Đà Nẵng: Hơn 100 bé ra đời bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm

Chia sẻ tin này:

Chiều 20/6, Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng tổ chức hội nghị quốc tế sản khoa, chào mừng sự kiện em bé thứ 120 ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

Sự kiện đánh dấu bước tiến mới vô cùng quan trọng của Bệnh viện trong việc khẳng định khả năng và vị trí trong khu vực điều trị vô sinh, hiếm muộn của một bệnh viện chuyên khoa Phụ sản – Nhi đầu ngành khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

BS.CKII Nguyễn Thị Phương Lê, Trưởng khoa Hiếm muộn (Bệnh viện Phụ sản Nhi – Đà Nẵng) cho biết, bệnh viện bắt đầu triển khai các hoạt động thụ tinh trong ống nghiệm từ tháng 4/2014. Sau một thời gian hoạt động, đến nay, đơn vị Hiếm muộn đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Sau sự kiện 3 bé đầu tiên chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm vào ngày 25/12/2014, đến nay, bệnh viện đã đón em bé thứ 120 ra đời bằng phương pháp này. Thành công này không chỉ đánh dấu sự trưởng thành của khoa Hiếm muộn mà còn góp phần hỗ trợ tích cực vào việc hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn cho các bệnh nhân khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Quang cảnh buổi hội nghị
Quang cảnh buổi hội nghị

Kể từ khi triển khai thụ tinh trong ống nghiệm, đến tháng 4/2016, khoa Hiếm muộn đã thực hiện được 506 chu kỳ chọc hút trứng, 244 chu kỳ chuyển phôi tươi và 290 chu kỳ chuyển phôi trữ lạnh, với tỷ lệ thành công tương đương các trung tâm lớn trong nước.

Hiện nay, khoa Hiếm muộn (Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng) có thể thực hiện hầu hết các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như: bơm tinh trùng vào buồng tử vong, thụ tinh trong ống nghiệm cổ điển, thụ tinh trong ống nghiệm – tiêm tinh trùng và bào tương trứng, thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng phẫu thuật, thụ tinh trong ống nghiệm – xin trứng, trữ lạnh phôi/trứng/tinh trùng, chuyển phôi lạnh…

Việc triển khai thành công thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng đã giảm đáng kể thời gian đi lại cũng như giảm chi phí điều trị và căng thẳng về tâm lý cho bệnh nhân khu vực Đà Nẵng cũng như các tỉnh lân cận trong suốt quá trình điều trị. Hiện chi phí cho mỗi ca điều trị hiếm muộn, vô sinh thực hiện tại bệnh viện bình quân khoảng 50 – 70 triệu đồng/ca.

Sau sự kiện 3 bé đầu tiên chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm vào ngày 25/12/2014, đến nay, bệnh viện đã đón em bé thứ 120 ra đời bằng phương pháp này
Sau sự kiện 3 bé đầu tiên chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm vào ngày 25/12/2014, đến nay, bệnh viện đã đón em bé thứ 120 ra đời bằng phương pháp này

“Tại bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, tuy mới triển khai phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm được 2 năm nhưng đến nay, con số 120 em bé chào đời tại bệnh viện bằng phương pháp này, tỷ lệ có thai là 40,45% là thành công đáng khích lệ cho đội ngũ y bác sĩ bệnh viện và thúc đẩy chúng tôi không ngừng nổ lực”, bác sĩ Nguyễn Thị Phương Lê, người trực tiếp thực hiện nhiều ca thụ tinh trong ống nghiệm vừa qua chia sẻ.

Được biết, ở Việt Nam, thụ tinh trong ống nghiệm đã được triển khai thành công từ năm 1998. Mặc dù đi sau thế giới 20 năm nhưng kỹ thuật này đã nhanh chóng phát triển và có những bước tiến vượt bậc. Hiện nay, mỗi năm có khoảng 1.800 trường hợp thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và các kỹ thuật liên quan, con số có thể tăng lên khoảng 10% mỗi năm. Tính đến năm 2016, đã có 23 trung tâm hỗ trợ sinh sản được thành lập, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TPHCM. Ở miền Trung, có Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y – Dược Huế và Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng.

Khánh Hồng

Nguồn Dân trí

Chia sẻ tin này:

Có thể bạn quan tâm

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận