Dân “tập” dùng nước sạch không đảm bảo vì nước sông ô nhiễm

Chia sẻ tin này:

Nguồn nước sinh hoạt ở thành phố Phủ Lý hiện nay đang sử dụng được xử lý từ nguồn nước mặt của sông Đáy và sông Nhuệ, hai con sông đang bị ô nhiễm khá nặng. Việc sông Nhuệ và sông Đáy ô nhiễm khiến nguồn nước sinh hoạt cũng ảnh hưởng, trong khi đó người dân vẫn “tập” dùng nước không đảm bảo chất lượng.

Đầu lấy nước trên nước mặt sông Đáy để xử lý thành nước sạch

Thời gian gần đây, việc sông Nhuệ hứng chịu xả thải từ Hà Nội về khiến nước sông bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều người dân đã liên tục có ý kiến phản ánh đến công ty cung cấp nước sạch.

Bà Phạm Thục Yến, phường Liêm Chính, thành phố Phủ Lý bức xúc cho biết: “Mấy tháng nay nước xả ra đều có mùi, để lâu dưới chậu lặng cặn xuống dưới. Trong khi đó, gia đình tôi chỉ dùng nước máy này thôi vì dùng nước giếng khoan thì không được bởi bị nhiễm chất asen. Nếu không dùng nước sạch thì cũng không biết sử dụng nguồn nước nào khác ngoài nguồn nước này”.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Phạm Trọng Khôi, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần nước sạch Hà Nam, thừa nhận, nước sinh hoạt cung cấp cho các hộ dân thời gian qua có mùi hôi là do nguồn nước đầu vào của nhà máy được lấy từ sông Đáy không đảm bảo tiêu chuẩn. Vì vậy, khi khai thác nước bề mặt trực tiếp của sông Đáy để xử lý và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, có hai chỉ tiêu không đạt và không thể khắc phục được, đó là mùi và chất hữu cơ hòa tan.

Trên thực tế, kết quả kiểm nghiệm nước sinh hoạt lấy từ một số hộ dân của Trung tâm Y tế dự phòng, Sở Y tế tỉnh Hà Nam, cho thấy tất cả đều không đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Trong đó, chỉ số tạp chất hữu cơ hòa tan trong nước (pecmanganat) cao gấp 2,5 lần giới hạn cho phép; độ đục gấp 1,5 lần so với chỉ tiêu của Bộ Y tế quy định.

yq-1464178869025

Một công đoạn tròn quá trình xử lý nước sạch

Ông Khôi lý giải: “Vào thời điểm nước sông Đáy bị ô nhiễm bởi sông Nhuệ bị xả thải từ Hà Nội đổ thẳng vào cống Thịnh Liệt không có xử lý, khi đó đi cầu Phủ Lý ngửi thấy mùi thối, nước thì màu đen và hiện tượng cá chết. Lúc đó người dân sẽ suy ra, nước sông đã bị ô nhiễm nên nước máy không thể sạch. Câu chuyện này đương nhiên là có”.

Điều đáng nói, dù có 2 chỉ số không đạt và mùi nước tanh không thể khắc phục nhưng ông Khôi vẫn khẳng định: “Chúng tôi khẳng định với thiết bị công nghệ chúng tôi kiểm soát được”. Và ông Khôi cũng cho rằng nước có 2 chỉ tiêu vượt chuẩn và mùi nước tanh là phương án tối ưu nhất trong thời điểm này bởi nếu tắt máy chờ nước nguồn nước sạch thì người tiêu dùng sẽ không có nước. Do đó, công ty lựa chọn phương án chạy máy từ 50-70% công suất để chất lượng lọc sẽ tốt hơn.

Về hướng khắc phục, ông Khôi cho biết công ty Cổ phần nước sạch Hà Nam đang tiến hành khảo sát lập dự án đầu tư xây dựng nhà máy nước khai thác nước từ nguồn nước sông Hồng có công suất 120.000m3/ngày đêm. Và nếu được duyệt thì cũng phải đến năm 2017, nhà máy này sẽ đi vào hoạt động, cung cấp nguồn nước sạch, hợp vệ sinh cho người dân.

Như vậy, người dân Hà Nam sẽ còn phải tiếp tục dùng nước sạch với những chỉ tiêu không đạt và có mùi tanh trong nhiều tháng tới.

Đức Văn

Chia sẻ tin này:

Có thể bạn quan tâm