Đừng xoa bóp khi bị đau cổ, đau lưng
Nhiều trường hợp bị đau cổ, đau lưng đã đi xoa bóp, cạo gió, giác hơi. Tình trạng đau đớn thuyên giảm nhưng rồi người bệnh nhanh chóng đau trở lại với triệu chứng thoái hoá khớp nặng hơn hẳn bởi họ mới chỉ điều trị triệu chứng trong khi nguyên nhân không được xử lý triệt để.
Bệnh thường gặp từ nhóm tuổi trung niên
Thường xuyên làm những công việc nặng nhọc của nhà nông, nhiều năm qua bà Mai Thị S. (56 tuổi, ngụ tại Tiền Giang) xuất hiện triệu chứng đau hai khớp gối. Tình trạng đau liên tục gia tăng, gần đây bà bắt đầu bị sưng khớp đi lại khó khăn nên phải đến bệnh viện Đại học Y Dược, TPHCM khám và điều trị.
Kết quả kiểm tra của bác sĩ ghi nhận, khớp gối của bệnh nhân tụ dịch, khi vận động phát ra tiếng kêu “lụp cụp”. Chẩn đoán hình ảnh từ phim X-quang phát hiện người bệnh bị thoái hóa nặng, khe khớp rất hẹp, gần như dính lại với nhau và có nhiều gai xương. Tình trạng thoái hóa của người bệnh đã quá nặng, việc điều trị nội khoa không mang lại kết quả. Bác sĩ buộc phải tiến hành thay khớp để duy trì khả năng vận động và giảm đau đớn kéo dài cho bệnh nhân.
Một trường hợp khác là nữ bệnh nhân Nguyễn Thị T. (35 tuổi, ngụ tại TPHCM), nhân viên văn phòng phải ngồi làm việc trên máy tính từ 8 đến 10 giờ mỗi ngày. Gần 3 năm qua chị T. xuất hiện các triệu chứng như đau mỏi nhiều ở vùng cổ, sau đó lan ra sau gáy, hai vai, cảm giác đau tiếp tục tấn công lên vùng đầu gây suy giảm nghiêm trọng chất lượng sống, khiến người bệnh “sợ” chính công việc của mình.
Khai thác bệnh sử từ bác sĩ ghi nhận, mỗi khi đau nhiều, chị T. thường xuyên xoa bóp, cạo gió nhưng triệu chứng đau cổ, đau đầu không thuyên giảm mà ngày càng nặng thêm. Qua các kết quả thăm khám, bác sĩ xác định người bệnh bị thoái hóa cột sống cổ nên chỉ định điều trị nội khoa bằng thuốc giảm đau mỏi, kháng viêm, giãn cơ, kết hợp vật lý trị liệu hỗ trợ phục hồi các cơ vùng cột sống cổ.
ThS.BS Nguyễn Thành Nhân, Khoa Chấn thương Chỉnh hình cho hay, thoái hóa khớp đang trở thành căn bệnh phổ biến trong xã hội hiện đại. Thống kê sơ bộ tại bệnh viện Đại học Y Dược trong năm 2015 có tới gần 95.000 người bệnh đến khám, trong đó 70-80% người bệnh có các triệu chứng liên quan đến thoái hóa khớp và thoái hóa cột sống.
Đây là tiến trình lão hóa của cơ thể nên bệnh không loại trừ ai, sau độ tuổi từ 35 hoặc 40. Bệnh thường gặp nhất ở phụ nữ sau mãn kinh, người béo phì, người làm việc nặng nhọc, làm việc văn phòng, người có tiền sử chấn thương, các yếu tố mang tính di truyền và bệnh lý nội khoa như nhiễm trùng, đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp, gout… Ước tính khoảng 80% người dân ở nông thôn làm công việc đồng áng nặng nhọc, lao động tay chân mắc bệnh. Người dân ở các thành phố thì bị ảnh hưởng bởi lối sống công nghiệp, thói quen lười vận động, dùng thức ăn nhiều dầu mỡ dẫn tới béo phì, làm việc văn phòng, lười tập thể dục.
Cạo gió, giác hơi không có tác dụng điều trị
Như đã đề cập (ở trên) trường hợp chị Nguyễn Thị T. thường xuyên cạo gió, xoa bóp khi đau do thoái hóa khớp. Trao đổi về vấn đề này ThS.BS Nguyễn Thành Nhân cho hay: Những phương pháp điều trị dân gian như xoa bóp, cạo gió hay giác hơi sẽ không có hiệu quả trong điều trị thoái hóa khớp.
Tuy nhiên, sau khi thực hiện các biện pháp trên, người bệnh có cảm giác thoải mái, dễ chịu hơn bởi cạo gió gây tác động mạnh trên da làm đau tại chỗ, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách tiết ra các chất giảm đau tự nhiên (gọi là endorphins, giống như morphin tự nhiên của cơ thể) tạo ra cảm giác khoan khoái. Điều này sẽ khiến nhiều người có nguy cơ bị nghiện cạo gió, giác hơi. Vừa qua, ở Trung Quốc có trường hợp người bệnh nhập viện vì 7 vết thương nhiễm trùng trên lưng do giác hơi liên tục cả tháng.
ThS.BS Thành Nhân khẳng định, cạo gió, giác hơi chỉ giúp giảm đau trong thời gian rất ngắn, chứ không mang lại tác dụng điều trị bởi nguyên nhân gây ra thoái hóa khớp, cột sống vẫn còn đó. Nếu không được điều trị triệt để người bệnh sẽ nhanh chóng bị đau trở lại và gây ra những hậu quả nặng nề.
Phân tích chuyên môn của bác sĩ chỉ ra, người bị thoái hóa khớp, giai đoạn sớm thường xuất hiện các triệu chứng như cứng khớp, đau khớp nhẹ vào buổi sáng, cảm giác đau giảm khi nghỉ ngơi, nhưng sẽ tăng dần theo thời gian. Giai đoạn muộn thường bị sưng đau khớp nhiều, tràn dịch khớp, giới hạn vận động khớp, teo cơ quanh khớp, lạo xạo khớp, biến dạng khớp, lệch trục khớp.
Người bị thoái hóa cột sống giai đoạn sớm thường xuất hiện các triệu chứng như đau mỏi cổ lan xuống vai, đau lưng, giới hạn vận động cột sống, tê nhẹ tay chân, ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc. Giai đoạn muộn đau sẽ tăng nặng, giới hạn vận động, rối loạn cảm giác tê tay chân ngày càng nhiều, liệt vận động, rối loạn tiêu tiểu,… khiến người bệnh không thể làm việc hoặc bị tàn tật.
Bên cạnh khuyến cáo những người có các biểu hiện bệnh ngay trong giai đoạn sớm nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bác sĩ lưu ý cộng đồng cần có chế độ làm việc, ăn uống, luyện tập thể dục đều đặn. Nhân viên văn phòng nên thay đổi tư thế khi ngồi sau một giờ làm việc, tập vận động các khớp, tránh ngồi một chỗ quá lâu, tránh đứng nhiều, đứng lâu, mang vác nặng, tránh đi bộ hay leo cầu thang quá nhiều.
Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, nhiều rau xanh, sữa để cung cấp vitamin và canxi, hạn chế thức ăn chiên, xào nhiều dầu mỡ, tránh bia, rượu, thuốc lá, tránh thức khuya… là giải pháp phòng thoái hóa cơ xương khớp nói riêng và các bệnh lý khác cho cơ thể. Những người trên 40 tuổi nên vận động nhẹ nhàng như đi bộ, thể dục dưỡng sinh, bơi lội…
Nhằm hướng dẫn, cung cấp những kiến thức về bệnh lý thoái hóa khớp cho cộng đồng, chương trình tư vấn nguy cơ thoái hóa khớp sẽ diễn ra từ 8 giờ đến 10 giờ ngày 3/7/2016 tại Giảng đường 3A, lầu 3, khu A, bệnh viện Đại học Y Dược (215 Hồng Bàng, phường 11, quận 5, TPHCM). Chương trình sẽ tặng 100 phiếu khám bệnh miễn phí cho những người đăng ký đầu tiên qua số điện thoại: (08) 39525350.
Vân Sơn
Nguồn Dân trí