Hysteria không phải là bệnh do thiếu thốn tình dục
Vài nét về lịch sử
hysteria được xem như là bệnh tâm trí với biểu hiện là có nỗi sợ hãi hay cảm xúc quá mức; người bệnh tưởng tượng một bộ phận nào đó của cơ thể bị bệnh và không thể tự kiểm soát. Tên gốc Hi Lạp là hỵsterikos, một bệnh chỉ gặp ở phụ nữ và cho là có nguyên nhân từ tử cung.
Đến thời Hippocrate được gọi là Hysteria và cũng cho là do máu vận chuyển không đều từ tử cung đến não. Từ giữa thế kỷ XIX bệnh được nói đến nhiều với tên gọi là bệnh hysteria ở phụ nữ mà ngày nay nhiều người cho là do tình dục không thỏa mãn. Vì thế “cách chữa trị” đã có thời dùng máy rung (vibrator) hay phun nước để tạo khoái cực. Giới y học phương Tây ngày nay không sử dụng tên bệnh hysteria phụ nữ nữa nhưng trong kỷ nguyên Victoria thì tên bệnh này là một chẩn đoán khá phổ biến và bao gồm một loạt triệu chứng như suy nhược, lo lắng, nặng bụng, khó ngủ, giữ nước, chuột rút, thở gấp, dễ kích thích, ăn không ngon, hết ham muốn và có xu hướng gây ra rối loạn. Khi đã được chẩn đoán là bị hysteria phụ nữ thì được xoa bóp vùng tiểu khung tức là thầy thuốc dùng tay kích thích cơ quan sinh dục phụ nữ để đến mức “có cơn hysteria kịch phát ” mà ngày nay gọi là khoái cực.
Từ năm 1859 có thầy thuốc cho rằng có đến một phần tư phụ nữ bị hysteria và với trên 75 trang mô tả các triệu chứng thì hầu như mọi bệnh đều có thể phù hợp để chẩn đoán là hysteria. Điều đó chỉ có lợi cho thầy thuốc vì bệnh nhân, thì không nặng đến mức tử vong mà lại cần điều trị thường xuyên, vấn đề duy nhất là thầy thuốc không thích thú gì với liệu pháp xoa bóp kéo dài giờ để bệnh nhân đạt đến khoái cực, vì vậy cần phải sáng chế ra các máy móc và máy rung chạy điện đã ra đời vào những năm 1870, đến 1918 thì đã có máy rất tiện dụng cho việc dùng tại nhà.
Đầu thế kỷ 20 khi môn phân tâm học do Sigmund Freud (một thầy thuốc người Áo) đề sướng trở nên nổi tiếng thì hysteria được chữa trị bằng phương pháp riêng. Ngay từ đầu thế kỷ 20, số trường hợp được chẩn đoán là hysteria đã giảm rõ rệt, do nhiều lí do nhưng nhiều thầy thuốc cho rằng do mọi người đã có hiểu biết nhiều hơn về bệnh chuyển dạng (conversion disorder). Nhiều trường hợp hysteria đã được Freud sửa lại là rối nhiễu lo hãi, Ngày nay người ta thừa nhận nhiều biểu hiện của hysteria được coi là bệnh tinh thần phân lập, bệnh chuyển dạng và bệnh lo hãi.
Và cũng cần nói thêm rằng sự hiểu biết về hysteria có tiến bộ là nhờ công trình nghiên cứu của nhà thần kinh học người Pháp tên là Jean-Martin Charcot.
Về bệnh sinh
400 năm trước Công nguyên, Hippocrates xác định hysteria là “bệnh của tử cung, có thể chữa trị được bằng vận động và xoa bóp”. Plato nêu lên giả thuyết là bệnh đã sinh ra do tử cung đi lang thang khắp cơ thể phụ nữ và sẽ làm cho bệnh nhân ngạt thở mà chết khi nó di chuyển đến ngực, vì thế tên bệnh theo tiếng Hi Lạp có nghĩa là tử cung. Một thầy thuốc có tiếng tâm ở thế kỷ thứ hai là Galen viết rằng hysteria là bệnh do thiếu thốn về tình dục, hay gặp ở những phụ nữ chưa có chồng, các nữ tu sĩ, các thiếu phụ góa chồng và đôi khi cả phụ nữ đã có chồng. Cách điều trị ở thời trung cổ và thời kỳ phục hưng là tạo cơ hội để có quan hệ tình dục nếu là phụ nữ đã kết hôn, hoặc cho kết hôn nếu chưa có chồng hoặc dùng nữ hộ sinh để xoa bóp vùng tiểu khung…
Trong thế kỷ XIX, một chủ đề được bàn luận nhiều, đó là tình dục là hành vi sinh sản hay hành vi để có khoái lạc. Mặc dầu là một hình ảnh thiêng liêng đương thời nhưng nữ hoàng Victoria nước Anh có rất nhiều con. Khi khả năng mắn đẻ giảm đi thì mục đích sinh sản của hành vi tình dục không còn là chính nữa; hầu hết quan niệm về tình dục nữ thời đó đều nhận định sai lầm rằng phụ nữ không có đòi hỏi tình dục và như thế thì phụ nữ có sinh hoạt tình dục chỉ để sinh sản. Nhận định ấy có thể dẫn đến nguy cơ số phụ nữ không được thỏa mãn về tình dục tăng lên và nhu cầu điều trị hysteria cũng tăng theo.
Bệnh cảnh và phương hướng điều trị
Bệnh chuyển dạng có nguồn gốc lịch sử là bệnh hysteria, đã được Sigmund Freud mô tả và điều trị bằng phương pháp phân tâm học. Bệnh chuyển dạng có nhiều biểu hiện khác nhau và có thể do một stress tâm lý cấp tính khởi động mà cá thể không thể xử lý được. Sự suy giảm toàn bộ chức năng tâm lý đã làm cho não bị liệt một cách vô thức hay làm suy yếu chức năng cơ thể đến mức làm cho bệnh nhân không cảm nhận được tác động của stress này một lần nữa. Do đó stress tâm lý-xã hội có thể bị “chuyển hóa” thành triệu chứng thể chất. Người bệnh không hề biết về tiến trình này – một đặc trưng được gọi là sự thờ ơ hoàn toàn.
Các biểu hiện thường giống như bệnh về thần kinh, bao gồm một hay nhiều triệu chứng và dấu hiệu sau đây: liệt một chi hay liệt toàn thân; suy giảm về thính lực hay thị lực; mất cảm giác; suy giảm hay mất khả năng ngôn ngữ; co giật do nguyên nhân tâm lý; tăng trương lực cd do nguyên nhân tâm lý.
Việc chẩn đoán bệnh thường rất khó, cần tìm hiểu kỹ lịch sử và quan sát để loại trừ khả năng bệnh nhân giả vờ hay có nguyên nhân sinh học không phát hiện ra. Khám kỹ càng thực thể và thần kinh để phát hiện nguyên nhân thực thể có đủ để gây ra liệt không. Nếu không do nguyên nhân thực thể thì thì bệnh nhân cần được điều trị bằng liệu pháp hành vi – nhận thức để phá vỡ rào cản tâm lý và các chu kỳ hành vi làm cho tác nhân gây stress phát sinh.