Căn bệnh khó nói của vị vua cuối cùng thời Tiền Lê
Tranh tài liệu về Vua Lê Long Đĩnh. Ảnh: kienthuc. |
Các triệu chứng và hệ lụy nặng nề của bệnh trĩ đã được sử sách ghi nhận từ rất lâu. Cách đây hơn 1.000 năm từng có một vị vua bị trĩ nặng đến nỗi không ngồi được mà phải nằm khi lâm triều. Đó là Hoàng đế Lê Long Đĩnh (986 – 1009), con trai thứ năm của vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn), mẹ là Chi hậu Diệu Nữ. Ông lên ngôi năm 1005, làm vua 4 năm thì qua đời. Sử sách viết rằng Lê Long Đĩnh mắc một chứng bệnh nan y ở vùng hậu môn gọi là bệnh trĩ.
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục mô tả vua Lê Long Đĩnh bị bệnh trĩ nặng đến mức không ngồi được mà phải nằm nghe các triều thần tâu trình việc nước. Về sau dân gian gọi ông là “Ngọa triều hoàng đế”. Cái chết bí ẩn của vị vua ở tuổi 24 đã chấm dứt vương triều nhà Tiền Lê, từ đây quyền lực rơi vào tay nhà Lý.
Bệnh trĩ, dân gian còn gọi là lòi dom, do tình trạng căng dãn quá mức của những đám rối tĩnh mạch trĩ ở các mô xung quanh hậu môn. Trong trạng thái bình thường, các mô quanh hậu môn giúp kiểm soát lượng phân thải ra ngoài, khi các mô bị phồng lên do sưng hoặc viêm thì gọi là bệnh trĩ. Đây là bệnh rất phổ biến, đứng hàng đầu trong các bệnh lý vùng hậu môn khiến bệnh nhân phải nhập viện điều trị. Bệnh được phân biệt thành 3 loại:
– Trĩ nội: Là khi búi trĩ hình thành và nằm bên trong trực tràng nên người bệnh không sờ thấy. Sau đó, do táo bón kéo dài, ngồi nhiều khiến búi trĩ bị viêm, gây nóng rát và có thể sa ra ngoài ống hậu môn, chảy máu. Vì vậy, mọi người phải cảnh giác vì trĩ nội thường chỉ nhận biết được khi ở giai đoạn nặng.
– Trĩ ngoại: Các tĩnh mạch trĩ nằm ở khu vực dưới da, rìa ngoài hậu môn bị giãn, sau đó bị gấp khúc, viêm, tạo nên búi trĩ. Ban đầu người bệnh có cảm giác hơi ngứa rát, lâu dần đi đại tiện thường ra máu, sờ thấy búi trĩ và đau rát nhiều hơn khiến không thể ngồi, đứng như bình thường. Trĩ ngoại sớm được phát hiện sẽ dễ điều trị hơn trĩ nội.
– Trĩ hỗn hợp: Tức là một người bị cả trĩ nội và trĩ ngoại. Khi trĩ sa, không co lên được, kết hợp với các búi trĩ ngoài rìa hậu môn dễ khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy hiểm vì các tĩnh mạch bị viêm sưng từ trong ra ngoài hậu môn, gây chảy máu nhiều và nhiễm trùng máu nghiêm trọng.
Đông y giải thích nguyên nhân của trĩ là khí hư bị hãm lại không lưu thông được nên gây ra bệnh. Các nghiên cứu ngày nay cho thấy những người ít vận động, đại tiện không phù hợp, chế độ ăn ít chất xơ, ít rau và trái cây, ngồi nhiều… dễ bị trĩ. Chảy máu khi đại tiện sẽ là triệu chứng đầu tiên và thường gặp nhất. Ban đầu, người bệnh chỉ chảy máu khi táo bón nhưng lượng máu rất ít, chỉ đôi lần phát hiện trên giấy vệ sinh. Khi bệnh diễn tiến nặng hơn, cứ mỗi lần đại tiện, máu lại chảy nhiều hơn và đi vệ sinh trong tư thế ngồi xổm càng kích thích chảy máu.
Các triệu chứng trên có thể xuất hiện thường xuyên hoặc ngắt quãng, hết vài ngày rồi lại bị, trong khi các đám rối tĩnh mạch trĩ vẫn tiếp tục âm thầm căng giãn trong ống hậu môn. Các yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm ngồi nhiều, đứng lâu, táo bón kéo dài, mang thai khiến cho đám rối tĩnh mạch ở vùng hậu môn bị sưng, giãn, sung huyết, viêm.
Trĩ làm cho bệnh nhân khó chịu, diễn tiến âm thầm nên nhiều người chủ quan không phát hiện. Chỉ đến khi biến chứng xảy ra như choáng, mất nhiều máu, nhiễm trùng do búi trĩ thòi ra không co lên được mới đến bệnh viện khám. Mặt khác đây là bệnh ở vùng kín nên bệnh nhân ngại đi khám, đặc biệt là phụ nữ. Theo thống kê tại Việt Nam, bệnh nhân mắc trĩ sau nhiều năm chịu đựng mới tìm đến bác sĩ. Khi bị chảy máu nhiều hoặc sa búi trĩ thì bệnh đã ở cấp độ nặng, không thể dùng thuốc mà phải phẫu thuật.
Trĩ ở cấp độ nhẹ dễ điều trị và có thể chữa tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ bằng cách ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, chuối, táo, lê, khoai, bí đỏ, kiêng uống bia rượu vì các chất kích thích và đồ nóng sẽ làm bệnh nặng hơn. Cần uống nhiều nước và thường xuyên tập thể dục thể thao nhẹ nhàng như bơi lội, đi bộ…Lưu ý: Khi đại tiện không được rặn. Trĩ ở giai đoạn nặng và bị sa thường phải phẫu thuật. Hiện nay phẫu thuật Longo là phương pháp an toàn và rất phổ biến được thực hiện ở hầu hết các bệnh viện. Trường hợp trĩ ngoại có huyết khối buộc phải phẫu thuật.
>>Xem thêm
Các mức độ của bệnh trĩ qua ảnh
Một nửa số người Việt trên 50 tuổi mắc trĩ
Minh Đức – Thi Trân
Nguồn vnexpress.net