Chụp nhũ ảnh: Con dao 2 lưỡi khi đi thực hiện tầm soát ung thư vú
Tuy có thể giúp phát hiện và điều trị sớm các khối u trước khi chúng lan rộng và khó điều trị nhưng chụp nhũ ảnh cũng bị nghi ngờ về tính hiệu quả vì gây ra việc chẩn đoán quá mức.
LTS: Một bác sĩ chữa ung thư nổi tiếng khi trao đổi với Báo điện tử Trí Thức Trẻ đã đề cập đến tình trạng chẩn đoán nhầm là ung thư, gây ra rất nhiều thiệt hại về sức khỏe, tâm lý và tiền bạc của người bệnh. Trên thế giới, tình trạng này đã được cảnh báo nhiều lần.
Ở bài viết này, chúng tôi mong muốn cung cấp cho độc giả một cái nhìn về thực trạng “chẩn đoán nhầm là ung thư” đang diễn ra ở Mỹ – nơi có hệ thống y tế tiên tiến bậc nhất thế giới.
Mỹ: 1,3 triệu phụ nữ “sống với bản án tử hình treo lơ lửng”chỉ vì đi chụp nhũ ảnh
Năm 2012, các nhà khoa học Mỹ đã công bố một thông tin đầy chấn động: trong suốt 30 năm, khoảng 1,3 triệu phụ nữ ở nước này đã phải trải qua quá trình điều trị ung thư không cần thiết do đi chụp nhũ ảnh.
Tại Mỹ, ung thư vú là nguyên nhân gây tử vong nhiều thứ hai trong số các trường hợp phụ nữ chết vì ung thư. Và chụp nhũ ảnh là kỹ thuật tầm soát ung thư giúp phát hiện sớm bệnh này.
Thế nhưng, các nhà khoa học nhận thấy, t ừ khi việc chụp chiếu trở thành quy chẩn tầm soát ung thư vú ở Mỹ, số ca “ung thư vú” được phát hiện sớm tăng lên gấp 2 lần so với trước đó. Theo số liệu thống kê, cứ 100.000 người thực hiện tầm soát ung thư thì có 234 người phát hiện “có khối u”.
Các bác sĩ đã phát hiện ra những khối u giống ung thư nhưng lại không phải là ung thư, hoặc ung thư quá nhỏ và phát triển rất chậm đến mức sẽ không gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe bệnh nhân.
“Chúng tôi cho rằng ung thư vú đã được chẩn đoán quá mức. Chỉ tính riêng trong năm 2008, hơn 70.000 ca được chẩn đoán là ung thư vú (chiếm 31% số ca ung thư vú mới) thực tế đã bị chẩn đoán quá mức”.
Đó là kết luận của Gilbert Welch thuộc Khoa Y, trường Đại học Dartmouth và Archie Bleyer thuộc Trường Đại học Y tế và Khoa học Oregon, trong nghiên cứu viết trên Tạp chí y khoa New England Journal of Medicine.
Theo các nhà khoa học, chỉ riêng năm 2008, hơn 70.000 ca được chẩn đoán là ung thư vú (chiếm 31% các ca mới mắc) thực ra là bị chẩn đoán quá mức.
Họ nhấn mạnh, những phụ nữ này nhiều khả năng đã phải trải qua các cuộc can thiệp y khoa lớn, trong đó có phẫu thuật, xạ trị, liệu pháp điều trị bằng hormone và hóa trị, vốn không mang lại lợi ích gì mà còn có thể gây ra tác dụng phụ.
Thực trạng này được gọi là điều trị quá mức.
Cũng vì thế, theo các nhà khoa học, tỷ lệ tử vong do ung thư vú có thể giảm đáng kể nếu như có những thay đổi tích cực trong việc chẩn đoán và điều trị, không mắc những sai lầm nghiêm trọng như tình trạng chẩn đoán quá mức nêu trên.
Nhà nghiên cứu giáo dục bị cắt một bên ngực do chẩn đoán quá mức
“Một khi bác sĩ đã đưa ra chẩn đoán, bệnh nhân rất khó để nói không với những lời khuyến cáo điều trị bệnh”, Elizabeth Dawson, 56 tuổi, một nhà nghiên cứu giáo dục ở Lancaster, Anh nhận định.
Cách đây 2 năm, được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú giai đoạn 1.
Lần đầu tiên phát hiện một khối u nhỏ, ung thư phát hiện sớm, bà đã hỏi một y tá rằng liệu có sự nhầm lẫn không.
“Cô ấy nhìn tôi như thể tôi là một người phụ nữ đầy tuyệt vọng”, bà Dawson kể.
Bà Dawson đã bị cắt một bên ngực do bị chẩn đoán ung thư quá mức.
Bà Dawson đã được khuyên cần phải tiến hành cắt bỏ khối u ở “một vài nơi”, để loại bỏ tất cả những nguy cơ ung thư dù nhỏ nhất. Và bà đã quyết định cắt bỏ bộ ngực.
Sau đó, trong một lần tìm kiếm thông tin trên Google, bà đã biết đến tình trạng chuẩn đoán quá mức. Bà tin rằng mình rơi vào trường hợp này.
“Tôi bất ngờ về khả năng chuẩn đoán quá mức hơn cả việc nhận thông tin mình bị mắc ung thư. Trong 2 năm qua, tôi vẫn tự hỏi nếu không đi chụp nhũ ảnh, tôi cũng chỉ có một cục u cần theo dõi mà thôi.
Có lẽ, khối u đó nên cứ nằm đó, không phát triển thêm, không lây lan. Có lẽ, tôi đã không bị mất một bên ngực”.
Thiệt hại 4 tỉ USD/năm chỉ vì nhũ ảnh cho kết quả sai
Năm 2015, theo CNBC, nghiên cứu công bố trên tờ Health Affairs cho thấy các nhũ ảnh cho kết quả sai hoặc gây chẩn đoán quá mức về ung thư vú với phụ nữ độ tuổi 40-59.
Tình trạng này đã gây ra thiệt hại tới 4 tỉ USD/năm cho việc chăm sóc sức khỏe tại Mỹ.
Sau khi xem xét các khoản chi phí trong bảo hiểm y tế của hơn 702.000 phụ nữ, các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng việc tầm soát không thật sự hiệu quả như những gì đã được rêu rao.
Theo Trung tâm Thống kê sức khỏe quốc gia Mỹ, mỗi năm có hơn 62% phụ nữ độ tuổi 40-49 chụp nhũ ảnh và hơn 72% phụ nữ độ tuổi 50-59 thực hiện cách sàng lọc này.
Tuy nhiên, tỉ lệ chẩn đoán sai trong nhũ ảnh tương đối cao, từ đó dẫn tới những tác hại của việc điều trị quá mức, bao gồm cả việc phải làm thêm các xét nghiệm bổ sung và gây căng thẳng tâm lý cho người bệnh.
Ước tính, trong 10 năm qua, có khoảng 61% phụ nữ sau khi được chẩn đoán nhũ ảnh sai bị yêu cầu làm thêm xét nghiệm bổ sung.
Chụp X-quang vú không làm giảm tỷ lệ tử vong do ung thư vú
Năm 2015, các nhà nghiên cứu từ Trường Đại học Harvard và Đại học Dartmouth (Mỹ) cho biết tỷ lệ tử vong do ung thư vú không hề giảm, mặc dù tỷ lệ đối tượng thực hiện nhũ ảnh định kỳ lại tăng lên ở quốc gia này.
“Lời giải thích đơn giản nhất là do bị chẩn đoán quá mức nên số người bị bác sĩ “kết luận là ung thư” (khối u nhỏ và vô hại) đã tăng lên, còn tỷ lệ tử vong do căn bệnh này không thay đổi”, trích từ 1 bài báo được đăng trên tạp chí Y tế quốc tế Jama vào ngày 6/7/2015.
Trong khi, các nghiên cứu trước đây nói rằng phương pháp sàng lọc bằng nhũ ảnh giảm tối thiểu 20% trường hợp tử vong do ung thư vú với phụ nữ ở độ tuổi 40 trở lên.
Năm 2009, Hội Ung thư Mỹ vẫn khuyến nghị phụ nữ vào độ tuổi 40 nên làm xét nghiệm tầm soát ung thư thường niên bằng chụp nhũ ảnh.
Tuy nhiên, tiến sĩ Harold Burstein, một bác sĩ cao cấp của Chương trình ung thư vú của Viện ung thư Dana-Farber ở Boston cho biết những phát hiện mới đây chỉ ra rằng phụ nữ có thể không cần phải đi chụp nhũ ảnh định kỳ.
“Chụp nhũ ảnh rất quan trọng, nhưng chúng ta cần chỉ ra đối tượng nào cần thiết phải chụp”, ông Burstein, cũng là một chuyên gia của Hiệp hội Ung thư học Lâm sàng Mỹ nêu ý kiến.
Tiến sĩ Joann Elmore, giáo sư y khoa của Trường Đại học Washington ở Seattle cho biết n ghiên cứu này cũng nhấn mạnh các bác sĩ nên phân loại các bệnh ung thư vú nguy hiểm với các loại u vú khác, vốn không cần điều trị ngay lập tức.
“Tôi muốn nói với các bệnh nhân của mình rằng, bạn không bị mắc ung thư vú, và khối u đó lành tính, không gây hại. Bạn không cần cắt bỏ tuyến vú”, tiến sĩ Joann Elmore nói.
Lời khuyên của các chuyên gia sức khỏe là phụ nữ rất cần làm các xét nghiệm y khoa khi phát hiện có khối u bất thường trên ngực.
Nhưng họ cũng nên cân nhắc thận trọng về những hệ lụy từ việc chẩn đoán sai hoặc chẩn đoán quá mức từ nhũ ảnh.
Tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 11.000 ca mắc mới và hơn 4.500 trường hợp tử vong vì ung thư vú, chiếm 25% tổng số các loại bệnh ung thư ở nữ giới.
Hiện nay, chiến dịch “Tầm soát ung thư vú ngay khi sang tuổi 40” vẫn đang được triển khai rộng rãi ở khắp các tỉnh thành trong cả nước.