Kết luận nguyên nhân nữ sinh bị cưa chân: Bác sĩ có nhiều sai sót
Theo đó, bác sĩ Y Tâm – người trực tiếp điều trị và chỉ định bó bột cho bé Vi – đã chữa bệnh không đúng chuyên môn và không theo dõi diễn biến bệnh lý sau khi bó bột. Bác sĩ Y Tâm được cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh nội khoa nhưng lại được phân công làm việc ở khoa Ngoại.
Bác sĩ Trịnh Đức Lam là phẫu thuật viên chính cho bệnh nhân Vi sau khi hội chẩn, song biên bản hội chẩn không có tên bác sĩ Lam. Sáng 8/3 bác sĩ Lam khám cho bệnh nhân Vi tại phòng mổ, phát hiện chân căng cứng nổi phồng nước nhưng đã không đánh giá tiên lượng được tổn thương sâu xa và biến chứng sau gãy. Hồ sơ bệnh án của cháu Vi cũng không được ghi chép đầy đủ.
Sở Y tế cũng đề cập đến trách nhiệm của lãnh đạo bệnh viện. Theo đó, bác sĩ Lê Quang Nghĩa trực lãnh đạo hội chẩn cùng bác sĩ điều trị cho cháu Vi song lại không nắm về chuyên môn để chỉ đạo xử lý. Ban giám đốc bệnh viện được kết luận là đã bố trí việc làm cho bác sĩ Y Tâm không phù hợp.
Hội đồng chuyên môn cũng xác định bệnh nhân Vi bị hoại tử cơ 4 khoang cẳng chân phải do chèn ép khoang muộn/ gãy kín mâm chày phải. Đây là bệnh lý khó, hiếm gặp, vượt quá khả năng chẩn đoán của bệnh viện tuyến huyện còn yếu và thiếu nhân lực. Chẩn đoán ban đầu của bác sĩ điều trị Y Tâm là bệnh nhân bị gãy vỡ mâm chày xương cẳng chân nên chỉ định bó bột.
Từ những đánh giá này, Sở Y tế Đăk Lăk cho rằng trách nhiệm chính trong việc bệnh nhân Vi bị cưa mất chân thuộc về lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin, khoa Ngoại bệnh viện cùng các cá nhân gồm ông Nguyễn Văn Tâm giám đốc bệnh viện, bác sĩ Y Tâm, Đức Lam, Quang Nghĩa. Các điều dưỡng, hộ lý liên quan được cho là đã làm đúng nhiệm vụ chuyên môn của mình nên không bị truy cứu trách nhiệm.
Sở Y tế Đăk Lăk yêu cầu lãnh đạo bệnh viện Cư Kuin kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân và tập thể, xem xét xử lý theo phạm vi trách nhiệm và kiến nghị phạt tiền theo quy định pháp luật.
Bệnh nhân Lê Thị Hà Vi sinh năm 2000, hồi đầu tháng 3 bị tai nạn giao thông trên đường đi học, đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin cấp cứu. Sau khi bó bột chân, em có các biểu hiện xấu ở chân, người nhà cho rằng đã phản ánh tình trạng này nhiều lần với y bác sĩ song không được lưu tâm. Đến khi gia đình yêu cầu chuyển viện đến Đa khoa Đăk Lăk, sau đó là Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM thì đã muộn. Vi bị hoại tử chân buộc phải cắt bỏ một phần chân để cứu tính mạng.
Bệnh viện huyện đã xin lỗi gia đình bệnh nhân. Bộ trưởng Y tế đã thăm hỏi và hứa tạo điều kiện cho em theo học ngành y nếu có ý nguyện, đồng thời yêu cầu lãnh đạo y tế tỉnh làm rõ trách nhiệm những người có liên quan đến vụ việc.
Kh. Uyên
Nguồn vnexpress.net