Căn bệnh gây ra những cơn đau như dội nước sôi vào miệng
Trên thế giới, mỗi năm có hàng triệu người bị đau mức độ trung bình đến nặng mà không được điều trị hiệu quả.
Đã 3 năm, với chứng đau mặt không điển hình, nguồn gốc đau từ hạch chân bướm khẩu cái, anh Chu Văn Tuấn từng nhiều lần muốn tìm tới cái chết để chấm dứt những cơn đau đớn về thể xác.
“Những cơn đau như dội nước sôi vào miệng làm cho tôi kinh sợ ngay cả điều tối thiểu nhất là uống nước. Tôi từng đi tìm mua một khẩu súng ngắn để kết liễu cuộc đời song không ai chịu bán cho tôi. Họ bảo tôi bị điên”, anh Tuấn tâm sự. Anh kể, mỗi ngày trôi qua với anh, là sự đau đớn và tẻ nhạt, ngay đến việc nói chuyện cũng là một cực hình.
Chăm sóc giảm nhẹ giúp bệnh nhân vượt qua các cơn đau khiến họ muốn tự sát. Ảnh: Anh Tuấn. |
Theo TS.BS Bùi Văn Giang – Phó Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn, câu chuyện của anh Tuấn chỉ là một trong nhiều câu chuyện các bác sĩ được chứng kiến.
Trường hợp của một nữ bệnh nhân (30 tuổi, ở Thái Nguyên) bị đau khắp cơ mặt 5-6 năm nay. Mỗi lần gặp cơn gió thổi vào mặt, bệnh nhân đều cảm thấy đau, tóc chạm nhẹ, vận động, kích thích da mặt cũng đều đau. Các cơn đau càng trở nên dữ dội hơn sau khi chị sinh con vào năm ngoái.
Theo bác sĩ Bùi Văn Giang, bệnh nhân này mắc triệu chứng đau dây thần kinh số V – là nỗi đau khủng khiếp nhất mà con người phải chịu đựng do đau liên tục ở vùng mắt, hàm trên, hàm dưới.
Ngoài ra, những căn bệnh khiến bệnh nhân phải đối mặt với cơn đau tương tự như ung thư, đau cột sống…
Khi đó, chăm sóc giảm nhẹ (CSGN) đóng một vai trò rất quan trọng. Biện pháp này bao gồm trị liệu về tâm lý, chăm sóc dùng thuốc, biện pháp can thiệp.
Bác sĩ Giang đánh giá cao vai trò của CSGN đồng thời thừa nhận ở Việt Nam, điều này chưa thực sự được quan tâm.
Ông Eric L Krakauer, Phó giáo sư y khoa Khoa Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện đa khoa Massachusetts, Mỹ, cũng cho biết, tại những nước phát triển CSGN luôn được chú trọng nhằm đảm bảo chất lượng sống của người bệnh, nhưng ở Việt Nam hầu như mới chỉ quan tâm tới việc chữa bệnh, còn việc giảm đau cho bệnh nhân hầu như vẫn còn để ngỏ.
Trên thế giới, mỗi năm có hàng triệu người bị đau mức độ trung bình đến nặng mà không được điều trị hiệu quả. Chỉ tính riêng bệnh ung thư, có tới 5,5 triệu bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối trên thế giới không được điều trị giảm đau.
Nghiên cứu toàn cầu năm 2008 cho thấy, 17% dân số thế giới tiếp cận được với 91% lượng thuốc giảm đau trên toàn cầu. Trong khi 83% dân số thế giới (102 quốc gia có thu nhập trung bình và thấp) lại chỉ tiếp cận được 9% số thuốc giảm đau.
Theo TS Bùi Văn Giang, tại Bệnh viện Xanh Pôn, các bác sĩ bằng chuyên môn vẫn đang điều trị giảm đau cho bệnh nhân hoặc thực hiện những biện pháp chăm sóc giảm nhẹ như thái độ tiếp xúc với người bệnh. Mặc dù vậy, những biện pháp này chưa trở thành hệ thống.
“Trong tương lai, tôi hy vọng rằng với sự phát triển nói chung của lĩnh vực CSGN, bệnh viện sẽ hòa nhập với hệ thống y tế chung chăm sóc giảm đau cho người bệnh”, TS Giang nói.
Nguồn news.zing.vn