Đông y chữa bệnh Sa sinh dục (âm đỉnh) nữ giới
Trong âm hộ phụ nữ có một khối sa xuống lòi ra ngoài thì gọi là âm đỉnh, còn gọi là âm thoát, âm đồi, âm khuẩn hoặc âm trĩ, tục gọi là bệnh quả cà. Bệnh này hay thấy phát sinh vào lúc đẻ, cho nên thông thường người ta lại gọi là sa dạ con; nếu sa xuống ngay lúc đẻ thì gọi là bàn trường sản.
Mục lục bài viết
NGUYÊN NHÂN BÊNH
Nguyên nhân sinh ra bệnh này chủ yếu là khí hư hãm xuống, không thu vào được, tuy cũng có chứng thấp nhiệt, nhưng chứng thường thấy trên lâm sàng phần nhiều là sau khi đã sa xuống rồi bị cọ sát hoặc vỡ loét ra nước vàng đầm đìa, âm môn sưng trướng, phát nóng, khát nước, đi đái đỏ mà đau. Những chứng trạng đó lúc mới phát bệnh rất ít hiện ra, cho nên thấp nhiệt không phải là nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh. Nay đem phân biệt chứng khí hư và Chứng thấp nhiệt mà trình bày như sau:
- Khí hư
Ngày thường thể chất vốn yếu, lao động quá độ, hoặc lúc đẻ dùng sức quá chừng hoặc sau khi đẻ lao động quá sớm, rồi khí hư hãm xuống, không thu giữ lại được.
- Thấp nhiệt
Tỳ hư không vận hoá được thấp, thấp uất lâu sinh nhiệt gây nên chứng thấp nhiệt ở hạ tiêu.
BIỆN CHỨNG
Bệnh này chia ra 2 chứng: khí hư và thấp nhiệt. Những chứng thuộc nhiệt, tất nhiên thấy âm môn sưng đau, tiểu tiện ít và đi luôn; thuộc về hư, tất nhiên lưng, bụng nặng trĩu, tiểu tiện trong nhiều.
- Chứng khí hư
Trong âm hộ có khối sa xuống tận cửa mình hoặc lòi ra ngoài của mình, thậm chí sa lòi ra vài tấc bằng quả trứng ngỗng. Bụng dưới nặng nề vùng ngang lưng đau mỏi, tim hồi hộp, khí đoản, tinh thần mỏi mệt, tiểu tiện đi luôn, đại tiện lỏng, khí hư ra nhiều, rêu lưỡi mỏng, mạch trầm nhược.
- Chứng thấp nhiệt
Trong âm hộ có khối lòi ra, ngoài âm hộ sưng đau nước vàng ra dầm để, đi đái nóng rát, lúc đái thì đau, lòng phiền, trong nóng, hoặc mình nóng tự đổ mồ hôi. miệng đắng mà khô, lưỡi đỏ rêu vàng mà có nhớt, mạch hoạt sác.
CÁCH CHỮA
Cách chữa chứng âm đỉnh, căn cứ theo nguyên tắc Nội kinh “hãm xuống thì đưa lên”, dùng bổ khí để đưa lên là chính, cả đến chứng thấp nhiệt dồn xuống, tuy không nên dùng bổ, nhưng trong thuốc thanh nhiệt trừ thấp cũng nên chú ý dùng thêm thuốc có tính chất thăng đề, để đưa khí hạ hãm từ dưới lên, mới có thể thu được nhiều hiệu quả tốt. Đồng thời lại phối hợp với phép châm cứu và phép chữa ngoài thì hiệu quả lại càng chóng hơn. Trong tất cả quá trình chữa bệnh nên nghỉ ngơi cho đúng mức, kiêng hẳn phòng dục và gánh vác nặng nề, để nâng cao hiệu suất trị liệu và dự phòng bệnh tái phát. Khí hư thì nên bổ khí thăng dương dùng bài Bổ trung ích khí thang (1) làm chủ; thấp nhiệt thì nên thanh nhiệt lợi thấp dùng bài Long đởm tả can thang mà chữa (2)
PHỤ PHƯƠNG
- Bổ trung ích khí thang (Xem Băng huyết rong huyết)
- Long đởm tả can thang (Xem Đới hạ)