lớp cơ của âm đạo. Nếu người nữ có giao hợp sau một thời gian dài kiêng thì có thể cảm thấy đau âm ỉ ngay ngày hôm sau. Do đó làm cho các lần giao hợp sau cũng thấy đau.
Một số nữ cảm thấy đau khi phía sâu trong vùng tiểu khung lúc giao hợp. Đau như thế có thể do rách những dây chằng nâng đỡ tử cung. Rách đó có thể do sinh đẻ hoặc do chấn thương khi bị cưỡng bức. Cũng có người chỉ bị đau trong một số tư thế giao hợp nhất định.
Cảm thấy đau sâu trong vùng tiểu khung còn có thể do nhiễm khuẩn ở cổ tử cung, tử cung và vòi trứng. Cũng có thể do một bệnh gọi là lạc nội mạc tử cung tức là tổ chức màng của tử cung phát triển ở nơi khác chứ không chỉ trong tử cung cho nên gây chèn ép giữa các cơ quan vì thế gây đau khi giao hợp.
Điều trị: Nếu người nữ cảm thấy bị đau khi giao hợp thì cần đi hỏi ý kiến thầy thuốc. Rất nhiều khi cảm giác đau đó là dấu hiệu ban đầu của một bệnh thực thể cần phải theo dõi thường xuyên. Ví dụ như rất có thể bị nhiễm khuẩn âm đạo và chỉ cảm thấy đau khi giao hợp. Nếu không giao hợp, có lẽ người nữ đó chẳng bao giờ biết mình bị nhiễm khuẩn âm đạo.
Đối với những rối loạn chức năng tình dục đang bàn ở đây thì các phương pháp điều trị nội khoa và ngoại khoa là những can thiệp hiệu quả nhất. Tuy nhiên, liệu pháp tâm lý cũng có những giá trị của nó, không nên bỏ qua khi chứng giao hợp đau có nguồn gốc là những vấn đề tình cảm và tâm lý, như trạng thái lo hãi, khiếp sợ do một hoàn cảnh nào đó đã xảy ra trong cuộc đời của người bệnh.