Chuyên gia giải đáp thắc mắc phổ biến về chứng táo bón ở trẻ
PGS. TS. BS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Nhi, ĐH Y Dược TP.HCM sẽ giải đáp những thắc mắc thường gặp nhất về táo bón ở trẻ.
Thưa bác sĩ, như thế nào là táo bón?
Rất nhiều bà mẹ lo lắng mang con đến phòng khám vì bé mãi 4-5 ngày mới đi tiêu một lần, hoặc trước đây bé đi tiêu 2-3 lần mỗi ngày thì nay bé lớn lên chỉ còn đi mỗi ngày 1 lần, v.v… Liệu các trường hợp đó có phải là táo bón hay không? Xin thưa là… không! Nếu bé 4-5 ngày mới đi tiêu nhưng phân vẫn mềm, tơi xốp thì không gọi là táo bón. Tương tự, bé ngày càng lớn thì số lần đi tiêu trong ngày càng giảm đi cũng là hiện tượng sinh lý bình thường.
Táo bón là khi bé đi tiêu thưa thớt (dưới 3 lần mỗi tuần) hoặc đi tiêu khó khăn và gây ra sự khó chịu, căng thẳng khi đi tiêu (phân cứng, rặn đau, ngồi lâu, tiêu khó khăn, đôi khi chảy máu hậu môn,…). Ước tính hầu như bé nào cũng có ít nhất 1 lần bị táo bón, nhưng chỉ thoáng qua rồi hết. Những bé bị táo bón kéo dài vài tuần lễ được gọi là táo bón mạn tính và cần những sự chăm sóc toàn diện từ chế độ ăn, chế độ sinh hoạt, trấn an tâm lý và sử dụng thuốc.
Bé nhà tôi một tuổi bị táo bón kéo dài. Mẹ rất chú ý bổ sung rau củ quả và nước cho con nhưng không giảm. Xin bác sỹ tư vấn giúp. Tôi xin cảm ơn.
Việc điều trị táo bón đòi hỏi phối hợp toàn diện nhiều mặt như dịch nhập (nước), chất xơ (rau củ quả), tập đi cầu mỗi ngày, vận động, ăn thức ăn phù hợp, tránh một số thuốc có thể làm táo bón nặng hơn và sử dụng thuốc nhuận trường hợp lý. Vậy, đôi khi chúng ta đã cho uống nhiều nước nhưng liệu đã đủ theo nhu cầu hàng ngày chưa; hoặc ăn nhiều rau trái nhưng có đúng là các loại rau trái nhiều chất xơ chưa, v.v…
Vậy bạn hãy đưa cháu đến gặp một bác sĩ chuyên về tiêu hoá nhi khoa để được hướng dẫn cặn kẽ và nếu cần, sử dụng thêm các thuốc nhuận trường nhẹ, sinh lý, giúp phân mềm như thuốc có chứa lactulose là một trong số đó.
Bác sỹ cho cháu hỏi, bé nhà cháu được 14 tháng tuổi, 1 tuần nay cháu bị táo bón. 7 ngày đi 3 lần, và mỗi lần đi phân đều rắn và có chảy máu tươi. Cháu đang ăn cháo và ăn rất nhiều rau (rau ngót, rau mùng tơi, rau cải, rau lang, rau dền…). Vậy mà cháu vẫn bị táo bón, xin bác sĩ cho em lời khuyên.
Bé bị táo bón nhưng mới cấp tính, chỉ xảy ra gần đây, không phải dạng mạn tính kéo dài. Bé ăn nhiều rau, trái cây là tốt. Bạn nên cho cháu uống nhiều nước (nước chín, sữa, nước trái cây,…) khoảng 1.000-1.200ml/ngày để phân mềm hơn. Mỗi ngày chọn một giờ nào đó tập cho bé đi tiêu. Nếu đã làm như thế 2 tuần mà vẫn không bớt thì cho bé đi khám bệnh.
Cháu gái tôi đã 15 tuổi vẫn thường bị táo bón. Phải 3-4 ngày mới đi cầu 1 lần. Phân rất to và cứng, đã mấy lần làm tắc bồn cầu. Mẹ cháu đã làm rất nhiều cách từ lúc cháu còn bé nhưng không có kết quả bao nhiêu! Tôi và mẹ cháu rất lo lắng cho đường ruột của cháu. Xin giúp tôi phương pháp nào để trị được bệnh này. Xin cảm ơn. Có điều lạ là da dẻ cháu rất mịn màng và trắng hồng. Cháu cao 1,52m, nặng 49kg.
Chào Anh Chị. Cháu nhà đã có triệu chứng của táo bón mạn tính, nếu để lâu sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và thể chất. Một số trường hợp táo bón kéo dài có thể có các biến chứng như sa trực tràng, són phân, thay đổi tính tình, v.v… Chị nên xem lại mỗi ngày cháu đã uống đủ ít nhất 2 lít nước chưa. Khuyến khích cháu nên ăn nhiều rau quả. Tăng cường vận động (thể thao, đi bộ). Anh Chị cũng nên hỏi cháu mỗi lần mắc đi cầu thì có thuận tiện đi ngay không, hay cháu ngại gì đó rồi cố nín đến khi thuận tiện chẳng hạn.
Cuối cùng, với tình trạng táo bón kéo dài lâu như vậy, chắc chắn cháu nhà cần phải uống các loại thuốc làm mềm phân như thuốc có chứa lactulose là một trong số đó. Chị có thể trao đổi thêm với các bác sĩ nhi để biết liều lượng và cách uống phù hợp để mau chóng có hiệu quả.