Chủ động phòng “kẻ sát nhân thầm lặng”
Nhiều người, trong đó có cả người trẻ, đang đối diện với nỗi ám ảnh mang tên đột quỵ, huyết khối bởi hậu quả nghiêm trọng của nó.
Với những người đã có sẵn nguy cơ dẫn đến các vấn đề này càng mong mỏi tìm kiếm một giải pháp dự phòng hữu hiệu nhất.
Nguy cơ đột quỵ ở bệnh nhân rung nhĩ
Trong hai ngày 28 và 29-5, hơn 280 bác sĩ chuyên khoa tim mạch, hồi sức tích cực, lão khoa trên cả nước cùng các chuyên gia đầu ngành về nội tim mạch và nội thần kinh tại TP.HCM và Hà Nội tham dự hội thảo khoa học-chuyên đề về quản lý huyết khối và dự phòng đột quỵ. Hội thảo do Hội Tim mạch TP.HCM chủ trì, được tài trợ tổ chức bởi VPĐD Bayer (South East Asia) Pte Ltd tại TP.HCM.
Bàn tròn thảo luận giữa các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế về Liệu pháp kháng đông hiệu quả trong điều trị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch |
Hai ngày hội thảo xoay quanh hai chủ đề nóng hiện nay: (1) Tối ưu hóa quản lý đột quỵ trên bệnh nhân rung nhĩ và (2) Liệu pháp kháng đông nhanh và hiệu quả trong điều trị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch. Với 2 chủ đề này, các bác sĩ và chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế đã cùng chia sẻ kiến thức và các thực hành trong quản lý huyết khối cho bệnh nhân. Hội thảo cũng mở ra diễn đàn thảo luận về thực trạng, thách thức và giải pháp để nâng cao chất lượng chăm sóc cho bệnh nhân huyết khối tại Việt Nam.
PGS. TS. BS. Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Y khoa Bệnh viện Tâm Đức phát biểu khai mạc hội thảo và cập nhật khuyến cáo về kháng đông đường uống mới trong bệnh lý huyết khối |
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm trên thế giới có 15 triệu người bị đột quỵ. Trong số này, có khoảng 5 triệu người bị tàn phế suốt đời và hơn 5 triệu người tử vong, chiếm 10% số ca tử vong toàn cầu. Đột quỵ là nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu và là nguyên nhân gây chết người đứng hàng thứ ba.
Riêng tại Việt Nam, theo PGS. TS. BS. Trương Quang Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Chủ tọa hội thảo chia sẽ mỗi năm nước ta có hơn 200.000 người bị đột quỵ, hơn 50% trong số đó tử vong và 90% số người sống sót sau đột quỵ phải sống chung với các di chứng của đột quỵ.
Bệnh nhân rung nhĩ có thể có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 5 lần so với người không mắc rung nhĩ. Rung nhĩ là tình trạng rối loạn nhịp tim dẫn đến tình trạng ứ đọng máu bất thường trong buồng tim và từ đó dẫn đến sự hình thành các cục máu đông, còn gọi là huyết khối, trong buồng tim. Cục máu đông này có thể bung ra và di chuyển lên não gây gián đoạn việc cung cấp oxy lên não, dẫn đến đột quỵ.
“Khi có các triệu chứng đánh trống ngực, mệt mỏi, đau ngực, choáng váng, khó thở, ngất… bệnh nhân cần nhanh chóng đến cơ quan y tế để kiểm tra sức khỏe và xác định tình trạng rung nhĩ và có biện pháp điều trị phòng ngừa đột quỵ. Tuy nhiên, cần lưu ý 38% bệnh nhân rung nhĩ không có triệu chứng, có thể được phát hiện tình cờ qua khám sức khỏe định kỳ” – PGS. TS. BS. Trương Quang Bình lưu ý.
GS. TS. BS. Alexander Turpie, GS Y khoa, Đại học Mc Master Hamilton, Ontario báo cáo về liệu pháp một thuốc trong điều trị và dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch |
Giải pháp dự phòng chống huyết khối
Ngày nay, đột quỵ do rung nhĩ có thể được dự phòng bằng các giải pháp chống huyết khối. “Việc sử dụng các thuốc chống huyết khối trong phòng ngừa đột quỵ do rung nhĩ đã được đề nghị trong các khuyến cáo hiện nay. Trong đó, kháng vitamin K (wafarin) được xem là tiêu chuẩn vàng trong phòng ngừa đột quỵ”, TS. BS. Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM chia sẻ.
Tuy nhiên, điều trị với giải pháp kháng vitamin K truyền thống, bệnh nhân cần được theo dõi thường xuyên, xét nghiệm máu và chỉnh liều thuốc, theo dõi tương tác với thuốc và thức ăn… Với các tiến bộ y học hiện đại, nhóm thuốc kháng đông đường uống mới ra đời và được xem là liệu pháp thay thế kháng vitamin K truyền thống với ưu điểm: liều cố định, ít tương tác thuốc và thức ăn, không phải theo dõi xét nghiệm máu nên thuận tiện hơn cho bệnh nhân. So với kháng vitamin K, nhóm kháng đông đường uống mới được chứng minh có hiệu quả tương đương và giúp giảm nhiều hơn tỉ lệ xuất huyết nặng như xuất huyết nội sọ và xuất huyết gây tử vong.
“Chúng tôi tin tưởng một nỗ lực chung sẽ đem lại chìa khóa giúp giảm thiểu gánh nặng về kinh tế – xã hội do huyết khối và đột quỵ gây ra cho bệnh nhân, thân nhân, nhân viên y tế cũng như cho hệ thống y tế tại Việt Nam” Bác sĩ Lynette Moey, Giám đốc nhánh Dược phẩm của Bayer tại Việt Nam |
Mới đây, tại hội nghị thường niên của Cộng đồng Tim mạch và Rối loạn nhịp tim châu Âu (ECAS) lần thứ 12, diễn ra vào tháng 4-2016 tại Đức, công bố từ một nghiên cứu hồi cứu trên gần 23.000 bệnh nhân tại Mỹ cũng tái khắng định: so với wafarin, thuốc kháng đông đường uống mới giúp giảm tỷ lệ đột quỵ do thiếu máu cục bộ cũng như giảm tỷ lệ xuất huyết nội sọ ở bệnh nhân rung nhĩ không do van tim.
Và ngăn chặn thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch
TS. BS Hồ Huỳnh Quang Trí, Trưởng khoa Hồi sức Viện Tim TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học TP.HCM đã cảnh báo nguy cơ từ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch khi lưu ý đây được xem là “kẻ sát nhân thầm lặng” vì 80% trường hợp bệnh không có triệu chứng, nên được chẩn đoán muộn.
Trong khi đó, bệnh có tỷ lệ tái phát cao. Chính vì vậy, BS khuyến cáo ý thức tầm soát, chẩn đoán, phát hiện bệnh lý thuyên tắc huyết khối cũng như việc điều trị hiệu quả và dự phòng tái phát huyết khối là vô cùng quan trọng.
Kết quả một thử nghiệm lâm sàng cho thấy liệu pháp một thuốc kháng đông đường uống mới có khởi phát tác dụng nhanh, giúp đơn giản hóa việc trị liệu thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch với hiệu quả tương đương liệu pháp điều trị kháng đông truyền thống, gồm thuốc tiêm heparin trọng lượng phân tử thấp kết hợp kháng vitamin K đường uống; đồng thời giúp rút ngắn thời gian nằm viện cho bệnh nhân.
Khoa học vì cuộc sống tốt đẹp hơn Bayer là Tập đoàn toàn cầu có chuyên môn trong các lĩnh vực về Khoa học Đời sống, bao gồm Chăm sóc sức khỏe và Nông nghiệp. Sản phẩm và dịch vụ của Tập đoàn được thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu và nâng cao chất lượng cuộc sống con người. Đồng thời, Tập đoàn hướng đến việc tạo ra giá trị thông qua các hoạt động sáng tạo, tăng trưởng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
K.D