Khủng hoảng tâm lý ở những đứa trẻ suýt chết đuối
Ảnh minh họa: Health. |
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn, Phòng khám Tâm lý, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết khủng hoảng có thể hiểu nôm na là“khủng khiếp” và “hoảng sợ, hoảng loạn, phát hoảng”. Đây là một tình trạng hoảng loạn do phải chứng kiến hoặc trải nghiệm sự việc khủng khiếp nào đó.
Khủng hoảng tâm lý là trạng thái hoảng loạn, mất thăng bằng cảm xúc và lý trí khi một người phải đối diện hoặc trải nghiệm với sự việc bất ngờ, khủng khiếp. Cảnh tượng ấy gây cho họ cảm giác mất an toàn nghiêm trọng hoặc bị đe dọa, mất mát về tính mạng, tài sản, tình cảm, nhân cách, sự tôn trọng, vai trò, vị trí xã hội.
Bác sĩ Minh Mẫn nhấn mạnh khủng hoảng tâm lý không phải bệnh mà chỉ là một trạng thái tâm lý có khởi đầu (từ một sự kiện gây ra), diễn biến và kết thúc. Diễn biến tâm lý, quá trình phục hồi sau khủng hoảng tùy thuộc vào cảm nhận của người đó về tính nghiêm trọng, khủng khiếp của sự kiện, thời gian, thời điểm tác động của sự kiện và khả năng thích ứng, chống chọi để vượt qua thử thách của bản thân cùng với sự trợ giúp của gia đình và xã hội.
Trong cuộc sống, những sự kiện bất ngờ, khủng khiếp, có thể đến với bất kỳ ai, ở vào bất cứ độ tuổi nào, tại bất cứ nơi đâu. Tuy nhiên, đối với trẻ em, mức độ ảnh hưởng của khủng hoảng tâm lý sẽ càng nặng nề, nghiêm trọng, có thể mở ra một khởi đầu “ảm đạm” cho cuộc đời chúng.
Trẻ em là đối tượng dễ tổn thương, thiếu khả năng thích ứng với thử thách, trải nghiệm sống chưa nhiều, kỹ năng sống chuẩn bị chưa tốt. Cuộc sống ngày càng tất bật, nhiều cha mẹ chưa quan tâm và tích cực trợ giúp con đúng mức, đôi khi không nhận ra những biểu hiện của khủng hoảng tâm lý ở trẻ nên không xử trí và can thiệp thích hợp. Việc chuẩn bị cho trẻ khả năng phòng ngừa khủng hoảng tâm lý chưa được đề cập nhiều trong giáo dục từ gia đình và trường học nên khi gặp hoạn nạn, các em không đủ bình tĩnh để đối diện, giải quyết và thoát ra.
Các nghiên cứu cho thấy có nhiều nguyên nhân gây khủng hoảng tâm lý như:
– Trẻ thoát chết sau tai nạn lật xe, chìm tàu, rơi máy bay; thảm họa, động đất, thiên tai, bão lũ, cháy nổ…
– Bị bạo hành, bị hiếp dâm, bị lạm dụng tình dục, cướp trói nhốt trong hầm tối, trong rừng, bị tra tấn, khủng bố, bắt cóc, bán cho các nhà chứa…
– Ngã từ trên cao, bị đuối nước, xe cán, mất một phần cơ thể.
– Chứng kiến sự kiện khủng khiếp khi người thân yêu qua đời, tai nạn, hành hạ, hãm hiếp ngay trước mắt trẻ. Một số trường hợp chứng kiến người thân, bạn bè tự tử, mất đột ngột một phần cơ thể…cũng khiến các em hoảng loạn.
Biểu hiện của khủng hoảng tâm lý rất đa dạng, khác nhau giữa từng cá nhân, điều này tùy thuộc vào lứa tuổi, sự hiểu biết cuộc sống, khả năng thích ứng với thử thách. Do đó, quan sát, nhận biết sớm, đánh giá những “dấu hiệu bất thường” của trẻ sau khi trải qua biến cố khủng khiếp là việc tối cần thiết để có kế hoạch can thiệp thích hợp, giúp các em sớm vượt qua khủng hoảng, hòa nhập với cuộc sống, tránh hậu quả lâu dài vì tổn thương tâm lý.
Trẻ bị khủng hoảng có thể xuất hiện các “dấu hiệu bất thường” qua 3 giai đoạn:
Ngay hoặc sau khi xảy ra một sự kiện khủng khiếp, trẻ chứng kiến hoặc chính các em phải trải qua biến cố đó. Trẻ nhỏ dưới một vài tuổi thường chưa nhận thức được tính nguy hiểm của sự kiện gây khủng hoảng nên thường chỉ khóc ré, hoảng sợ hay giật mình, khóc mớ khi ngủ. Trẻ lớn hơn thường có biểu hiện run sợ, tái mặt, tiểu ra quần, la khóc, kích động, chạy trốn người lạ…
– Trẻ nhỏ thường ít có diễn biến tâm lý bất thường, nếu nguyên nhân gây khủng hoảng đã chấm dứt. Đôi khi, bé có thể gặp ác mộng, ngủ mớ, rụt rè, nhút nhát, sợ người lạ, hoảng sợ khi gặp đối tượng gây bạo hành cho trẻ, đặc biệt khi nguyên nhân gây khủng hoảng tái lập.
– Trẻ lớn có thể bị rối loạn cảm xúc như sợ hãi, tách rời, kích động, dễ giận dữ, lo âu, hoảng loạn, mặc cảm tội lỗi. Các em cũng có thể bị rối loạn hành vi như né tránh tiếp xúc với người khác, cách ly xã hội, tránh đến những nơi gây ra khủng hoảng trước đây, tránh những hoạt động gợi nhớ khủng hoảng quá khứ, mất hứng thú trong học tập hoặc các hoạt động thường ngày vốn dĩ trẻ vẫn từng tham gia trước đây.
– Tư duy của trẻ trở nên chậm chạp, mất tập trung, đờ đẫn, hay nhầm lẫn, hay quên, ngủ mớ, gặp ác mộng, thường nghĩ về sự kiện gây khủng hoảng, tưởng tượng, suy diễn theo chiều hướng tiêu cực dẫn đến lo âu, sợ sệt, hoang mang.
– Thể chất của trẻ cũng bị ảnh hưởng từ hậu quả của khủng hoảng tâm lý. Trẻ khó ngủ, sợ ngủ gặp ác mộng, hay giật mình, tiểu dầm, mệt mỏi, uể oải, đau mỏi toàn thân một cách mơ hồ, ăn uống kém, kém hấp thu và kiệt sức dần.
Trường hợp trẻ gặp khủng hoảng được người lớn phát hiện, xử trí thích hợp và trợ giúp tích cực từ gia đình, nhà trường, xã hội, các tổ chức xã hội chuyên nghiệp, chuyên gia tâm lý, sẽ giúp các em sớm cải thiện tâm lý. Theo thời gian, chúng sẽ biết cách vượt qua khủng hoảng và hòa nhập cộng đồng.
Ngược lại, nếu trẻ không được quan tâm đúng mức, không được trợ giúp tích cực, xử trí không thỏa đáng, ký ức khủng hoảng từ tiềm thức cứ “bơm” vào nhận thức của trẻ sẽ đẩy chúng rơi vào trạng thái tổn thương tâm lý. Tình trạng này có thể nặng nề, ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách và hiệu quả học tập cũng như chất lượng sống của các em sau này.
>>Xem thêm
Cách xử trí và phòng ngừa khủng hoảng tâm lý ở trẻ
Sơ cứu đuối nước đúng cách
Nguồn vnexpress.net